Giật mình tình trạng học sinh bị “bắt nạt online”!

Sự kiện: Giáo dục

Kết quả nghiên cứu của Đại học Giáo dục tại một số tỉnh, thành cho thấy, có 30,6% học sinh bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức 2 lần trở lên. Nhiều học sinh bị bắt nạt rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi ảnh hưởng tới cuộc sống, học tập.

Ngày 2/1, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học: “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học”. Tại Hội thảo đã công bố kết quả nghiên cứu thực trạng "bắt nạt trực tuyến" ở học sinh THCS và THPT được trường ĐH Giáo dục thực hiện tại Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa.

TS. Trần Văn Công - ĐH Giáo dục và các cộng sự đã nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 864 học sinh THCS và THPT năm 2018 trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa về vấn đề này. Độ tuổi trung bình là 13.67 trong đó giới tính nam chiếm 53,3% và nữ chiếm 46,7%, có 30,6% học sinh bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% học sinh có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.

Các hành vi bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…

Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy, học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,…) và qua thư điện tử (gmail).

Giật mình tình trạng học sinh bị “bắt nạt online”! - 1

Nhiều học sinh sử dụng mạng internet để bắt nạt trực tuyến. Ảnh: TL

Các chuyên gia tâm lý của ĐH Giáo dục cho rằng, việc các em thường xuyên bị bắt nạt trên mạng đối diện với nhiều nguy cơ. Với mối quan hệ xã hội, các em sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô. Có trường hợp bị ghép ảnh hở hang sẽ không dám gặp ai nữa, học tập bị ảnh hưởng, không tập trung học hành, luôn có cảm xúc lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống các em.

Những nguyên nhân học sinh đi bắt nạt trực tuyến được xác định như: bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn, làm như vậy để trả thù lại những người bạn đã từng làm thế với mình. Ngoài ra, môt nguyên nhân học sinh bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất là chỉ trêu đùa “cho vui”.

Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 học sinh thì có khoảng 3 - 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Học sinh nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. Học sinh càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.

Dù tình trạng bắt nạt trực tuyến xảy ra khá nhiều, song theo chuyên gia tâm lý, các chương trình mang tính phòng ngừa nạn bắt nạt học đường hiện nay tại các trường học còn rất hạn chế. Để ngăn chặn và khắc phục những hậu quả của bắt nạt trực tuyến, gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm sát sao hơn nữa. Phụ huynh cần chú ý xem con có những dấu hiệu bất thường để can thiệp, giúp đỡ. Giáo viên cũng có thể trao đổi với học sinh, tìm cách giúp đỡ học sinh.

Theo GS.TS Bahr Weiss đến từ Mỹ, việc can thiệp hiệu quả và quan trọng nhất là trong nhà trường. Có nhiều cách để can thiệp bắt nạt trực tuyến, như dạy cho cá nhân cách ứng phó, phòng ngừa. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc với cả lớp để có cách thay đổi ứng xử hành vi. Cũng có thể thay đổi không khí toàn trường bằng cách không chấp nhận việc học sinh bị bắt nạt.

Giáo viên đã cho HS bài học nhớ đời về việc bắt nạt chỉ với 2 quả táo

Chỉ với 2 quả táo, cô giáo này đã dạy cho học sinh của mình một bài học thấm thía về sức mạnh kinh khủng của lời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN