Gặp gỡ VN 9: Tiếng lòng cho khoa học Việt

Ngày 17/8, chuỗi sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 (GGVN9) khép lại sau 20 ngày diễn ra tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Nhiều nhà khoa học đã đóng góp ý kiến để khắc phục những điểm yếu trong nghiên cứu khoa học ở VN.

Đừng để mọi sự “im ỉm khóa”

Sự hiện hữu về đầu tư cho khoa học Việt Nam có thể nhận biết ngay, đó chính là tòa nhà Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vừa đi vào hoạt động tại phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn).

Hân hoan và kỳ vọng vào trung tâm này là rất lớn, thế nhưng nhiều người lo lắng: Liệu sau GGVN9, ICISE sẽ được khai thác như thế nào, hay là lại “im ỉm khóa”? Có thể ý tưởng phát huy hiệu quả của ICISE đã được GS Trần Thanh Vân và những cộng sự hoạch định, trù liệu. Thế nhưng lo lắng này không thừa khi trung tâm chỉ có “sức hút Trần Thanh Vân” mà GS thì đã tuổi cao sức yếu.

Theo GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS Vân đã làm được điều mà “chưa người Việt Nam nào làm được, chưa người nước nào làm được cho Tổ quốc họ”, đó là tập hợp khoa học – nguồn lực chất xám khắp nơi để bồi đắp cho quê hương. “Không chỉ đem tiền về quê hương, ông còn đem một điều kiện “cần” cho khoa học Việt, còn điều kiện “đủ” phải là một môi trường tư duy thông thoáng dành cho khoa học, để những nhân tài khoa học Việt không cứ phải ra nước ngoài mới có thể đơm hoa kết trái…”- GS Hiệu nói.

Gặp gỡ VN 9: Tiếng lòng cho khoa học Việt - 1

Những nhà khoa học hàng đầu thế giới tại Gặp gỡ Việt Nam 9 (Quy Nhơn, tháng 8/2013)

Quá nhiều tiến sĩ, khó làm khoa học!

Là đại biểu cao tuổi nhất GGVN9, từng đến Việt Nam cách đây 20 năm, GS Jack Steinberger (93 tuổi, Nobel Vật lý năm 1988) nói: “Tôi thấy Việt Nam chưa thay đổi gì nhiều trong đầu tư cho môi trường phát triển nghiên cứu khoa học”.

Nhiều nhà khoa học Việt kiều thành danh khác tại GGVN 9 nhấn mạnh đến chính sách đầu tư cho lớp trẻ làm khoa học, thế nhưng trước tiên phải “xem lại” nền giáo dục. Đã nhiều lần về Việt Nam giảng dạy, GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Mỹ) nói: “Việt Nam phải có một nền giáo dục “sự thật” thì may ra mới nâng chất được khoa học. Phải thay đổi cách đào tạo đại học và sau đại học. Tiến sĩ ở Việt Nam quá nhiều mà mấy ai tham gia nghiên cứu khoa học!”.

Thạc sĩ Trần Hương Lan (đang học năm cuối chương trình tiến sĩ tại Đại học Paris 11 - Pháp) thẳng thắn: “Từ trường quê ở Hàm Rồng, Thanh Hóa, tôi đi nước ngoài học chuyên sâu về vật lý hạt cơ bản. Tôi luôn muốn về Việt Nam để làm việc nhưng thực sự thấy nhiều quan ngại bởi nước ta còn thiếu các phòng thí nghiệm hiện đại, chưa có hệ thống phát triển khoa học cơ bản. Rồi còn chuyện thu nhập, người làm khoa học không ham giàu nhưng lương bổng phải đủ sống để tập trung cho công việc nghiên cứu, thì may ra mới có thành công…”.

Về phía GS Trần Thanh Vân, ông chia sẻ: “Tôi hài lòng về sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền cho những ngày diễn ra GGVN 9. Hàng loạt thông tin chuyên sâu, mới nhất về vật lý thế giới đã được công bố, thu hút tuyệt đối khách mời tham gia. Còn để khoa học Việt Nam thực sự phát triển, hòa nhập với thế giới thì xin hãy lắng nghe ý kiến của bạn bè tâm huyết, để khắc phục những điểm yếu của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Đức Tuấn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN