Chuyện chưa kể về những thầy cô âm thầm “cõng chữ’ lên biên giới

Sự kiện: Giáo dục

Ngày Hiến chương các nhà giáo đang đến gần, một lần nữa chúng ta lại có dịp nhìn lại những đóng góp của biết bao thầy cô ngày ngày nhọc nhằn “cõng chữ’ lên biên giới.

Đó là những con người hi sinh thầm lặng đã không ngại vất vả, tình nguyện dấn thân đến những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới để đem con chữ đến các em học sinh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn với mong muốn đơn giản là giúp các em có một tương lai tốt hơn.

Chúng tôi tìm đến điểm trường Nà Cuổng 2 (thuộc Trường Tiểu học Niêm Tòng, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) với mong muốn được trò chuyện với những người thầy vĩ đại khi họ dành cả tuổi thanh xuân của mình mang những con chữ đến với bà con vùng sâu, vùng xa.

Điểm trường Nà Cuổng 2  nằm cách trung tâm xã Niêm Tòng chưa đến 24km nhưng con đường đến trường thì cheo leo, heo hút, chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu. Cả thời gian đi đường không ít lần khiến tôi phải rùng mình lo sợ vì những tảng đá lớn như chực đổ xuống mặt đường, cả đoạn đường bụi tung mù mịt.

Con đường cheo leo bám theo sườn núi, nếu như mùa khô bụi tung mù mịt thì mùa mưa thực sự là “nỗi ám ảnh” với những người dân nơi đây. Bùn đỏ sục quánh, quết dính vào bánh xe, xe càng lên ga thì càng chẳng nhích được thêm chút nào. Mọi người truyền tai nhau, với những ai hay lên vùng này, hành lí ngoài quần áo còn phải mang thêm bộ xích xe và dụng cụ sửa xe.

Chênh vênh giữa núi rừng bao la, sương giăng mù mịt là những lán dài đơn sơ như điểm xuyết giữa núi rừng. Mỗi lán chỉ rộng chừng 20m2, có lán thì được lợp đắp bằng đất, lán thì được lợp mái tôn. Thế nhưng, trong những lán dài ấy lúc nào cũng vang lên tiếng trẻ tập đánh vần ê a, giọng giảng bài đầy ấm áp của giáo viên. Đó chính là điểm trường Nà Cuổng 2.

Chuyện chưa kể về những thầy cô âm thầm “cõng chữ’ lên biên giới - 1

Thầy giáo Trần Mạnh Kha

Đến trường chúng tôi được gặp thầy giáo Trần Mạnh Kha (56 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã 20 năm miệt mài với việc cõng chữ lên biên giới. Được biết, thầy Kha gắn bó với những em học sinh vùng cao từ khi thầy mới 25 tuổi. Chia sẻ với chúng tôi thầy Kha cho hay: “Gắn bó với những đứa trẻ vùng cao, tôi hiểu được sự thiệt thòi và nỗi vất vả của các em. Các em ấy đâu được lựa chọn nơi mình sinh ra, khi chứng kiến những ánh mắt thơ ngây nhìn tôi, tôi tự thấy mình có trách nhiệm với những cô cậu học trò ấy.

Đó chính là động lực để tôi vượt qua bao khó khăn để cắm bản, dạy chữ cho học sinh sát vùng biên giới này. Dạy học ở vùng xa xôi hẻo lánh nên một năm số lần được gặp vợ con của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai chẳng mong muốn được gần vợ con để chăm sóc nhau lúc ốm đau.

Thế nhưng ai cũng nghĩ thế thì ai sẽ là người dạy chữ cho những đứa trẻ tội nghiệp này? Vì thế, tôi luôn coi học sinh như những đứa con của mình, hết lòng với chúng”.

Dạy học xa nhà là thế, điều kiện sống của các thầy cô ở nơi đây cũng vô cùng khó khăn. Nơi ở cũng chỉ là căn phòng tạm bợ đầy chật hẹp. Đã thế, thứ cơ bản của cuộc sống là nước sạch cũng thiếu nốt. Có những thời điểm các thầy cô phải đi bộ hàng cây số để gánh nước về.

Tiếp tục hành trình đến điểm trường Cốc Vại B chúng tôi tận mắt chứng kiến những lớp học được đắp tạm bằng đất với những mái lợp lớp pro xi-măng cũ kĩ và tiếng đánh vần hết sức dễ thương của học sinh.

Chuyện chưa kể về những thầy cô âm thầm “cõng chữ’ lên biên giới - 2

Cô Hà Thị Tuyến cùng các học sinh của mình

Đến đây, chúng tôi được gặp cô Hà Thị Tuyến (SN 1993) - giáo viên tại điểm trường Cốc Vại B. Cô Tuyến cho hay: “Cho đến nay, đã gần 5 năm tôi cắm bản dạy chữ cho trẻ vùng cao. Xa gia đình, nhiều khi cũng thấy thiệt thòi cho chồng con mình khi không được tận tay mình chăm sóc.

Thế nhưng, biết làm sao được khi những đứa trẻ ở Khâu Vai còn rất cần tôi. Vì thế, tôi luôn yêu thương những đứa trẻ này như một cách để bù đắp thiệt thòi khi các con sinh ra là trẻ con vùng cao.

Lớp học chẳng có điện, đường xa thì xa xôi, hẻo lánh, mọi thứ đều phải dùng đôi vai để gánh lên trường để duy trì hoạt động của trường thế nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dời bỏ nơi này”.

Thầy giáo mang quân hàm xanh xóa mù chữ cho bà con dân tộc bằng ... hát karaoke

Đại úy Trịnh Tứ Thắng (SN 1976 - Chính trị viên Phó đồn biên phòng Roòn tỉnh Quảng Bình) được mệnh danh là thầy giáo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN