Có lỗi với lịch sử nếu không đưa đầy đủ vào SGK

Sau khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, sẽ đưa nội dung các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa mới, các nhà sử học, nhà biên soạn sách giáo khoa cho rằng, việc đưa kiến thức về biển đảo, biên giới là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu chỉ nêu qua loa có 11 dòng trong SGK như bây giờ sẽ có lỗi với lịch sử.

Có lỗi với lịch sử nếu không đưa đầy đủ vào SGK - 1

Giờ học môn Lịch sử tại một trường THCS. Ảnh: Hải Nguyễn.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc được nhắc đến vẻn vẹn 11 dòng ở trang 207 Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 của Nhà xuất bản giáo dục dày 224 trang. Trong đó, nhắc đến cuộc chiến tranh ngày 17/2/1979 khá sơ sài: “Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của quân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện Nạn kiều, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, ngày 17/2/1979,  Quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc  đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.

Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), một sự kiện lịch sử lớn mà chỉ nói qua loa như trên học sinh học sẽ không hiểu tính chất, nguyên nhân, kết quả cuộc chiến là có lỗi với lịch sử. Kể cả trong sách nâng cao lịch sử, phần về cuộc chiến tranh biên giới cũng được nói sơ sài và chưa bao giờ nội dung này được đưa vào các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh giỏi các cấp. Nhiều học sinh sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông không biết đến cuộc chiến tranh 1979 ở biên giới phía Bắc.

Thầy Hiếu kiến nghị, trong giai đoạn hiện nay, Bộ GD&ĐT nên có văn bản, hướng dẫn về các Sở GD&ĐT để nhà trường, giáo viên có kế hoạch dạy học, nói chuyện với học sinh về các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, chủ quyền ở biên giới cũng như Hoàng Sa, Trường Sa.

Cần nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa trong nhà trường

GS TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, khi nói đến chuyện xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa lịch sử không thể đem hết tất cả các sự kiện trong lịch sử vào để dạy học. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh như chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) là những cuộc chiến lớn cần phải đưa đầy đủ để học sinh hiểu bản chất cuộc chiến. Theo GS Giang, Bộ GD&ĐT quyết định đưa nội dung trên vào sách giáo khoa là một quyết định đúng đắn dù rất muộn mằn. “Vì cách đây hơn 2 năm, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã trình xin ý kiến Thủ tướng về việc đưa kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa nhưng đến nay Bộ mới có chủ trương”, ông Giang nói.

PGS TS Nghiêm Đình Vỳ, Nguyên chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trước đây có một số sự kiện, nội dung sách giáo khoa chưa đưa đầy đủ vì nhiều lý do. Trong chương trình mới, các sự kiện như cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo sẽ được đưa vào dưới nhiều hình thức. Theo PGS, hiện nay Ban soạn thảo đang làm chương trình nên chưa có chi tiết cho từng môn học, cấp học tuy nhiên có thể hình dung ra nhiều cách làm. Ví dụ, ở cấp tiểu học, các cuộc chiến tranh chống ngoại quốc sẽ chưa vội mô tả trận đánh mà được đưa vào dưới dạng kể ra những anh hùng liệt sĩ tiêu biểu. Đến THCS sẽ nói rõ tính chất các cuộc chiến tranh. Như cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979 là cuộc chiến tranh xâm lược, Trung Quốc đưa 60 vạn quân đến đánh chiếm 6 tỉnh phía bắc của nước ta, buộc quân và dân ta phải đánh trả và giành chiến thắng. Sâu hơn nữa là cấp THPT, các cuộc chiến tranh kháng chiến chống ngoại xâm sẽ được đưa vào từng chủ đề để học sinh hiểu rõ tính chất, diễn biến, kết quả sự kiện trải theo chiều dài của lịch sử.

Theo ông Vỳ, trong khi chưa có sách giáo khoa mới, chương trình sách giáo khoa hiện hành đang thiếu hụt một số nội dung, thì một trong những vấn đề bức thiết hiện nay là các trường nên tổ chức những buổi nói chuyện, hoạt động ngoại khóa về Hoàng Sa, Trường Sa để học sinh có kiến thức cả về Địa lý lẫn Lịch sử.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Thường trực ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa cho rằng, ban soạn thảo xác định, giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh là định hướng chung, là nhiệm vụ. Vì thế, trong các môn học như Địa lý, Lịch sử các vấn đề chủ quyền biển đảo, các cuộc chiến tranh trước đây chưa được đưa đầy đủ sẽ được đưa vào thấu đáo. “Tuy nhiên, đưa cụ thể nội dung các cuộc chiến ở biên giới, hải đảo như thế nào còn phải trao đổi, xin ý kiến của nhiều đơn vị, trong đó có các nhà khoa học, nhà sử học, giáo viên bộ môn…. Thậm chí, sau khi có chương trình khung, các tiểu ban xây dựng chương trình môn học phải đưa ra bản dự thảo lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các ban ngành cũng như được Hội đồng giáo dục quốc gia thẩm định”, ông Thống nói.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN