Hà Nội khảo sát học sinh lớp 12: Cuộc tập dượt nhiều ý nghĩa

Sự kiện: Giáo dục

Ngày 22-4, khoảng 90.000 học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội làm bài kiểm tra khảo sát năm học 2021-2022. Với mục tiêu hỗ trợ học sinh tốt nhất, tạo cho các em tâm thế tự tin sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các nhà trường đều xác định đây là cuộc tập dượt quan trọng và nhiều ý nghĩa.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trò chuyện với học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) trước giờ làm bài môn ngữ văn. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trò chuyện với học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) trước giờ làm bài môn ngữ văn. 

Học trò tự tin 

7h sáng, tại khu vực sân Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), nhiều học sinh đã có mặt, một số em tranh thủ ôn bài. Sáng nay, 22-4, học sinh làm bài kiểm tra môn ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút; buổi chiều làm bài kiểm tra môn toán trong 90 phút. Trước giờ làm bài môn ngữ văn, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Giám đốc Trần Thế Cương dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức và động viên học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức. 

Ghi nhận chung, các em đều nỗ lực cố gắng làm bài thi, chấp hành các quy định tại quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được thầy giáo, cô giáo phổ biến. Em Vũ Nga My, học sinh lớp 12D5, Trường Trung học phổ thông Việt Đức bày tỏ: Ngoài giờ học chính khóa, chúng em dành nhiều thời gian tự học; tổ chức một số nhóm học tập để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Kết quả kiểm tra là dịp để em tự đánh giá năng lực của mình, biết được điểm yếu để có thể nhờ sự hỗ trợ của thầy, cô giáo, của các bạn và xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp đến trước kỳ thi chính thức. 

Còn em Nguyễn Thị Thu Trang, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết, việc làm theo một đề kiểm tra chung ở tất cả các môn giúp học sinh có thước đo chung, từ đó xác định năng lực của mình ở mức độ nào, còn yếu ở nội dung nào, môn gì... 

Trong hai ngày 22 và 23-4, học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông (công lập và ngoài công lập), học viên lớp 12 của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố làm bài khảo sát theo đề chung do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng. Toàn thành phố chia làm 16 cụm trường. Hiệu trưởng trường cụm trưởng xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức kiểm tra khảo sát, bảo đảm nguyên tắc chung là an toàn, nghiêm túc, khách quan và đạt kết quả trung thực, phản ánh đúng chất lượng dạy, học. Tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị có thể trộn học sinh của một số trường ở gần nhau, hoặc học sinh trường nào làm bài kiểm tra tại trường đó để các em không phải di chuyển quá xa và không gây áp lực. 

Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức cho biết: Nhà trường có 16 lớp 12 với hơn 700 học sinh. Các em dự thi tại 30 phòng, ngồi đúng số báo danh theo quy định và bảo đảm mỗi phòng thi không quá 24 học sinh. Để bảo đảm nghiêm túc trong khâu coi, cán bộ giám sát được huy động từ Trường Trung học phổ thông Trần Phú. 

 Học sinh nghiêm túc chấp hành quy định chung của kỳ kiểm tra. 

 Học sinh nghiêm túc chấp hành quy định chung của kỳ kiểm tra. 

“Thi thử như thật” 

Với mục tiêu tạo tâm thế tự tin, sẵn sàng cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức các kỳ kiểm tra với quy trình tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Trực tiếp làm nhiệm vụ, thầy giáo Trần Xuân Trường, giáo viên toán, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: Trước kỳ khảo sát, ngoài việc củng cố, bổ sung kiến thức, chúng tôi lưu ý những điểm mà thí sinh tham dự các kỳ thi năm trước thường mắc như: Đem điện thoại vào phòng thi, làm nhầm mã đề, quên điền số báo danh, quên ký số tờ giấy thi... Việc đến đúng giờ, chấp hành đúng hiệu lệnh trống cũng được nhắc nhở kỹ, bởi theo quy chế thi, nếu đến chậm quá 15 phút sau hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được vào thi. Đội ngũ giáo viên cũng xác định đây là đợt tập dượt ý nghĩa, thêm kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt nhiệm vụ trong kỳ thi chính thức. 

Còn ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) nhận định: Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, nhà trường tổ chức các khâu như một kỳ thi thật. Cán bộ giám sát khâu coi là giáo viên đến từ Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn. Ghi nhận chung sau bài kiểm tra đầu tiên (môn ngữ văn), giáo viên và học sinh thực hiện đúng quy chế. Khâu coi được thực hiện nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho học sinh. Bài kiểm tra của học sinh ở tất cả các trường trong cụm Gia Lâm - Long Biên sẽ được chấm tập trung theo hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ đó giúp các nhà trường xác định mức độ đáp ứng yêu cầu của học sinh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ. 

Theo ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), kết quả kiểm tra không chỉ có ý nghĩa với từng nhà trường, mà còn là cơ sở để ngành Giáo dục Hà Nội nắm được bức tranh tổng thể về chất lượng dạy, học, từ đó kịp thời có các giải pháp hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất trong thời gian năm học còn lại trước kỳ thi. 

Khoảng đầu tháng 5-2022, các đơn vị sẽ hoàn thành việc chấm bài kiểm tra khảo sát. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, các trường không bắt buộc phải lấy điểm bài kiểm tra này, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh và tuyệt đối không được thu tiền của học sinh phục vụ cho công tác kiểm tra. 

Nguồn: [Link nguồn]

Thiên tài từng bị đuổi học 2 lần vì quá mê Toán mà bỏ hết các môn khác

Vì quá đam mê Toán học mà Ramanujan gần như không quan tâm tới bất kỳ môn học nào khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thống Nhất ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN