Hé lộ chấm kiểm tra 5% bài thi đại học
Việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% tổng số bài thi của kỳ thi ĐH-CĐ năm 2013 theo chủ trương của Bộ GD-ĐT vẫn có thể có sai lệch và quan điểm của các nhà tuyển sinh cũng rất khác nhau.
Nói về chấm kiểm tra 5% (chấm 5%), ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, nói rằng, đối với các trường chấm thi nghiêm túc, đúng 2 vòng độc lập như quy định thì hình thức chấm 5% có vẻ như không cần thiết vì nhiều trường, trong đó có ĐH Thủy lợi, trước đây vẫn chấm kiểm tra 2-3% tổng số bài thi.
Chấm 5% là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người chấm cũng như tất cả các khâu chấm thi, cộng điểm chấm và vào điểm chính xác hơn. Ông Lê Hữu Lập, Phó hiệu trưởng Học viện Bưu chính Viễn thông |
Tuy nhiên, ông Thụ khẳng định: những trường không thực sự nghiêm túc, không chấm 2 vòng độc lập theo đúng quy chế tuyển sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ chấm, tiết kiệm nhân lực hay vì một lý do gì đó thì hình thức chấm 5% kiểu này là rất hữu ích. Các trường chấm sai sót nhiều đương nhiên phải được kiểm tra và chấm lại. Lý giải nguyên nhân, ông Thụ nói: Có thể do các thầy chấm không theo 2 vòng độc lập; có thể có trường nâng điểm mặt bằng để có nhiều thí sinh hơn; hoặc giả như có trường chỉ tiêu nhiều gần bằng thí sinh dự thi thì đó là chủ ý...
Chấm thi môn Toán ở Đại học Ngoại thương. Ảnh: Hồ thu
Tại ĐH Thủy lợi, đã có thể dự kiến điểm chuẩn vào trường là 15-18 điểm, tùy ngành. Các môn Toán, Lý, Hóa có nhiều điểm 9 và trên 9; riêng môn Hóa có 1 điểm 10 và môn Lý có 2 điểm 9,75. Theo ông Thụ, việc chấm kiểm tra 5% ở ĐH Thủy lợi được tiến hành ở cuối giai đoạn chấm thi và do 5 cán bộ thực hiện.
Trong tổng số gần 400 bài thi được chấm kiểm tra chỉ có 1 bài thay đổi 0,25 điểm do quan điểm khác nhau của người chấm - người chấm lượt đi chặt, quan điểm của người chấm lượt kiểm tra thoáng hơn và cuối cùng hai bên đã mất hàng tiếng để tranh luận và mới thống nhất được với nhau.
ĐH Bách khoa có tổng số trên 12.000 bài thi và đã chấm xong khoảng 60%. Về chấm 5%, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo cho biết, cơ bản người chấm thi vòng 1 và 2 thống nhất được với nhau và hầu như không thay đổi khi chấm 5%- chỉ có số ít bài chênh lệch 0,25 điểm.
Ông Sơn cho biết, khi chưa có quy định chấm 5%, ĐH Bách khoa đã chấm kiểm tra và còn chấm nhiều hơn 5%, thường mỗi túi bài (30-40 bài thi) sẽ rút 2 - 3 bài để chấm lại xem có chấm ẩu hay không. Theo ông Sơn, việc chấm 5% không nhất thiết phải làm tới 2 vòng theo quy định vì thực ra điểm đã có trên bài thi và việc chấm kiểm tra chỉ có ý nghĩa xem có cán bộ nào chấm ẩu, có sai lệch để điều chỉnh và rút kinh nghiệm.
ĐH Thái Nguyên đã hoàn tất việc chấm thi các môn: Toán, Lịch sử, khối A và khối C. Điểm thi cho thấy kết quả nhỉnh hơn năm ngoái ở tất cả các khối; việc chấm 5% chưa phát hiện sai lệch.
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết trường này chấm kiểm tra đồng thời với việc chấm thường xuyên. Kết quả chấm 5% của trường này như sau: 1 túi bài (40 bài) cao nhất có 1-2 trường hợp lệch khoảng 0,25 hoặc 0,5 điểm; ví dụ, môn Toán có 1.000 bài thi, khoảng 300 túi bài thi có 6-7 trường hợp phải đối thoại.
Theo ông Xuân Thực, chủ trương chấm 5% khiến người chấm chịu áp lực, bắt buộc phải chấm chính xác; nếu không chấm cẩn thận sẽ phải thảo luận, thống nhất, mất thời gian. Ông Xuân Thực cũng cho biết thêm, nếu trước đây, tận đến lúc thí sinh làm đơn phúc khảo bài thi thì mới có thể biết về sự sai lệch điểm bài thi. Nay, nhờ chấm 5%, ông Xuân Thực nói có thể biết bài thi có được chấm chính xác hơn. Dĩ nhiên, theo ông Xuân Thực, vẫn có thể có những bài thi nằm ngoài số bài phần trăm bị sai lệch và đến khi thí sinh làm đơn xin chấm phúc khảo mới biết được.
Trước đây, khi Bộ GD-ĐT chưa đưa ra chủ trương chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi, nhiều trường ĐH đã tự tổ chức rút bài ngẫu nhiên trong các túi bài thi và chấm kiểm tra lại. Từng có những trường thi chấm ẩu, không chính xác hoặc cố tình nâng điểm. |
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Tra cứu trọn gói Điểm Chuẩn - Điểm Thi - Xếp Hạng của Đại Học 2013, VD: Thí sinh thi Bách Khoa có số báo danh là BKAA123456, soạn tin: (Bấm xem chi tiết bấm đây) |