“Cuộc đua không tuyên bố” của các bậc phụ huynh

Ép con phải học vượt kiến thức chỉ với mục đích để con mình không thua kém bạn bè và cốt vào được lớp chọn, đang được coi là “Cuộc đua không tuyên bố” của các bậc phụ huynh.

Con gái chị Trần Thị Huyền (chung cư An Phú, quận 2, TPHCM) còn học mẫu giáo, sang năm bé vào lớp một, thế nhưng từ đầu năm học chị đã lên một lịch học dày đặc cho con. Ngày bé học trên lớp nhưng tối thứ ba, năm, bảy học thêm văn, toán; thứ tư, thứ sáu học Anh văn với thầy riêng tại nhà; chủ nhật và thứ hai luyện viết chữ đẹp ở trung tâm.

Bắt con học thêm để bằng “con người ta”

Chị Huyền, một nhân viên kế toán, cho biết, ở cơ quan ngày nào chị cũng nghe mọi người khoe con học giỏi. Chị muốn bé Lan Anh, con gái đầu, cũng phải giỏi như “con người ta” và cũng vì muốn con thi vào trường điểm ở quận 1 nên “phải luyện cho cháu như thế”.

Chị muốn bé Lan Anh, con gái đầu, cũng phải giỏi như “con người ta” và cũng vì muốn con thi vào trường điểm ở quận 1 nên “phải luyện cho cháu như thế”. 

Phụ huynh bé Lan Anh

Năm nay mới học lớp 4, thế nhưng tấm thời khóa biểu của em Mai Hoàng Tuấn lại có cả những môn học lớp 6, đặc biệt những môn học này chỉ học vào ban đêm. Anh Mai Văn Thắng 38 tuổi, kiến trúc sư công ty Sài Gòn Xanh, bố của Tuấn (ngụ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú) cho biết, Tuấn là thứ hai và là con trai duy nhất nên gia đình đặt nhiều kỳ vọng vào Tuấn.
 

“Con gái lớn năm nay học lớp 9, hằng ngày ngoài việc học ở trường, hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau đưa hai chị em nó đi học. Tuấn thì ngày học chương trình lớp 4 trên trường nhưng tối học chương trình lớp 6 ở trung tâm Thăng Long gần nhà, bởi chương trình lớp 5 cháu nó mới học xong. Cháu gái nhà tôi học nhiều hơn vì sang năm vào lớp 10 nên ngoài chương trình lớp 9 còn học ôn chương trình lớp 10 nữa. Vậy cho chắc để vào học rồi không bị bỡ ngỡ và thua kém bạn bè”- Anh Thắng nói.

“Cuộc đua không tuyên bố” của các bậc phụ huynh - 1

Ngoài học trên lớp, học sinh Trường THCS Trường Chinh Q.Tân Bình được tham gia những tiết học ngoại khóa. ảnh: Gia Huy

Việc chia lịch đưa đón con đi học của vợ chồng anh Thắng được lên kế hoạch cụ thể và đều đặn từ nhiều năm nay. Trung bình ngoài tiền học phí của hai con ở trường, anh chị phải tốn thêm khoảng 5 triệu đồng tiền học thêm các môn cho con ở trung tâm chỉ với phương châm mà anh chị đưa ra “Thà bán nhà, miễn con mình học giỏi hơn con người ta”.

Ở trung tâm gia sư Thăng Long (đường Đỗ Thừa Tự, quận Tân Phú), 19h, tiết học thêm bắt đầu tan. Phụ huynh đứng kín cổng đợi con, trên mặt những đứa trẻ đều đầy vẻ mệt mỏi. Chị Kiều Thị Oanh, 35 tuổi, nhà đường Tân Sơn Nhất, quận Tân Phú, mẹ bé Yến Nhi, 8 tuổi cho biết, con chị năm nay vào lớp 3. Từ khi vào lớp 1 chị đã cho con theo học thêm, ngoài những môn chính như Toán, tiếng Việt, chị còn cho con học đàn và học luyện viết chữ đẹp. Sau tiết học tiếng Việt này chị phải chở con qua trung tâm Hướng Dương ở quận Gò Vấp học luyện viết chữ đẹp tiếp tới 21h. Bé về nhà và học bài trên trường tới 23h mới được nghỉ.

Đừng đặt gánh nặng lên vai trẻ

Theo đánh giá của thầy Đinh Thanh Phong, giáo viên trung tâm gia sư Phúc Trí (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), chương trình học tập của học sinh tiểu học và trung học cơ sở hiện nay không hề nặng, thậm chí với các nước khác trong khu vực thì còn nhẹ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên do tâm lý chung như một thứ quy tắc bất di bất dịch của phụ huynh là muốn con em mình phải là người giỏi nhất nên bắt các em phải học thêm, học vượt chương trình. Thậm chí các trường hiện nay không hề đặt nặng vấn đề chất lượng hay tỷ lệ học sinh giỏi, khá mà áp lực hiện nay lại đến từ chính các bậc phụ huynh.

Chính vì vậy mới có chuyện trẻ đang học mẫu giáo nhưng phụ huynh đã bắt con mình phải học chương trình lớp 1, học sinh mới học lớp 5 nhưng trong bài tập mà các trung tâm giao về nhà thì toàn chương trình nâng cao, vượt cấp. Điều này có thể gây ra tình trạng loạn kiến thức ở trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (Nhà văn hóa thiếu nhi TP), việc phụ huynh đua nhau bắt con ngoài việc học kiến thức trên trường còn phải chạy sô đi học thêm bên ngoài có thể gây ra tác động xấu đối với tâm lý của trẻ. Hơn nữa, việc thời gian học lấn át thời gian vui chơi và tìm hiểu những vấn đề khác của xã hội sẽ khiến trẻ thụ động hơn khi vào đời.

Cũng theo ông Uy, các bậc phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề thành tích con mình, con người mà nên chú trọng tới việc giáo dục nhân cách cho trẻ, giảm căng thẳng trong quá trình học tập, giúp trẻ tự giác tư duy và phát triển bình thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Huy (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN