Chuyện hiếm: Trường học chỉ thu 1 khoản
Trong khi nhiều trường xảy ra tình trạng lạm thu, thu quá nhiều khoản, có trường còn vận động phụ huynh đóng góp mua ti vi, điều hòa khiến phụ huynh “kêu trời” thì việc thu đúng, thậm chí thu ít hơn đang được một số trường học trên địa bàn TP.HCM thực hiện.
Tại TP.HCM, một số trường thực hiện đúng cơ chế tự chủ như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Nguyễn Thái Bình việc thu chi rất được phụ huynh ủng hộ.
Từ năm 2007 đến nay, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q. Tân Bình) chỉ thu của học sinh một mức thu duy nhất 110.000 đồng/học sinh/tháng. Ngoài các khoản thu hộ như bảo hiểm, hội phụ huynh (phụ huynh tự thu) trường này không thu thêm khoản nào…
Ông Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng cho biết, trường giữ nguyên mức thu này từ khi chuyển từ mô hình bán công sang công lập và thực hiện một phần cơ chế tự chủ theo Nghị định 43 của Chính phủ (Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006).
Với khoản thu 110.000 đồng/hoc sinh/tháng, Trường THPT Nguyễn Thái Bình chia cho các khoản: học phí, cơ sở vật chất, tài liệu, tài liệu thi cử, thuê vệ sinh... Số tiền này cũng được trường dùng tổ chức dạy tăng tiết cho học sinh khi không tổ chức dạy thêm, đồng thời chủ động tiến hành việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập. 43 lớp học với hơn 2.000 học sinh của trường được chia học hai ca, các phòng học đều được trang bị bàn ghế mới, bảng chống lóa...
Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình
Ngoài ra, với khoản thu này trường mua được 21 hệ thống máy chiếu (30 triệu đồng /máy), các phòng bộ môn được trang bị hiện đại có hệ thống nghe nhìn, phòng học vi tính kết nối mạng theo quy định của Bộ; xây dựng đầy đủ các phòng chức năng, phòng nghe nhìn, các phòng thí nghiệm Lý, Hoá, Sinh đầy đủ trang thiết bị.
Tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định của ngành; các khoản chi cho hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy nâng cao và phụ đạo cho học sinh yếu kém…được nhà trường tổ chức chặt chẽ nên đã giải quyết được những tiêu cực mà giáo viên nhà trường từng mắc phải như bắt ép học sinh học thêm để thu tiền.
“Tuy nhiên, đó là mức chi của 5 năm trước, xét trong tình hình hiện nay, việc thu 110.000 đồng/ học sinh không thể “thu bù đủ chi”. Để duy trì ở mức thu này, nhà trường phải gói ghém từ các khoản khác” – ông Hòa cho biết.
Trung bình mỗi năm trường thu được của học sinh gần 2 tỉ, nhưng kinh phí để chi cho hoạt động của một trường phổ thông vào khoảng 7-8 tỉ/ năm nên kinh phí nhà nước chi cho trường vẫn rất nặng.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nguồn kinh phí phụ huynh đầu tư cho con cái học hành rất lớn, ngoài các khoản thu học chính khóa, các khoản chi cho học sinh học thêm, phụ đạo, năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, trại hè….cũng là chi cho giáo dục.
“Quan trọng nhất là vấn đề minh bạch trong thu chi trước toàn thể cán bộ giáo viên, không có tình trạng đặt ra các khoản thu tuỳ tiện, mập mờ, xã hội đồng tình chấp nhận, thu hợp, chi đúng vào công tác chuyên môn, phục vụ giảng dạy và các hoạt động giáo dục học sinh.
Vì vậy những khoản của phụ huynh hãy để phụ huynh tự thu, nhà trường thu khoản nào nên có hệ thống thu ngân tránh trường hợp thu hộ dễ gây hiểu nhầm.
Việc làm của ông xuất phát từ mong muốn "xã hội nên có cái nhìn thông cảm với giáo dục. Giáo dục không phải là hoạt động kinh doanh, thu tiền nhưng nếu giáo dục nhếch nhác, chất lượng không đảm cũng không ổn". Thực tế, một số nơi, điều kiện hoạt động rất tạm bợ… nhưng nếu chỉ thu tiền lo cơ sở vật chất không chú ý đến chất lượng giáo dục là hoàn toàn không đúng.