Giáo sư Việt không cần thạo ngoại ngữ
Từ tháng 10 năm nay, các ứng viên cho chức danh GS, PGS không phải đáp ứng quy định sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đây là điểm thay đổi trong quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS được đưa ra theo một thông tư sửa đổi do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11/9.
Cụ thể, ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS không bắt buộc phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Đồng thời, thông tư mới cũng bỏ quy định hướng dẫn chính hoặc phụ học viên cao học làm luận văn thạc sĩ.
Quy định sửa đổi, bổ sung cũng nêu rõ về thâm niên đào tạo đối với ứng viên là giảng viên thỉnh giảng. Cụ thể, thâm niên đào tạo đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 190 giờ chuẩn, đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS là 170 giờ chuẩn. Trong đó, tối thiểu phải có 50% số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp.
Ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục ĐH phải có đủ 12 điểm công trình khoa học trở lên (gồm có ít nhất 3 điểm được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ; Có ít nhất 6 điểm tính từ các bài báo khoa học đã được công bố; Có ít nhất 3 điểm tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản, trong đó 1,5 điểm tính từ biên soạn giáo trình hoặc/và sách chuyên khảo).
Xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS không bắt buộc phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Ứng viên là giảng viên thỉnh giảng của các cơ sở giáo dục ĐH phải có đủ 20 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên. Trong đó, điểm tính từ các bài báo khoa học đã được công bố phải có ít nhất 10 điểm...
Ứng viên thuộc các ngành Giáo dục, Tâm lý, Kinh tế, Luật, Ngôn ngữ, Quân sự, An ninh, Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học, Triết học, Xã hội học, Chính trị học, Văn học, Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục thể thao phải có ít nhất 1 sách chuyên khảo viết một mình và có 1 giáo trình vừa là chủ biên vừa tham gia viết.
Những người đã được bổ nhiệm GS, PGS tại các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài, muốn được bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, trong đó có ít nhất 1 công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Việc tính quy đổi điểm các công trình khoa học của ứng viên phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành chuyên môn xem xét.
Cũng theo thông tư này, thời gian ứng viên làm chuyên gia giáo dục ở các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài được tính là thời gian giảng dạy, đào tạo nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó có ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy tại trường hoặc có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài.
Những GS, PGS đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm, khi thuyên chuyển đến nơi công tác mới thì không phải bổ nhiệm lại. Những người đã được bổ nhiệm chức danh GS, PGS nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định thì bị miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Nhận xét về thay đổi với yêu cầu "năng lực ngoại ngữ", một tiến sĩ giáo dục cho biết, quy định này hạ thấp năng lực đội ngũ GS, PGS nhưng sẽ giảm bớt được tiêu cực vì hiện tượng chạy chọt.