Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Vì đâu nên nỗi?

Sự kiện: Giáo dục

Lớp mất trật tự: cô giáo phạt học sinh quỳ ! Học sinh nói chuyện: phạt uống nước giặt giẻ lau bảng! Vì sao lại liên tiếp xảy ra nông nỗi này?

Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Vì đâu nên nỗi? - 1

Bản kiểm điểm của của nữ giáo viên phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng

Không có chỗ cho những biện pháp tiêu cực

PGS. TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, bản chất của giáo dục không chỉ cung cấp tri thức mà còn hình thành nhân cách và phát triển nhân cách. Vì thế bên cạnh việc truyền đạt tri thức thì giáo viên phải hỗ trợ cho học sinh để các em hình thành giá trị tích cực, đó mới là vấn đề cốt lõi.

“Vì vậy giáo viên giảng dạy không bao giờ được dùng các biện pháp bạo lực. Ngày xưa, giáo viên là người cung cấp kiến thức, tri thức nên học sinh buộc phải học và biện pháp đòn roi là biện pháp trừng phạt nhưng bây giờ bản chất của giáo dục là hướng đến yếu tố tích cực do đó sẽ không có chỗ cho những biện pháp tiêu cực.”- PGS Phạm Mạnh Hà khẳng định.

Giải thích nguyên nhân gần đây xảy ra liên tiếp các hình thức phạt “quái dị” của giáo viên đối với học sinh như bắt quỳ hay gần đây nhất là trường hợp ở Hải Phòng bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, liên quan đến phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trước đây giáo viên học trong trường sư phạm sẽ được học các bộ môn như tâm lý lứa tuổi, các tình huống sư phạm hay giao tiếp sư phạm… nhưng phân môn đạo đức nghề nghiệp thì đang thiếu vắng để giúp giáo sinh có hành vi, có chuẩn mực mô phạm.

Hoặc kỹ năng giải quyết tình huống của phương pháp giáo dục tích cực cũng không được chú trọng trong trường sư phạm. Bởi phương pháp giáo dục tích cực hướng đến tính chủ động, tính tự giác phát huy được năng lực của học sinh.

“Như vậy giáo viên không phải là người truyền đạt tri thức mà là người tổ chức cho các em học sinh để chiếm lĩnh tri thức. Do đó, “giáo viên không cần biện pháp mạnh nữa”- PGS Hà nói.

Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Vì đâu nên nỗi? - 2

PGS. Phạm Mạnh Hà

Ông phân tích thêm, khi giáo viên là người truyền đạt tri thức thì giáo viên phải bằng cách này cách kia bắt học sinh phải tiếp nhận tri thức đó mà không cần biết năng lực của các em như thế nào. Ngược lại nếu đổi phương pháp hướng đến việc học sinh tự chiếm lĩnh, tự giải quyết và chủ động, hứng thú…giáo viên đỡ vất vả hơn.

Vị giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cũng cho rằng còn một nguyên nhân khác có câu chuyện của những vấn đề mang tính khách quan. Giáo viên chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống mưu sinh với tiền lương, phụ cấp như hiện nay không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu buộc họ phải phân phối thời gian sang công việc khác. Giáo viên cũng chịu áp lực từ phía nhà trường, phòng giáo dục đặt ra (tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi hay áp lực từ chính phụ huynh học sinh …Những áp lực từ nhiều phía này đôi khi làm giáo viên quá tải, stress và để đạt được những yêu cầu này đôi lúc họ buộc phải sử dụng những phương pháp mạnh.

Phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp

Để học sinh “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” mà không cần bất cứ một phương pháp đòn roi, trừng phạt nào… PGS. TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích. “Chúng ta phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp học lại, đừng đánh giá học dốt là kém mà có thể do điều kiện hoàn cảnh nào đó. Chứ không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Điều đó là không nên và không thực tế”.

Yếu tố nữa liên quan đến hoàn cảnh. Hầu như sĩ số các lớp học đều vượt chuẩn quy định “30 cháu”. Rõ ràng lao động của giáo viên quả tải rất nhiều trong khi cá tính của học sinh mỗi em một khác. Chưa kể học sinh cũng bị học nhiều quá, không có thời gian chơi. Thử hỏi mỗi ngày, mỗi em có bao nhiêu phút được ra chơi? Bao nhiêu phút giành cho các hoạt động ngoại khóa? Hiện mấy trường có bể bơi, có khu vui chơi cho các em? Hay hầu hết thời gian ở trong lớp cả sáng, cả chiều? Rõ ràng với khoảng thời gian bị ở trong lớp dài như vậy chuyện học trò quậy, phá, không kiểm soát được là đương nhiên.

“Tất cả những yếu tố đó làm cho mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường trở nên gần như đối đầu. Một bên mong muốn những tri thức tốt đẹp, mong muốn phải tốt phải được khen, một bên thì căng thẳng dồn nén… và xảy ra xung đột là điều không tránh khỏi”- PGS. Hà nhấn mạnh.

Một lần nữa, PGS. Phạm Mạnh Hà khẳng định để không còn những “hình phạt” ở trong trường học thì tất cả những yếu tố trên phải được giải quyết triệt để. Trong đó, điều đầu tiên là giảm tải cho học trò, cũng như giáo viên. Không thể nào một lớp đến 50- 60 cháu. “Cứ nói thiếu giáo viên nhưng thực tế giáo viên thừa rất nhiều. Chúng ta biết cân đối thừa sức giải quyết sĩ số của lớp học”.

Cuối cùng là việc giảm bớt đánh giá (hiện quá nặng nề). Việc đánh giá bằng điểm số không phản ánh được lao động, nỗ lực của học sinh. Điều này vô tình tạo ra mâu thuẫn bên trong các em.

“Chúng nó cũng ghét nhau, chúng nó cũng buông xuôi. Bởi những đứa dù học kém nhưng nỗ lực dù chỉ đạt học sinh trung bình nhưng với cách đánh giá hiện nay cũng sẽ không được thừa nhận. Thực tế, những đứa học giỏi hay được phát biểu, những đứa học kém cô giáo gọi lên không phát biểu được thì gây ức chế. Và thực tế cho thấy những đứa ngoan học giỏi thường là đối tượng để những đứa dốt bắt nạt, tấn công”- PGS. Mạnh Hà nhấn mạnh.

Sự việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 3/4, nhà trường nhận được phản ánh của ông Phạm Khắc Thảo (phụ huynh của em P.A – học sinh lớp 3A5  trường tiểu học An Đồng) về việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương cho học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng.

Sau khi tiếp nhận và xác minh thông tin trên là đúng, nhà trường đã yêu cầu cô Nguyễn Thị Minh Hương - giáo viên có hình phạt chưa phù hợp với học sinh - đến xin lỗi em P.A và gia đình, đồng thời cần nhanh chóng đưa học sinh này đi khám sức khỏe.

Ngày 4/4, Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm trường tiểu học An Đồng đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường, không phân công chủ nhiệm lớp 3A5 và thay thế giáo viên chủ nhiệm khác.

Liên quan đến vụ việc này, sáng 5/4, Bộ GD-ĐT có văn bản số 551/NGCBQLGD-HCTH về việc xử lý vi phạm đạo đức nhà giáo của cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên trường Tiểu học An Đồng (TP Hải Phòng).

Cụ thể, cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng phạt học sinh bằng cách bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng. Vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo hết sức nghiêm trọng này.

Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT thành phố Hải Phòng chỉ đạo, kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này, đồng thời báo cáo tình hình sự việc, kết quả xử lý về Bộ GD-ĐT qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chậm nhất 11h ngày 6/4/2018.

Chiều 5/4, bà Trần Thị Ngọc Bảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) cho biết, Hội đồng Sư phạm nhà trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương.

Bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau vì cô giáo còn “trẻ người, non dạ”?

“Không thể bí quá là làm theo bản năng, bột phát nghĩ ra trò như vậy được”, TS. Nguyễn Tùng Lâm bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN