Đừng coi chương trình tiên tiến là bước đệm để đi nước ngoài
Bên cạnh những điểm yếu cố hữu đào tạo theo chương trình tiên tiến, GS Nguyễn Quý Thanh còn đề nghị Chương trình phải phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tránh tình trạng coi nó như bước đệm đi học nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới ĐH công lập và ngoài công lập sẽ cạnh tranh bình đẳng. Ảnh : Nghiêm Huê
Phát biểu tại hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 - 2016, tổ chức ngày hôm qua, 30/12 tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, sau 10 năm thực hiện chương trình tiên tiến (CTTT), các trường phải tập trung đánh giá, rà soát mục tiêu đào tạo. Số sinh viên ra trường chất lượng thế nào, có thực sự khác với chương trình đại trà không, có gần với chương trình của đối tác hay không, quan trọng hơn là cơ cấu sinh viên ra trường ngành nghề thế nào, có phát huy được không. Thứ hai là tạo ra tính bền vững của các cơ sở đào tạo. Nếu không, đề án cũng giống những dự án, hết tiền là hết sinh viên.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có 271 trường ĐH, học viện cơ sở đào tạo ĐH. Trong gần 200 trường ĐH công lập thì 28 trường ĐH địa phương, đa phần được nâng cấp từ CĐ lên nên khó trông cậy được chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, đến nay, sau 10 năm triển khai, cả nước đã có 24 trường đại học triển khai thực hiện 35 CTTT của 22 trường đại học trên thế giới. Đã có trên 3.600 sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Khó thu hút sinh viên quốc tế
Một trong số các mục tiêu mà CTTT đặt ra là thu hút 3.000 sinh viên nước ngoài đến học tập, thực tập tại Việt Nam. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, sau 10 năm có 2.000 sinh viên quốc tế đến học tập và thực tập các CTTT. Tuy nhiên, trong số này lại chủ yếu là thực tập, trao đổi học thuật, chiếm tới 1.324 sinh viên. Suốt 10 năm triển khai các CTTT, không có một sinh viên quốc tế nào từ 22 trường đối tác đến học toàn khóa.
“Đây là bức tranh rất nan giải. Trong năm 2017, phải rà soát đánh giá, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp lại. Thực ra số lượng trường của chúng ta không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông, nhưng cái yếu của chúng là trường không nhiều nhưng nhiều trường trong số không nhiều đó chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng. Tên gọi hoành tráng, có cơ sở còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng vô cùng khó khăn mà Thủ tướng Chính phủ đã nói rồi cũng khó ra hồn”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Hiệu trưởng ĐH Hàng hải, GS.TS Lương Công Nhớ cho biết trường chủ yếu thu hút sinh viên quốc tế đến từ châu phi, Malaysia, Banglades. Ông Vũ Thế Dũng, phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM cũng cho biết, năm đầu trường thực hiện CTTT tuyển được 4 sinh viên quốc tế, năm thứ 2 được 6 sinh viên. “Khó khăn trong việc thu hút sinh viên quốc tế đến với trường đó chính là môi trường nói tiếng Anh. Sinh viên quốc tế đến thư viện, đến phòng thí nghiệm có thể nói tiếng Anh nhưng các dịch vụ khác như tại căng - tin, ngoài lớp học thì lại nói tiếng Việt” - ông Dũng chia sẻ.
Mặt khác, một trong những khó khăn trong quá trình triển khai CTTT được các trường đưa ra đó là trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn nhiều hạn chế. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên đồng bằng sông Cửu Long quá thấp.
Giải pháp mà trường đưa ra là dành riêng học kỳ đầu tiên để dạy tiếng Anh cho sinh viên. Trình độ ngoại ngữ cũng là vấn đề mà hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đưa ra tại hội nghị.
Ít công trình công bố quốc tế
Theo GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù chương trình của ta tốt, nhưng để thừa nhận tín chỉ của sinh viên thì các trường đối tác vẫn chưa sẵn sàng.
Về kiểm định, GS Nguyễn Quý Thanh cho biết qua đánh giá của AUN (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), thì các CTTT của chúng ta không nhỉnh hơn nhiều so với chương trnh thường.
“Theo khung đánh giá của AUN, mức 5 là mức đạt (vượt yêu cầu một chút). Muốn đạt theo mức của khu vực phải là mức 6, còn đạt để thế giới công nhận phải mức 7. Trong khi đó, qua khảo sát, chúng ta mới chỉ đạt ở mức 4, 4.5. Như vậy CTTT của chúng ta chưa nổi bật hơn các chương trnh khác của AUN” - GS Thanh cho hay.
Cũng theo GS Nguyễn Quý Thanh, hiệu quả liên quan đến nghiên cứu khoa học cũng chưa được thể hiện rõ, chỉ có 145 công trình được công bố, nhiều CTTT không có công trình nào. “Nếu tính trên tổng số trên 1.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên thì tỷ lệ đạt thấp hơn rất nhiều so với các trường trong các nước trong ASEAN” – GS Thanh cho biết.
GS Nguyễn Quý Thanh đề nghị, CTTT phải phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tránh tình trạng, xem CTTT như bước đệm đi học nước ngoài.