ĐH SPKT Hưng Yên: Những chuyện mờ ám

Nhiều sinh viên và giảng viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đang hoang mang trước những thông tin về các dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo nhà trường trong đào tạo, quản lý tài chính…

Sự mờ ám trong quy định chứng chỉ chuẩn đầu ra

PV nhận được đơn tố cáo của một số sinh viên khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (ĐH SPKT) Hưng Yên. Trong đơn tố cáo, các sinh viên này cho rằng nhà trường có những dấu hiệu vi phạm các quy định về thu chi, đào tạo…

Theo nội dung đơn tố cáo, việc trường ĐH SPKT Hưng Yên quy định các chứng chỉ chuẩn đầu ra mà sinh viên khoa Ngoại ngữ bắt buộc phải học và thi để đủ điều kiện thi tốt nghiệp có nhiều vấn đề cần làm rõ.

Cụ thể, đầu năm học thứ ba, trong tuần sinh hoạt công dân, các sinh viên khoa Ngoại ngữ được Trưởng khoa Hoàng Thị Bình thông báo về những chứng chỉ chuẩn đầu ra cho sinh viên trong khoa, đó là: Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, Chứng chỉ Biên – Phiên dịch, Chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành Thương mại, Chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành Kỹ thuật, Chứng chỉ tiếng Trung.

Mỗi sinh viên phải đóng 600.000 – 800.000đ/một chứng chỉ để đăng ký học. Các sinh viên khoa Ngoại ngữ cho rằng, các môn học trên không cần thiết phải tách ra thành chứng chỉ để thu tiền sinh viên và phải đưa các môn học này vào chương trình khung để giảng dạy.

Trong đơn, các sinh viên khoa Ngoại ngữ tỏ rõ thái độ bức xúc trước việc dù phải đóng tiền học các chứng chỉ theo “quy định” nhưng sinh viên lại phải viết đơn “tự nguyện” học các chứng chỉ trên.

Theo phản ánh, sau khi nộp tiền học cho giáo vụ khoa, ngày 16/4/2012, giáo vụ khoa là cô Bùi Thị Phượng đã gọi điện thoại cho các lớp trưởng nói: “Các em phải đại diện lớp viết một lá đơn với nội dung là chúng em nhận thấy lợi ích của việc học chứng chỉ nên yêu cầu nhà trường mở lớp bồi dưỡng môn Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh”.

Cô Phượng đã đọc nội dung cho các lớp trưởng viết rồi thu luôn mà không cần chữ ký xác nhận đồng ý của sinh viên các lớp. Vì sợ bị trù dập nên cán bộ của các lớp vẫn phải làm theo nội dung của cô giáo vụ yêu cầu mặc dù biết rằng có điều gì đó mờ ám đằng sau.

Nếu đã là quy định thì tại sao lại bắt sinh viên phải viết đơn với nội dung sinh viên tự nguyện đăng ký học những chứng chỉ trên?

Ngoài 5 chứng chỉ chuẩn đầu ra của khoa, sinh viên khoa Ngoại ngữ còn phải hoàn thành 5 chứng chỉ chuẩn đầu ra của trường. Đó là các chứng chỉ: Chứng chỉ Giáo dục Thể chất, Chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng, Chứng chỉ Giao tiếp, Chứng chỉ IELTS, Chứng chỉ B++ gồm 4 môn : Word, Excel, Photoshop, Origin. Quy định này được ông Trần Trung, hiệu trưởng trường ĐH SPKT Hưng Yên, ký ngày 2/6/2011, trong Thông báo số 205/ĐHSPKT về việc thực hiện quy định chuẩn đầu ra.

Với chứng chỉ B++ gồm 4 môn như trên, nhà trường không bắt buộc phải học nhưng vẫn phải thi và lệ phí thi là 120.000đ/1 môn; sinh viên nào không qua thì phải đóng tiền học lại là 800.000đ/1 môn. Sinh viên cho đây là một quy định “vô lý hết mức” vì chứng chỉ này không liên quan tới chương trình học và chuyên môn của sinh viên khoa Ngoại ngữ, mà là “những môn học cho bên kiến trúc đồ hoạ và mỹ thuật thì đúng hơn”.

Trường ĐH SPKT Hưng Yên đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Vì vậy, sinh viên chỉ cần nộp học phí và thi đủ các tín chỉ theo quy định là đủ, không cần thiết phải đóng tiền để học thêm các chứng chỉ không liên quan khác.

Bên cạnh những điều khó hiểu, “mờ ám” trong việc quy định các chuẩn chứng chỉ đầu ra, sinh viên khoa Ngoại ngữ còn tố cáo nhà trường có nhiều biểu hiện vi phạm trong thu chi tài chính, lạm thu, sai quy định trong ban hành văn bản hành chính.

Trong đơn tố cáo, các sinh viên phản ánh: Các thông báo về việc học và thi chứng chỉ được đưa tới sinh viên theo phương thức truyền miệng hoặc các văn bản không có ký tên, đóng dấu. Số tiền sinh viên các lớp nộp cho khoa để học và thi chứng chỉ đều không có hóa đơn tài chính theo đúng quy định. Chất lượng giáo dục kém và nhiều khoản thu về học lại, học cải thiện điểm liên tục tăng qua từng kỳ, từng năm học cũng được phản ánh trong đơn tố cáo.

Nhiều sinh viên cho biết, họ và một số giáo viên đã có những phản ứng về những quy định vô lý của nhà trường, nhưng vì muốn “yên ổn để nhanh ra trường” nên tất cả nhanh chóng rơi vào im lặng. “Lãnh đạo nhà trường cũng yêu cầu sinh viên trong trường không được bàn tán hay tự ý cung cấp thông tin liên quan đến trường cho báo chí”.

Nhà trường chọn cách im lặng?

Để tìm hiểu thông tin nhằm làm rõ những nội dung tố cáo của sinh viên, phóng viên đã đến làm việc với trường ĐH SPKT Hưng Yên. Tuy nhiên, khi phóng viên đến làm việc, toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường (hiệu trưởng và ba phó hiệu trưởng) đều không có mặt tại trường.

Làm việc với Trưởng phòng Hành chính trường, vị này cho biết tất cả lãnh đạo trường đều đang đi họp và sẽ rất bận, kín lịch làm việc trong những ngày tới. Để thuận tiện trong trao đổi và liên hệ công việc, chúng tôi muốn biết số điện thoại liên lạc của ban giám hiệu và Trưởng phòng Hành chính trường. Nhưng dù phóng viên gặng hỏi nhiều lần, vị trưởng phòng Hành chính này nhất quyết không chịu nói danh tính và số điện thoại. Vị này chỉ cung cấp cho phóng viên số điện thoại di động của ông Nguyễn Đức Giang, phó hiệu trưởng phụ trách học sinh – sinh viên.

ĐH SPKT Hưng Yên: Những chuyện mờ ám - 1

Cánh cửa dẫn vào hành lang có phòng Hiệu trưởng trường ĐH SPKT Hưng Yên đóng kín lúc phóng viên đến làm việc

Phóng viên đã gọi tới số điện thoại của phó hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang nhiều lần, cả trong và ngoài giờ hành chính nhưng đều không liên lạc được (điện thoại có tín hiệu đổ chuông bình thường nhưng không có ai nghe máy).

Một chi tiết đáng chú ý, ngay khi biết phóng viên tới làm việc, Trưởng phòng Hành chính trường ĐH SPKT Hưng Yên đã hỏi ngay “đến làm việc về vấn đề của anh Bình à?”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, ông Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng quản lý khoa học và đối ngoại trường ĐH SPKT Hưng Yên, đã gửi đơn tố cáo và nhiều tài liệu liên quan đến một số cơ quan báo chí.

Ông Bình tố cáo ông Trần Trung, Bí thư đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường, với nhiều nội dung liên quan đến các dấu hiệu vi phạm của ông Trung trong việc sử dụng tài sản công, bổ nhiệm cán bộ, thiếu minh bạch trong chi tiêu, quản lý tài chính, ký nhiều quyết định sai thể thức và không có giá trị pháp lý…

Hiện tại, khá nhiều sinh viên và giảng viên trường ĐH SPKT Hưng Yên đang hoang mang và không yên tâm học tập, công tác. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh những thông tin trên, làm rõ đúng sai và xử lý các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN