Giáo dục cảm xúc cho HS: Vẫn là khoảng lặng
Thời gian gần đây, các hiện tượng tiêu cực trong trẻ em như bạo lực, trầm cảm, nghiện ngập... đang ngày một gia tăng. Theo các chuyên gia tâm lý, đó là kết quả giáo dục sai lầm về mặt cảm xúc đối với trẻ em.
Thực tế cho thấy, những học sinh "có vấn đề" thường là những em thiếu khả năng điều khiển các cảm xúc căng thẳng của bản thân, không hiểu các cảm xúc của người khác và thiếu các kỹ năng xã hội cơ bản.
Giáo viên chưa thực sự quan tâm
Nghiên cứu trên 428 giáo viên, 2.071 học sinh THCS và 551 phụ huynh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy, có sự mâu thuẫn nhất định trong việc tự đánh giá của học sinh về trạng thái cảm xúc của mình. Đó là mâu thuẫn giữa sự tự đánh giá về tâm trạng với tính tích cực của bản thân. Một mặt các em luôn tự cho mình là mạnh mẽ, vui vẻ, yêu đời, hạnh phúc, tươi tỉnh, sung sức… nhưng cùng lúc đó lại cảm thấy thụ động, không muốn làm việc, không muốn động chân tay, đầu óc mụ mẫm.
Theo PGS - TS Đào Thị Oanh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những điều giúp con người bộc lộ cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp là sự nhạy cảm. Trên thực tế, mọi người rất hiếm khi nói ra bằng lời về những gì họ cảm thấy mà thường thông qua giọng nói, nét mặt và các phương tiện không lời khác. Khả năng hiểu được những truyền đạt tinh tế này được hình thành dựa trên những kỹ năng cơ bản, đặc biệt là kỹ năng tự nhận thức và kỹ năng tự chủ. Nếu cá nhân không hiểu được tâm trạng của người khác thì sẽ không thể cảm nhận và phản ứng lại trước những mối quan tâm của người khác và chắc chắn không thể hiểu được những vấn đề ẩn giấu đằng sau cảm xúc của người khác. Theo đánh giá của giáo viên về sự nhạy cảm của học sinh trước tâm trạng của họ, tỷ lệ học sinh được đánh giá là "nhạy cảm" chiếm 36%, tỷ lệ học sinh "không nhạy cảm" là 33%. Đặc biệt, số học sinh được cho là "vô tâm" chiếm tỷ lệ không nhỏ (22%). Bên cạnh đó, có khoảng 9% giáo viên tự đánh giá bản thân "không biết là học sinh có hiểu tâm trạng của mình hay không" và "không quan tâm đến điều đó". Kết quả điều tra ý kiến của giáo viên về sự quan tâm của mình đến tâm trạng của học sinh cho thấy, có tới 1/4 giáo viên hoàn toàn không chủ động để hiểu tâm trạng của học sinh mình. Chỉ có 4,67% thường xuyên quan tâm đến tâm trạng của học sinh. Số còn lại tự đánh giá có quan tâm đến học sinh khi các em có biểu hiện khác thường. Trên thực tế, chỉ có 15,1% học sinh tìm đến giáo viên để chia sẻ khi có tâm trạng không thoải mái. Những con số này thực sự đáng để các nhà giáo dục quan tâm.
Giáo dục cảm xúc cho các em học sinh là việc làm cần thiết trong mỗi nhà trường - Ảnh: Minh Hải
Cha mẹ thiếu nhạy cảm
Đánh giá ý kiến của cha mẹ về cảm xúc của con cái khi tức giận, có mâu thuẫn với cha mẹ, hoặc khi lo lắng, căng thẳng cho kết quả: 57,9% học sinh phản ứng lầm lì không nói năng gì; 37,7% quát tháo ầm ĩ khi được hỏi đến; 21,2% bỏ ra khỏi nhà. Điều này nghĩa là học sinh rất kém ở khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Về phía cha mẹ, cách ứng xử với con vào những lúc như vậy cũng chưa được như mong muốn. Tỷ lệ cha mẹ gần gũi, thuyết phục chỉ chiếm 25,6%. Đáng lưu ý, 24,5% cha mẹ mặc kệ, 19,8% quát tháo và 8,5% còn đánh đập con. Bên cạnh đó, còn một tỷ lệ lớn cha mẹ tỏ ra thiếu nhạy cảm trước những tâm trạng bất thường của con cái. Nhiều phụ huynh chỉ khi được giáo viên chủ nhiệm mời đến trường hoặc đến tận nhà thông báo, hay nghe được từ hàng xóm hoặc từ bạn bè của con, mới biết con mình đang có "vấn đề".
Hiện nay, việc giáo dục cảm xúc cho học sinh dường như bị xao lãng và thường đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua học lực là chủ yếu. Cách đánh giá này chưa tốt vì ít có tác dụng khích lệ học sinh để các em phát triển theo chiều hướng đi lên, theo nghĩa quan tâm thực sự đến ý nghĩa tâm lý của sự vươn lên ở mỗi cá nhân. Theo TS Đào Thị Oanh, để quá trình giáo dục đạt kết quả, không nên chỉ đưa lên những điển hình học tập mà phần lớn học sinh khó noi theo mà nên hướng vào những tấm gương học sinh vượt qua khó khăn để vươn lên, để tiến bộ hơn so với cái mình hiện có. Tương tự, cũng cần thay đổi cách trừng phạt học sinh khi các em tỏ ra vô kỷ luật theo hướng bù đắp những thiếu hụt về cảm xúc để giúp các em giải quyết tốt hơn các xung đột của bản thân.
Theo các nhà nghiên cứu, trong điều kiện phát triển của xã hội hiện đại thì việc giáo dục cảm xúc cho học sinh cần phải được quan tâm hơn nữa và cần bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện nay như: "Tự nhận thức bản thân", "Tự thúc đẩy bản thân", "Hợp tác", "Đồng cảm"... Nhà trường cũng cần giáo dục cảm xúc cho học sinh theo cách tiếp cận mới, không nên chỉ sử dụng cảm xúc như là phương tiện giáo dục học sinh, mà cần biết cách giúp các em ứng phó tốt nhất có thể với cuộc sống hiện đại vốn luôn luôn biến đổi.