Đánh giá xác thực năng lực thí sinh

Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức được xem là một cách thi cử vừa không gây áp lực vừa đánh giá đúng năng lực thí sinh

Hiện một số trường ĐH đang lên phương án tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực như cách tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội vừa qua.

Hạn chế tiêu cực, giảm tốn kém

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức là một kỳ thi chưa từng được triển khai tại Việt Nam. Với việc hướng đến đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết để người học có thể học ở bậc ĐH bao gồm năng lực tư duy định tính và năng lực tư duy định lượng thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình THPT, ĐHQG Hà Nội đưa ra một đề thi trắc nghiệm với phần bắt buộc và tự chọn để kiểm tra tư duy định lượng, tư duy định tính. Mỗi thí sinh được máy tính tự động tổ hợp một đề thi và có ngay kết quả sau mỗi buổi thi.

Đánh giá xác thực năng lực thí sinh - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức - Ảnh: BÙI TUẤN

Nói về cách thi mới mẻ này, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng cách tổ chức thi này thực sự đánh giá xác thực năng lực của học sinh lại không gây áp lực cho các em. Để đạt được kết quả mong muốn, các thí sinh phải rèn luyện, tích lũy kiến thức tổng hợp trong cả quá trình học tập chứ không thể chỉ học vẹt theo sách giáo khoa.

Hình thức thi mới này cũng đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, thí sinh không còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi như trước đây.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận xét thi theo hướng tích hợp là hình thức thi cử của tương lai. Hình thức thi này bảo đảm sự khách quan tuyệt đối vì tất cả các khâu đều thực hiện trên máy tính, không theo chủ quan của con người.

Nói thêm về hiệu quả kinh tế của kỳ thi, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng kỳ thi đã giảm tốn kém không nhỏ cho xã hội. Thí sinh chỉ tốn 100.000 đồng lệ phí, thi một buổi rồi về ngay nên không phải tốn tiền thuê nhà nghỉ. Kỳ thi được tổ chức tại nhiều địa phương nên giảm chi phí đi lại và tổng chi phí cho xã hội.

Về phía đơn vị tổ chức thi, ông Sơn cho biết việc tổ chức thi trên nền tảng công nghệ đương nhiên phải có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, các trường sẽ chỉ phải đầu tư lớn ban đầu, những năm sau chi phí sẽ giảm đi. “Chúng tôi đã có bộ đề, phần mềm được các chuyên gia uy tín xây dựng riêng mang thương hiệu ĐHQG, hằng năm chỉ cần đổi mới bộ đề với tỉ lệ hợp lý, mở rộng ra với phần mềm được thiết kế. Có thể nói với công nghệ, quy trình đã có sẵn, đem áp dụng cho số đông thì giá thành sẽ càng rẻ” - ông Sơn khẳng định.

Nhân rộng được không?

Nhiều trường ĐH lớn cũng đã công bố sẽ tuyển sinh theo hướng này. Lãnh đạo Trường ĐH Luật TP HCM cho hay năm nay, ngoài việc xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và điểm tổng kết học bạ, trường còn yêu cầu thí sinh phải làm bài kiểm tra năng lực đầu vào. Bài kiểm tra sẽ gồm phần tự luận và trắc nghiệm. Trong đó, phần tự luận sẽ là những câu hỏi mở thuộc kiến thức xã hội, còn phần trắc nghiệm dựa trên 4 tiêu chí chính, gồm: kiến thức suy luận về pháp luật; kiến thức tổng quát về chính trị, xã hội, văn hóa...; kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt và kiến thức về tư duy.

ĐHQG TP HCM cũng đang triển khai kế hoạch để áp dụng quá trình tuyển sinh gồm 2 hợp phần đánh giá năng lực và xét tuyển. Từ năm 2016, phần đánh giá năng lực tư duy và năng khiếu được thông qua kết quả của bài thi đánh giá năng lực.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, một số trường cho biết sẵn sàng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. “Nếu các trường muốn sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, cần khẳng định trước tháng 3 hằng năm để thông báo cho thí sinh và hoàn thành các thủ tục cần thiết với Bộ Giáo dục và Đào tạo” - ông Sơn lưu ý.

Trước những băn khoăn liên quan đến việc nhân rộng mô hình thi này ở kỳ thi THPT quốc gia, liệu có thể thực hiện kỳ thi với 1 triệu thí sinh trên 1 triệu máy tính + 10% máy dự phòng, ông Sơn khẳng định điều kiện về phần mềm, bộ đề, quy trình tổ chức như của kỳ thi này có thể áp dụng cho số lượng lớn hơn nhiều số lượng thí sinh dự thi vào ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, kỳ thi có thể tổ chức cho bao nhiêu thí sinh còn lệ thuộc vào cơ sở vật chất đi cùng, tức là lượng máy tính, máy chủ cho phép cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ coi thi. Ông Sơn cho hay nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chính sách tách thi và tuyển làm 2 khâu, việc thi có thể tổ chức thường xuyên nhiều đợt trong năm chứ không dồn lại thành một kỳ.

Chương trình phổ thông phải đổi mới

PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho rằng dù đây là kỳ thi có nhiều ưu điểm thì vẫn chưa nên áp dụng ở kỳ thi THPT quốc gia. Ông Lập phân tích: Nếu chương trình - sách giáo khoa phổ thông được đổi mới hoàn toàn theo hướng học toàn diện, phát triển năng lực người học thì nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội đã làm. Còn nếu học sinh vẫn học theo khối thi hoặc phân ban như hiện nay thì việc thi năng lực có thể sẽ khiến học sinh chịu thiệt thòi.

Đánh giá xác thực năng lực thí sinh - 2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN