Con lớn lên có cuộc sống nghèo khó, lý do bắt nguồn từ sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải

Sự kiện: Dạy con

Dù bạn có nhận ra hay không thì cách bạn được nuôi dưỡng có ảnh hưởng lớn đến cách bạn ra quyết định khi trưởng thành.

Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ đổ lỗi cho cha mẹ về những sai lầm tài chính của mình, mà một khi bạn đã hiểu ra gốc rễ những thói quen xấu của mình, bạn cần có nỗ lực thay đổi chúng.

Dưới đây là những hành vi của cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiền bạc của con sau khi lớn lên:

1. Cha mẹ không nói chuyện với con về tiền bạc

Những lần con ra ngoài vui chơi, bạn thường dặn đi dặn lại "Đi đường nhớ cẩn thận", "Đừng nói chuyện với người lạ" v.v… nhưng ít khi bạn đề cập vấn đề tiền bạc.

Nhiều bố mẹ hoàn toàn không giải thích tình hình kinh tế của gia đình cho con cái biết, cũng không giúp con hiểu được tác dụng thực sự của đồng tiền, thậm chí có người còn bảo với trẻ rằng tiền là một thứ rất thô tục.

Kỳ thực, dù trẻ còn nhỏ, có thể chưa hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền nhưng ít nhất bạn cũng nên để trẻ sớm hiểu được thực trạng tài chính của gia đình, cho trẻ có được một "phạm vi tiền bạc", để trẻ biết mình nên chi phối số tiền tiêu vặt thế nào cho hợp lý.

Người ta cho rằng tiền là điều tế nhị và ngại nói về nó, vì vậy nhiều cha mẹ đã không nói chuyện về tiền với con. Ảnh minh họa

Người ta cho rằng tiền là điều tế nhị và ngại nói về nó, vì vậy nhiều cha mẹ đã không nói chuyện về tiền với con. Ảnh minh họa

2. Cha mẹ quá tiết kiệm

Cha mẹ luôn cố dạy bạn bài học về tiết kiệm và dường như từ chối tất cả những gì bạn muốn mua sắm khi còn nhỏ. Lớn lên, bạn sẽ chi tiêu hoang phí để bù đắp lại việc bị từ chối thời thơ ấu.

Giải pháp: Nói chuyện với cha mẹ về việc tại sao họ lại tiết kiệm, bạn có thể sẽ biết thêm nhiều lý do mà thời trẻ bạn không hiểu được. Nếu ý chí của bạn không đủ mạnh để ngăn chặn việc bội chi, hãy lập một kế hoạch tiết kiệm tự động. Đừng để lịch sử lặp lại, nếu bạn có con, hãy cho con biết tại sao cần thận trọng khi tiêu tiền để con biết lợi ích của việc tiết kiệm và không cảm thấy uất ức vì cha mẹ "keo kiệt".

3. Cha mẹ dùng tiền làm hư con

Có thể cha mẹ tước bỏ thứ gì đó của bạn (không có thời gian cho bạn, không cho bạn một gia đình đầy đủ, hoặc đơn giản là không làm việc gì đó mà bạn cần...), và đổi lại họ chọn cách cho tiền bạn để bù đắp.

Bạn lớn lên trong cuộc sống thừa thãi vật chất và không chờ đợi điều gì cả. Vấn đề là khi lớn lên, bạn sẽ không có đủ thu nhập để có thể đáp ứng cuộc sống tiêu pha của mình, từ đó dẫn đến những khoản nợ không cần thiết.

Giải pháp: Thay đổi ý thức về quyền lợi của bạn: từ việc có rất nhiều đồ đạc bây giờ sang tự do tài chính sau này. Hãy thử thách bản thân xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu mình sống đơn giản, sau đó chỉ dùng tiết kiệm cho các mục tiêu quan trọng như mua nhà, nghỉ hưu hoặc lập gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

4. Cha mẹ sử dụng thẻ tín dụng trước mặt con nhưng chưa bao giờ giải thích nguyên lý làm việc của nó

Thứ mà nhiều đứa trẻ nhìn thấy là tấm thẻ "kỳ diệu" có thể thỏa mãn yêu cầu của mình. Điều này dễ khiến khi trưởng thành, trẻ trở nên lạm dụng với thẻ thanh toán. Bạn nên giải thích một chút cho trẻ biết rằng dùng thẻ tín dụng thì cuối tháng sẽ phải thanh toán lại những hóa đơn đã dùng trước đó.

Ngoài ra, bạn cũng nên đưa ra những tình huống nào thì nên dùng thẻ tín dụng và dùng ra sao cho trẻ trải nghiệm. Những kiến thức sơ khai này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng đúng đắn.

5. Tiền luôn có sẵn

Ông Tim Sheehan, nhà sáng lập công ty công nghệ Greenlight, khuyên người lớn nên giúp trẻ hiểu rõ tiền kiếm được từ sức lao động chứ không có sẵn hay đơn giản là "mọc trên cây". "Bạn có thể cho con làm việc vặt trong nhà, điều này sẽ giúp chúng hiểu nếu làm việc thì sẽ có tiền". Quá trình này cũng giúp trẻ nâng cao tinh thần trách nhiệm và có thêm kinh nghiệm làm việc cá nhân, làm việc nhóm.

Lớn lên trong một gia đình mà mọi người sống xa hoa, sẽ rất khó để trẻ chấp nhận một cuộc sống tiết kiệm. Ảnh minh họa

Lớn lên trong một gia đình mà mọi người sống xa hoa, sẽ rất khó để trẻ chấp nhận một cuộc sống tiết kiệm. Ảnh minh họa

6. Cha mẹ làm từ thiện quá nhiều

Cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này. Bạn cũng nhân ái như cha mẹ nhưng nguy cơ là sẽ cho đi nhiều hơn khả năng của mình. Từ thiện là một khái niệm tuyệt vời và cao quý, nhưng chúng ta thường dễ bị cảm xúc lấn át, dẫn đến việc nói "có" quá thường xuyên.

Giải pháp: Quyết định việc nào quan trọng nhất đối với bạn và tạo một khoản ngân sách dành cho từ thiện ngay bây giờ với những việc mà bạn dự định sẽ làm trong năm sau. Ngân sách này nên bao gồm một phần cho những đề nghị bất ngờ mà có thể bạn muốn hỗ trợ. Sau đó, thiết lập thanh toán tự động thông qua ngân hàng của bạn cho các tổ chức từ thiện được lựa chọn và để cho tổ chức từ thiện biết những gì bạn mong đợi.

7. Cha mẹ không dám từ chối mọi yêu cầu của con

Nhiều bố mẹ thể hiện tình yêu thương con cái bằng cách luôn đáp ứng mọi nguyện vọng của trẻ, bất chấp việc đó có đi ngược lại nguyên tắc chi tiêu của mình và thậm chí làm rối loạn hạn mức chi tiêu dự tính.

Thói quen này vô tình khiến trẻ lớn lên trở thành một người luôn đòi hỏi phải được thỏa mãn ngay lập tức. Để tránh tình trạng này, bạn nên giúp trẻ phân biệt được giữa "mong muốn" và "cần thiết", để trẻ có thể kiềm chế thói quen muốn mua thứ này thứ kia, biết lúc nào thì nên tiết kiệm tiền bạc.

8. Cha mẹ cho trẻ thấy mình phải chật vật vì tiền

Việc liên tục than vãn về chuyện tiền bạc với con cái đôi khi sẽ tạo ra áp lực cho trẻ. Khi cha mẹ làm vậy, trẻ sẽ hình thành tâm lý sợ hãi cuộc sống trưởng thành. Thậm chí, trẻ sẽ coi tiền là gánh nặng và là mục tiêu số một trong cuộc sống sau này.

Việc liên tục than vãn về chuyện tiền bạc đôi khi sẽ tạo ra áp lực cho trẻ. Ảnh minh họa

Việc liên tục than vãn về chuyện tiền bạc đôi khi sẽ tạo ra áp lực cho trẻ. Ảnh minh họa

9. Cha mẹ sống lãng phí

Có lẽ họ sống như bồi thường cho những gì họ cảm thấy bị tước đoạt thời trẻ hoặc họ không muốn kém người khác. Bạn vì thế cũng sống lãng phí hơn nhu cầu thực tế và vượt quá khả năng của mình. Dù bạn cố không đi vào vết xe đổ của cha mẹ nhưng việc đó vẫn xảy ra. Lớn lên trong một gia đình mà mọi người sống xa hoa, sẽ rất khó để bạn chấp nhận một cuộc sống tiết kiệm.

Giải pháp: Nếu bạn không thể tự đi xa khỏi môi trường cám dỗ chi tiêu thì bạn cần phải đặt ra những ràng buộc cho bản thân: thiết lập khoản tiết kiệm tự động, không chi tiêu bằng thẻ tín dụng kiểu tiêu trước trả tiền sau.

10. Cha mẹ cùng con "nói dối" về tiền bạc

Theo điều tra, có đến 31% người trưởng thành thường nói dối bạn đời về tiền bạc. Thêm vào đó, khi bạn "kết hợp" với con để thực hiện lời nói dối này, chẳng hạn như "Đây là bí mật nhỏ của hai mẹ con mình nhé", "Con đừng nói cho bố biết nhé"…, trẻ sẽ cho rằng bản thân mình cũng không cần thiết phải trung thực trong chuyện tiền bạc sau này.

Đa số quan niệm về tiền của con người đều học được từ bố mẹ khi còn nhỏ. Vì vậy, nếu bố mẹ có biểu hiện không thành thực thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan niệm của trẻ về sau.

11. Mẹ sống phụ thuộc

Dù bà kết hôn với một hay hai chồng, mẹ bạn đều được chồng chu cấp và không phải lo về tài chính (ít nhất là bạn nhận thấy thế). Và bạn cũng mong chờ một chàng bạch mã hoàng tử hỗ trợ tài chính cho mình. "Tại sao bạn phải đấu tranh kiếm sống nếu mẹ bạn không phải làm như vậy?" - câu hỏi tiềm thức này thường dẫn đến sự trì hoãn và hành vi vô trách nhiệm với tài chính.

Giải pháp: Hãy tỉnh giấc để chấm dứt câu chuyện cổ tích này. Đừng chờ người khác cứu mình mà hãy cứu lấy chính mình. Kết quả cuối cùng sẽ khiến bạn hài lòng hơn và bạn có thể tự hào là hình mẫu độc lập về tài chính, là cảm hứng cho con cái của bạn và những người khác.

12. Lời nói, hành vi của cha mẹ không thống nhất

Gần như chuyện gì trẻ cũng mô phỏng từ người thân. Nếu bố mẹ nói một đằng nhưng làm một nẻo thì khó mà khiến trẻ nuôi dưỡng được thói quen tốt.

Ví dụ, bố mẹ đặt ra dự toán chi tiêu trong tháng nhưng không thực hiện, hoặc bố mẹ dạy con phải tiết kiệm tiền nhưng bản thân lại thường "vung tay quá trán"… Những điều này khiến trẻ cảm thấy sự giáo dục của bố mẹ không hề quan trọng.

13. Cha mẹ ly dị

Đây là một thực tế không may cho rất nhiều gia đình và là một nguyên nhân lớn cho tất cả các loại vấn đề tâm lý ở con cái, bao gồm cả những quyết định tài chính sai lầm.

Người con quyết tâm sống hạnh phúc mãi mãi, bằng cách kết hôn sớm, mua nhà sớm, sống trên khả năng của mình, dẫn đến mắc nợ, căng thẳng về tài chính - và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Chu kỳ luẩn quẩn vẫn tiếp tục.

Giải pháp: Hãy cam kết luôn độc lập về tài chính ngay cả khi bạn kết hôn. Điều này có nghĩa là phải duy trì các tài khoản riêng của bạn để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, coi đó là một ưu tiên trong hôn nhân của bạn, để đóng góp vào tài khoản tiết kiệm dành cho hưu trí càng nhiều càng tốt.

14. Cha mẹ không dạy con biết dành dụm cho lúc nguy cấp

Đây là một sai lầm lớn của bố mẹ. Đừng cho rằng trẻ còn nhỏ thì dù có việc gấp cũng sẽ do bố mẹ chi tiền. Thực ra, khi trẻ đã được khoảng 4 tuổi trở lên, bạn nên dạy trẻ những nguyên tắc sử dụng tiền và tiết kiệm tiền.

Chẳng hạn, bạn có thể hướng dẫn trẻ mỗi tháng để dành một số tiền nhỏ để giúp đỡ các bạn nghèo khó, mua quyển sách tô màu mới hay thậm chí lúc đói bụng đột xuất, trẻ vẫn có tiền dành dụm để tự mua chiếc bánh cho mình…

Nguồn: [Link nguồn]

Khoá học bắt buộc này sẽ dạy trẻ trở thành những cá nhân hiểu biết và đưa ra những lựa chọn thông minh từ đó chúng sẽ có cuộc sống thoải mái, khá giả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN