Đưa giáo án của bác sĩ bệnh viện tâm thần vào trường học

Sự kiện: Giáo dục

“Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” là lớp học đang thu hút rất đông học sinh tại các trường THPT ở Đà Nẵng. Ở lớp học này, học trò tìm ra cách giải quyết những vấn đề căng thẳng trong nhà trường cũng như ở nhà, ngoài ra còn được trang bị thêm rất nhiều kỹ năng sống. Điều đặc biệt đằng sau lớp học thú vị ấy là giáo án được viết nên bởi các bác sĩ bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Đưa giáo án của bác sĩ bệnh viện tâm thần vào trường học - 1

Học sinh trường THPT Phan Châu Trinh đang thực hành giải quyết một tình huống trong buổi học về “Rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập”. Ảnh: Thanh Trần.

Chậm lại, suy nghĩ rồi hành động

 Tiết học “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” tại trường THPT Phan Châu Trinh đặt ra tình huống: Em là cô gái có mái tóc xù, xấu xí, nhà lại nghèo khó nên tới trường luôn bị bạn bè dè bỉu, xa lánh, thậm chí đánh em bất cứ lúc nào các bạn muốn. Trong trường hợp ấy, em sẽ làm gì?

Lưu An (lớp 11/24) nói rằng em sẽ cố hết sức bình tĩnh để đối mặt, sau đó nói chuyện với các bạn rằng mái tóc và gia cảnh không quyết định được nhân cách con người em. Và em sẽ không buồn nếu các bạn cứ tiếp tục dè bỉu hai điểm yếu đó của mình, vì vậy mong các bạn không tiếp tục làm phiền em nữa. Còn Ngô Thị Xuân Thương cương quyết rằng nếu đã thể hiện rõ quan điểm như An mà các bạn vẫn còn tiếp tục và đánh em thì em sẽ chụp tay các bạn lại để tự vệ cho mình.

An và Thương tâm sự rằng đó là cách giải quyết bình tĩnh mà cả hai học được sau khi tham gia lớp học rèn luyện kỹ năng. Thương thú thật: “Trước đây nếu gặp chuyện như vậy chắc chắn em chỉ còn nước khóc ròng rồi không muốn đến trường chứ chẳng thể nào bình tĩnh như bây giờ. Em cũng từng giận nhau với một người bạn thân, khi ấy em chọn cách im lặng và cao trào là cả hai cạch mặt nhau. Mãi cho đến khi em tham gia lớp học, em học được cách “giải quyết vấn đề không trốn tránh” nên đã tìm người bạn của mình thẳng thắn nói chuyện, phân tích đúng sai cho nhau. Cũng nhờ bài học ấy mà trước mọi chuyện em luôn sẵn sàng đối mặt chứ không im lặng rồi chuốc lấy áp lực, mệt mỏi vào người”.

Còn Minh Đức (cùng lớp) kể từng gây gổ với một bạn, và theo mạch cảm xúc của bản thân, Đức trút giận hết lên người bạn đó, lấy mọi cớ để buộc tội người bạn đó làm ảnh hưởng tới mình. Vậy mà sau khi nắm được kỹ năng giải quyết theo hướng tích cực, Đức đã nhìn nhận mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. “Nếu em nghĩ bạn đó theo hướng tiêu cực thì tất tần tật cái gì thuộc về bạn ấy cũng xấu. Còn nếu nghĩ theo hướng tích cực thì bạn em và mọi chuyện không hề tồi tệ. Vì vậy em đã tới xin lỗi và nói chuyện với bạn”, Đức chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Xuân, giáo viên tư vấn tâm lý trường THPT Phan Châu Trinh cho hay, học sinh thường bị cuốn hút vào các buổi học này bởi các em được cung cấp nhiều lời giải cho những tình huống khó. Trong đó chú ý nhất là chiến lược SSTA (S: Stop, S: Slow, T: Think, A: Action). “Chiến lược này đánh tan tính nông nổi của lứa tuổi học trò. Trước mọi biến cố, các em luôn thực hiện theo trình tự dừng lại – chậm lại – suy nghĩ - hành động” chứ không phản ứng tức thời theo kiểu bỏ chạy, trốn tránh, đánh đập, chửi tục…. Nhờ có được tâm  thế bình tĩnh đó nên các em giải quyết mọi chuyện rất nhẹ nhàng”, cô nói.

Vượt qua khủng hoảng tuổi học trò

Bốn năm trước, bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tham gia nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam. Nhận thấy lứa tuổi học trò có quá nhiều khủng hoảng xảy đến từ học hành, bạn bè, thầy cô và gia đình, nếu không có phương pháp giải quyết sẽ ảnh hưởng tới việc học cũng như sức khỏe, tinh thần của các em. Thậm chí dẫn đến những hành vi tiêu cực với hậu quả khó lường. Vì vậy, với sự hỗ trợ của tiến sĩ tâm lý lâm sàng Bahr Weiss (ĐH Vanderbilt, Mỹ), các bác sĩ trong bệnh viện tâm thần đã viết giáo án “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” để giúp các em vượt qua những căng thẳng tuổi học trò. Giáo án tập trung vào 4 nội dung chính: Thứ nhất là để các em tự nhận ra mình có ưu thế giải quyết vấn đề bằng cách nào, thứ hai là chiến lược SSTA, thứ ba là kỹ năng giảm tải những vấn đề trong cuộc sống và cuối cùng là các bước giải quyết vấn đề. Ngoài ra còn có thêm dấu hiệu nhận biết dấu hiệu stress, cách để tự tin trước đám đông…

“Trong chương trình này, chúng tôi chú trọng vào việc lấy tình huống cụ thể để các em bộc lộ được kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Sau đó tư vấn cho các em cách gỡ rối tốt nhất. Mục đích cuối cùng là mong các em vượt qua được khủng hoảng, nên giáo án định hướng các em bình tĩnh, suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực, làm sao để gặp bất kỳ biến cố nào các em cũng có thể đối diện bằng một thái độ điềm tĩnh nhất”, BS Trung cho biết.

Ban đầu, giáo án này được áp dụng tại hai trường THPT Phan Châu Trinh và Nguyễn Thượng Hiền. Sau khi thấy lớp học hiệu quả, trường THPT Nguyễn Hiền và THPT Cẩm Lệ cũng tham gia. Chương trình học kéo dài trong 8 buổi với sự tham gia tự nguyện của các em. “Ban đầu học sinh thấy lạ không tham gia, nhưng khi thấy bạn bè bước ra từ lớp học thay đổi theo hướng tốt lên, các em liên tục đăng ký. Hiện tại nhà trường mong muốn nhân rộng chương trình này, vì vậy đã đào tạo hạt nhân từ các lớp học để sau này các em có thể làm người điều hành những khóa mới”, cô Ngọc Xuân cho hay. 

“Dựa trên những kỹ năng mà giáo án cung cấp, chúng tôi khuyến khích các em sáng tạo thêm cách giải quyết vấn đề. Không nhất nhất phụ thuộc vào giáo án”

Bác sĩ Lâm Tứ Trung chia sẻ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trần (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN