Chán sử vì… sách

GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cuối tuần trước tại lễ tuyên dương, trao thưởng cho HS đoạt giải kỳ thi quốc gia môn sử 2013 cho rằng: Phần lớn HS chán môn sử hoàn toàn không do HS, không do môn sử mà do sách giáo khoa (SGK) và phương pháp dạy sử hiện nay.

Giải nhất Trần Thanh Quang – HS lớp 12 Sử, THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ: Ban đầu em cũng như nhiều bạn, nghĩ sử là môn học thuộc lòng. "Nhưng khi bắt đầu học sử ở trường chuyên em mới biết, tư duy và hiểu về các sự kiện mới là quan trọng để giỏi sử”. Quang cũng không giấu mình ít khi đọc các sách tham khảo về lịch sử mà thường xem phim tài liệu và các chương trình truyền hình lịch sử.

Giải nhất Phùng Thị Bích Phương-HS lớp 12 Sử, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng cho rằng: Muốn HS hiểu sử, nhớ sự kiện và trau dồi kỹ năng viết, cần bớt dạy lý thuyết. "Có thể tăng cường việc đi tham quan, dã ngoại tới các địa danh lịch sử, bảo tàng để mỗi bạn bồi bổ tình yêu môn sử”.

Đáng nói là trong số 211 HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia môn lịch sử năm học trước đều được miễn thi và được tuyển thẳng vào các khoa có môn lịch sử, thì chỉ có 13 HS "sử dụng cơ hội” miễn thi và được tuyển thẳng này để tiếp tục theo đuổi con đường học sử, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%. "Có 9 em vào khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội, 3 em vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng, 1 em vào ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP HCM)” - GS Phan Huy Lê cho biết.

Chán sử vì… sách - 1

GS. NSND Phan Huy Lê biểu dương trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) có 2 giải nhất môn Sử

Điều này có thể hiểu rằng niềm yêu sử của hơn 90% trò giỏi sử còn lại không theo các em khi chọn ngành nghề cho tương lai lâu dài.

Năm nay, không chắc trong số 206 em đoạt giải HS giỏi sử quốc gia vừa được vinh danh, trao thưởng, được miễn thi ĐH, có được bao nhiêu em sẽ học tiếp lên ĐH chuyên ngành này? Song việc lâu nay quá ít HS giỏi chọn đi tiếp "con đường sử” cho thấy hậu quả một thời gian dài môn học này không được dạy và học theo đúng cách.

"Chức năng của môn sử trong giáo dục phổ thông không chỉ trang bị một số kiến thức cần thiết, chọn lọc, mà cơ bản hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tức bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người”- Ý kiến của GS.NGND Phan Huy Lê tiếp tục là lời cảnh báo song cũng nhen lên hy vọng Bộ GD-ĐT sớm có những cải tiến căn bản để dạy và học sử các trường phổ thông không "chán” như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN