"Con không giỏi mẹ phải làm sao?"
"Con tôi là một đứa trẻ bình thường và chẳng có gì nổi trội so với chúng bạn. Nó học cũng bình thường, chơi cũng bình thường, không có ý chí, chẳng có đam mê, không ganh tị hay ghen ghét ai, ai hơn cũng được, chẳng bao giờ so sánh hay vui quá, buồn quá..."
Tâm sự của một bà mẹ trong một nhóm cộng đồng những người làm cha mẹ, đã nhận được chia sẻ của rất nhiều người. Ai cũng tìm thấy mình trong đó, ai cũng thấy "con mình chẳng có gì xuất sắc" và băn khoăn "vậy dạy chúng điều gì?", "Liệu chúng có trở thành những đứa trẻ hạnh phúc?". Thực tế, sinh ra một đứa trẻ bình thường đã là thành công của cha mẹ. Và mọi đứa trẻ sinh ra bình thường đều có khả năng nhận được hạnh phúc. Vậy là cha mẹ, cần dạy con điều gì để đứa trẻ lớn lên tự tại, hạnh phúc dẫu có thể không thành công như bố mẹ mong muốn.
Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực gia đình, một đứa trẻ hạnh phúc tự thân cần rất nhiều kỹ năng và phẩm chất. Theo đó, cha mẹ cần bồi dưỡng cho con cái những điểm sau:
Dạy trẻ đồng cảm với người khác
Nền tảng của sự thông cảm chính là hiểu được cảm xúc của người khác. Vì vậy cha mẹ cần phải dạy trẻ cách hiểu suy nghĩ, tình cảm của người khác thông qua các biểu hiện nét mặt, giọng điệu hay ngôn ngữ cơ thể. Để dạy được cho trẻ điều này, cha mẹ có thể áp dụng một số cách như: thường xuyên cho trẻ sử dụng các ứng dụng facetime hoặc skype thay vì gọi điện thoại thông thường. Hoặc cho trẻ xem những bộ phim hoạt hình không có tiếng và đố trẻ về cảm xúc của các nhân vật thể hiện trong bộ phim đó. Đơn giản hơn là chơi với trẻ trò chơi biểu cảm các trạng thái theo gương mặt.
Thêm nữa, việc tìm cho trẻ những cuốn sách phù hợp không chỉ làm cho trẻ thông minh hơn mà nó còn giúp trẻ phát triển nhân cách tốt hơn. Cha mẹ nên chọn những sách mang đến nhiều cảm xúc và lay động trái tim của trẻ. Sau khi trẻ đọc sách xong thì cha mẹ nên trò chuyện với trẻ về cảm xúc mà các nhân vật trong truyện đã thể hiện và trải qua. Điều đó giúp ích cho trẻ trong việc cảm nhận được xúc cảm và có sự cảm thông với những hoàn cảnh, nhân vật khác nhau.
Rèn trẻ thói quen đúng giờ
Ngày nay, tình trạng "cao su" dường như ngày càng trở nên phổ biến và dễ gặp ở bất kỳ ai. Đây là một thói quen xấu dễ gây ảnh hưởng đến uy tín, sự đáng tin cậy của một người.
Rèn trẻ thói quen đúng giờ – Hình minh họa
Vì thế, cha mẹ hãy rèn cho trẻ thói quen đúng giờ. Nếu có hẹn với ai đó, trẻ có thói quen đến sớm một chút hoặc đến đúng giờ sẽ được người khác tôn trọng và học hỏi theo, chắc chắn thói quen này sẽ giúp trẻ được yêu quý hơn là khi trẻ có thói quen trễ hẹn.
Thói quen này cũng tập cho trẻ phẩm chất biết giữ chữ tín và có trách nhiệm.
Dạy con về việc chia sẻ
Việc sẵn sàng để chia sẻ một bữa ăn nhẹ hoặc món đồ chơi có thể là lối tắt nhanh nhất để giúp trẻ kết bạn. Theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em từ hai tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với những người khác, nhưng thường chỉ khi những thứ chúng sở hữu thật dồi dào.
Tuy nhiên, trẻ ở lứa tuổi từ ba đến sáu thường tỏ ra ích kỷ khi phải chia sẻ với người khác. Lấy ví dụ, một đứa trẻ chỉ có một chiếc bánh quy có thể miễn cưỡng chia sẻ một nửa với bạn bè, bởi lẽ điều đó đồng nghĩa là chúng sẽ có ít bánh hơn để thưởng thức. Tuy nhiên, đứa trẻ này lại có thể dễ dàng chia sẻ một món đồ chơi mà bé không còn thích thú nữa.
Đến khoảng bảy hoặc tám tuổi, hầu hết trẻ em dần trở nên quan tâm hơn với sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tốt thường có xu hướng dễ chia sẻ hơn, ngược lại hành động chia sẻ cũng khiến chúng cảm thấy bản thân mình là một đứa trẻ ngoan. Vì vậy, dạy con biết chia sẻ cũng chính là chìa khóa để nâng cao lòng tự trọng của chúng.
Bởi thế, mặc dù bạn có thể không muốn ép buộc con mình chia sẻ một số món đồ chơi nhất định, bạn có thể tạo thói quen chỉ ra những tình huống mà trẻ cần chia sẻ. Dành một vài lời khen cho bé, cũng như cho trẻ biết cảm nhận của người khác thế nào. Một vài câu nói khích lệ bạn có thể nói với trẻ như: "Mẹ rất tự hào về con!", "Đó là một điều tốt đẹp nên làm", "Cho đi sẽ nhận được nhiều hơn"…
Dạy trẻ kỹ năng hợp tác, kỹ năng sống chung
Hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu chung, đây cũng là một kỹ năng xã hội rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để hòa nhập thành công trong cộng đồng. Có rất nhiều tình huống mà con bạn sẽ cần phải hợp tác với các bạn cùng lớp trên sân chơi, cũng như trong lớp học. Hợp tác cũng là một yếu tố quan trọng với một người trưởng thành. Một môi trường làm việc phát triển mạnh mẽ chính là nhờ vào khả năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân viên.
Với trẻ nhỏ, bắt đầu từ ba tuổi rưỡi, bé đã có thể bắt đầu tham gia hoạt động với các bạn cùng lứa vì một mục tiêu chung. Ở trẻ em, sự hợp tác có thể liên quan đến bất cứ điều gì, từ việc xây dựng một tháp đồ chơi cùng nhau hay chơi một trò chơi tập thể đòi hỏi các bé cùng tham gia. Thông qua những hoạt động này, trẻ không chỉ có dịp học hỏi và phát triển kỹ năng lãnh đạo mà còn có cơ hội để tìm hiểu thêm về bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ cần nắm rõ được số lần đồng ý và cho phép, trẻ sẽ hiểu được đâu là giới hạn mình không được phép đòi...