ĐH Hùng Vương: Nhiều chi tiết bất ngờ trước xét xử

Dân Việt đã tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến quyết định khởi kiện của ông Lê Văn Lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và phát hiện nhiều chi tiết bất ngờ.

Ngày mai, 3/12, Tòa án Nhân dân TP.HCM chính thức xét xử vụ ông Lê Văn Lý, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM khởi kiện UBND TP.HCM vì cho rằng quyết định số 3163/QĐ-UBND ngày 14/6/2013 về không công nhận Hiệu trưởng đối với ông là hoàn toàn trái thẩm quyền và không phù hợp với luật Giáo dục Đại học.

Thời gian diễn ra vụ xét xử vào lúc 14h ngày 3/12, tại phòng xử án số 1, Tòa án Nhân dân TP.HCM (26 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM).

Để tìm hiểu rõ hơn về phiên tòa này, Dân Việt đã tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến quyết định khởi kiện của ông Lê Văn Lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và phát hiện nhiều chi tiết bất ngờ.

ĐH Hùng Vương: Nhiều chi tiết bất ngờ trước xét xử - 1

Bảo vệ chuyên nghiệp từ bên ngoài vào “trấn giữ” không cho
CB-GV vào phòng Hành chính Tổng hợp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi ban hành quyết định số 3163/QĐ-UBND về việc không công nhận Hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu cho mình để đảm bảo việc áp dụng văn bản được chính xác.

Khi đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhờ Sở Tư pháp TP.HCM “tư vấn” và trong văn bản trả lời của mình (văn bản số 4437/STP-VB), Sở Tư pháp TP.HCM đã lưu ý: Nếu áp dụng điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ và khoản 5 điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg thì chưa chặt chẽ vì cả hai điều này đều không có quy định cụ thể trường hợp nào về trường hợp không công nhận hoặc miễn nhiệm hiệu trưởng.

Chính vì những cơ sở này chưa đủ tính pháp lý nên Sở Tư pháp TP.HCM đã “tham mưu” cho UBND TP.HCM là kiến nghị lên Bộ GD-ĐT để Bộ GD-ĐT áp dụng điều 34 Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ra quyết định “Hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng”.

Cụ thể, theo điều 34 Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục có quy định về hình thức xử lý vi phạm khi trường đại học tư thục có hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT, không đảm bảo các điều kiện đào tạo, vi phạm các quy định khác liên quan đến môi trường, uy tín của ngành… Thì từ đó Bộ GD-ĐT có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng.

Tuy nhiên, có lẽ do đến thời điểm hiện tại trong tất cả các văn bản chưa có bất cứ văn bản nào khẳng định ông Lê Văn Lý vi phạm pháp luật đến mức phải bị Bộ GD-ĐT “cưỡng chế” hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng bằng điều 34 Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg nên buộc UBND TP.HCM phải áp dụng điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định số 115/2010/NĐ-CP và khoản 5 điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục hành kèm Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg.

Ngoài việc chưa đủ tính pháp lý, quyết định số 3163/QĐ-UBND còn nhiều điểm vô lý khác khi chỉ căn cứ vào các quyết định số 58/2010/QĐ-TTg, quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, quyết định số 63/2011/QĐ-TTg và Nghị định 115/2010/NĐ-CP mà không xét tới Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực để thi hành dù tại công văn số 981/BGDĐT-TCCB ban hành ngày 6.2.2013, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM nên căn cứ vào khoản 2 điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề nhân sự hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.

Cụ thể, khoản 2 điều 83 luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn…”.

Như vậy, việc UBND TP.HCM bỏ qua Luật Giáo dục Đại học là… “hoàn toàn dễ hiểu” vì Luật Giáo dục Đại học đã chỉ ra rõ ràng: UBND TP.HCM không còn thẩm quyền không công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương.

Ngoài ra, ở điều 2 của quyết định số 3163/QĐ-UBND đã yêu cầu “Ông Lê Văn Lý phải bàn giao nhiệm vụ, con dấu, hồ sơ sổ sách… trong thời hạn 7 ngày” là hoàn toàn trái với quy định của Nghị định 58/2001/NĐ-CP (quy định về quản lý và sử dụng con dấu), Nghị định 110/2004/NĐ-CP (quy định về công tác văn thư) và Luật Giáo dục Đại học đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII.

Không có văn bản nào nêu sai phạm của ông Lê Văn Lý

“Qua rà soát những tài liệu thu thập được, Sở Tư pháp nhận thấy trong phần nhận xét và kết luận của Thanh tra chỉ nêu trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương và các cá nhân có liên quan, không có nội dung nào đề cập trực tiếp đến trách nhiệm của Hiệu trưởng Lê Văn Lý. Trong văn bản số 06-09/2012/CV-HĐQT ngày 17/9/2012 của Hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương về việc đề nghị bãi nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý cũng căn cứ vào kết luận thanh tra và báo cáo số 01/BC-BCĐ ngày 17/8/2012 của Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan để ổn định tình hình hoạt động của Trường Đại học Hùng Vương mà không nêu rõ các sai phạm của Hiệu trưởng Lê Văn Lý. Ngoài ra, Sở Tư pháp không có tài liệu, văn bản nào nêu cụ thể sai phạm của ông Lê Văn Lý” - Trích văn bản số 4437/STP-VB của Sở Tư pháp TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN