Đủ điểm đậu đại học vẫn chọn trung cấp
Nhiều học sinh đủ điều kiện học ĐH nhưng lại chọn học trung cấp. Chính nhu cầu thị trường đã giúp các em có cái nhìn thực tế hơn về nghề nghiệp của bản thân.
Thạch Thị Thanh Danh, quê Sóc Trăng, vừa đăng ký học ngành quản trị mạng tại Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa
(TP HCM). Thi THPT quốc gia năm 2017 với tổng điểm 3 môn khối C đạt 21 điểm - mức điểm để em có thể trúng tuyển vào nhiều trường ĐH nhưng em quyết định đăng ký học trung cấp. Danh cho biết học trung cấp, em sẽ sớm tìm việc làm, có thu nhập sau đó học liên thông, nếu cần.
23 điểm vẫn chọn trung cấp
Một trường hợp khác là em Trần Thanh Ngọc, học sinh Trường Trung cấp Việt Giao. Ngọc cho biết cách đây 3 năm, em trúng tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM với mức điểm là 23. Học 1 năm ĐH, em thấy mình không đam mê nhưng chưa đủ can đảm để nghỉ học nên em có đi làm thêm ở lĩnh vực nhà hàng. Trong thời gian đi làm, em thấy mình phù hợp, đam mê với công việc. Trong thời gian đó, em được một người chị giải thích, định hướng lĩnh vực công việc nên sau 1 năm rưỡi học ĐH, em bỏ học.
Nhiều lý do để học sinh ngày nay chọn học trung cấp nghề thay vì ĐH Ảnh: TẤN THẠNH
Quyết định bỏ học ĐH của em đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình, bạn bè nhưng em đã quyết thì không thay đổi. Hiện em đã học ngành quản trị nhà hàng ở Trường Trung cấp Việt Giao được 1 năm và vẫn vừa học vừa làm thêm. "Em chưa biết có học liên thông nâng cao hay không nhưng em có kế hoạch học nâng cao các khóa về quản lý ở Úc hay Singapore" - Ngọc cho biết.
Thông tin từ các trường trung cấp cho biết hằng năm, số lượng thí sinh đủ điểm để đậu ĐH nhưng vẫn học trung cấp khá nhiều. Theo ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, hằng năm có khoảng 15% học sinh trúng ĐH nhưng vẫn đăng ký vào học ở trường trong khi những người đã có bằng ĐH đăng ký học văn bằng 2 hệ trung cấp còn cao hơn, từ 20%-30%.
Ông Nguyễn Trọng Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa, cho biết trong mùa tuyển sinh năm nay, trường ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh đủ điều kiện học ĐH nhưng vẫn đăng ký học trung cấp. Các trường khác như Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (TP HCM), Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn... cũng tương tự.
Đáp ứng được nhu cầu việc làm
Tại thời điểm này, nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung, có trường chưa đủ nhưng vẫn khép lại để ổn định công tác đào tạo. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Thí sinh đậu ĐH đã đi đâu? Đi theo hướng học trung cấp là một trong những câu trả lời.
Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, thông tin: Học sinh đủ điểm vào học ĐH, thậm chí điểm cao nhưng vẫn đăng ký học trung cấp không mới nhưng xu hướng ngày càng nhiều vào những năm gần đây. Trước đây, nhiều người vẫn có suy nghĩ phải học ĐH mới xin được việc làm ổn định, lương cao. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy điều này không hoàn toàn đúng khi nhiều cử nhân, thạc sĩ lại cất bằng đi học nghề. Khi được hỏi, nhiều cử nhân cho rằng tấm bằng ĐH không xin việc dễ dàng khi nhiều doanh nghiệp khắt khe hơn trong tuyển chọn nhân sự có kinh nghiệm, kỹ năng.
"Tinh thần của đào tạo ĐH là những chuyên gia, những nhà khoa học. Trong khi đào tạo trung cấp là đào tạo tay nghề, những người thợ lành nghề và có thể đáp ứng ngay nhu cầu công việc của xã hội" - ông Phương nói.
ThS Nguyễn Trọng Trung đưa ra một số nguyên do để lý giải xu hướng bỏ ĐH để theo trường nghề. Về tài chính, học phí ĐH hiện nay, kể cả ĐH công lập, tương đối cao trong khi học phí học trung cấp khoảng 7 triệu đồng/năm. Học sinh học trung cấp học xong ra trường có việc làm ngay và thời gian chỉ 18 tháng cho khóa học trung cấp.
Quan trọng hơn là quan điểm của xã hội hiện nay cũng bớt coi trọng bằng cấp mà chuyển sang coi trọng tay nghề và kỹ năng thực hiện công việc. Các công ty hiện nay đa phần đã thay đổi, chỉ những bộ phận nào cần trình độ ĐH mới tuyển người có trình độ ĐH, còn lại họ sẽ tuyển trình độ trung cấp, thậm chí sơ cấp. Ngoài ra, thu nhập cho lao động có trình độ trung cấp và các bậc cao hơn cũng được các công ty trả tương xứng và không chênh lệch là bao.
Với dự thảo bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng trong xét tuyển đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT, đại diện nhiều...