Sẽ “lạm phát” giáo sư, phó giáo sư?
Khi đưa vào chức danh nghề sẽ có thêm hệ số trong lương và tăng thu nhập. Băn khoăn việc công nhận và bổ nhiệm lại
Từ nhiều năm nay, hiệu trưởng các trường là người lập danh sách các ứng viên có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS, PGS, báo cáo cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận và có công văn kèm theo đề nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Người bổ nhiệm các chức danh GS, PGS sẽ là bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Bổ nhiệm theo nhu cầu
Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT từ tháng 10/2012, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH sẽ căn cứ nhu cầu bổ nhiệm chức danh PGS, GS, xét đề nghị của khoa, bộ môn, ý kiến của hội đồng khoa học và đào tạo của trường để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo có đủ điều kiện.
Bộ GD-ĐT quy định việc tổ chức xét ở bộ môn, khoa và hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên tán thành. Sau một tháng kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm báo cáo danh sách GS, PGS mới được bổ nhiệm lên cơ quan chủ quản và Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao chức danh GS, PGS cho các nhà giáo,
nhà nghiên cứu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội ngày 12/11/2011. Ảnh: TTXVN
Cũng theo quy định mới, những người đã được bổ nhiệm GS, PGS tại cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài, muốn được bổ nhiệm chức danh PGS, GS tại cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức GS, PGS. Trong đó ít nhất có một công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Việc tính quy đổi điểm các công trình khoa học của ứng viên phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành chuyên môn xem xét.
Tăng số lượng GS, PGS
Việc giao quyền cho hiệu trưởng bổ nhiệm các chức danh PGS, GS đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau của các chuyên gia giáo dục. Một GS khẳng định đây là quyết định hợp với xu thế thế giới. Trên thực tế, ở phần lớn các nước, việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS là việc của trường chứ không phải của bộ trưởng.
GS này nhìn nhận: “Không ở nước nào lại có một hội đồng chức danh GS Nhà nước làm nhiệm vụ xét điều kiện của các ứng viên như ở nước ta”. Tuy nhiên, không ít người cũng lo rằng việc giao cho hiệu trưởng bổ nhiệm GS, PGS sẽ khiến số lượng PGS, GS tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước băn khoăn này, một thành viên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước khẳng định trước nay chức danh PGS, GS chỉ như một phần thưởng cho người nghiên cứu khoa học, khiến các giảng viên, nhà nghiên cứu “oách” thêm chứ không mấy quyền lợi đi kèm.
Chính vì vậy nên tỉ lệ PGS, GS hiện nay rất thấp. Để không còn tỉ lệ thấp như hiện nay thì từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần bổ nhiệm 54 GS và 370 PGS mới đủ. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013), chức danh của giảng viên sẽ bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS và GS. Như vậy, khi đưa vào chức danh nghề, các PGS, GS có thêm hệ số trong bảng lương và thu nhập của họ sẽ tăng lên đáng kể.
Công nhận GS, PGS giữa các trường?
Nội dung quan trọng khiến dư luận băn khoăn nhiều nhất trong thông tư mới là các PGS, GS sẽ được công nhận như thế nào. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc xét công nhận các GS, PGS dựa trên bộ tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đã quy định về các loại công trình khoa học, bài báo khoa học đã được công bố, sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản, chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ…
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là liệu người được bổ nhiệm PGS, GS ở trường này có được công nhận ở trường khác không hay phải bổ nhiệm lại? Thông tư mới chỉ quy định những GS, PGS đã được bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm, khi thuyên chuyển đến nơi công tác mới thì không phải bổ nhiệm lại chứ không quy định về các trường hợp PGS, GS được hiệu trưởng bổ nhiệm.
Về nguyên tắc, ở bất cứ trường ĐH nào, có thương hiệu hay không có thương hiệu, khi đã đạt các tiêu chuẩn được Bộ GD-ĐT đưa ra, các ứng viên có thể được bổ nhiệm GS, PGS và chức danh này có giá trị như nhau. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay đây là vấn đề mới nên sẽ làm việc thêm với Hội đồng Chức danh GS Nhà nước.
“Quy định mới sẽ là động lực để các giảng viên phấn đấu nhiều hơn bởi chức danh gắn với quyền lợi” - một thành viên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước nhấn mạnh.