Cha mẹ phải biết dạy trẻ tiêu tiền

Chỉ cho tiền trẻ trên hiệu quả công việc hoàn thành tốt chứ không cho tiền trẻ có hành vi tốt.

Bà Neale S.Godfrey, chuyên gia về tài chính “Gia đình và trẻ em” hàng đầu của Mỹ, có buổi giao lưu với phụ huynh và hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT của TP.HCM về phương pháp giáo dục tài chính cho học sinh vào cuối tuần trước. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số tình huống, phương pháp dạy trẻ tiêu tiền một cách hợp lý nhất…

Giúp con lập sổ chi tiêu

Chị Ngọc Lan, một phụ huynh ở Bình Thạnh nêu ra một phương pháp dạy con làm quen với tiền ngay khi cháu vào lớp 1 nên đến hè năm nay, khi con chị vừa hết lớp 5, cháu đã có một khoản tiết kiệm gần 10 triệu đồng từ khoản tiết kiệm và tiền lì xì tết hằng năm.

Chị Lan cho biết vợ chồng chị có một nguyên tắc ngay từ khi cháu bảy tuổi là lập sổ thu chi. Trong tuần bố cho con 20.000 đồng tiêu vặt cũng ghi vào, cô chú, bác đến nhà chơi “lì xì” cháu, cháu cũng ghi vào sổ thu chi. Tập vở, sách, bút đi học vợ chồng chị sắm đầy đủ và yêu cầu cháu phải bảo quản, nếu mất thì cháu phải tự lấy tiền tiết kiệm ra sắm. Từ đó cháu biết giữ tiền mình hơn. Không chỉ vậy, cháu cũng biết chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa có hoàn cảnh bất hạnh, sẵn sàng trích tiền tiết kiệm từ ống heo đất giúp bạn mỗi khi ba mẹ gợi ý.

Trên đây là một tình huống dạy con tiết kiệm và tiêu tiền mà theo bà Neale S.Godfrey là gần chuẩn nhất. Giúp trẻ tiếp cận tiền bạc và vật chất rất rõ ràng, cha mẹ cũng minh bạch trong tài chính với con cái.

Cha mẹ phải biết dạy trẻ tiêu tiền - 1

Cha mẹ phải biết dạy trẻ tiêu tiền - 2

Sổ thu chi của một cậu bé lên 10 dùng để quản lý khoản tiền của riêng mình.
Ảnh: Hoàng Dũng

Dạy trẻ thờ ơ với tiền ra sao?

Một phụ huynh đặt câu hỏi với bà Neale, con trai 12 tuổi mà không quan tâm đến tiền thì dạy như thế nào? Mọi việc ăn uống, mua sắm cháu đều nhờ ba mẹ.

Theo bà Neale, mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, khi con bạn không quan tâm đến tiền thì bạn nên hướng con bạn quan tâm đến việc khác như học võ, học đàn, học vẽ… Và khi tham gia các khóa học này, con bạn sẽ phát sinh những mối quan hệ như được chúng bạn rủ đi chơi, rủ nhau vào tiệm uống nước, ăn quà… Khi đó, trẻ sẽ có nhu cầu cần sử dụng đến tiền và bạn là người khuyến khích chúng học và trả tiền cho chúng để chúng theo đuổi ước mơ dưới sự kiểm soát tài chính của bạn mà bạn cho là phù hợp.

Làm gì khi trẻ tiêu tiền quá mức?

Anh Trần Bảo Lâm, phụ huynh một học sinh lớp 10, băn khoăn: Con anh từ khi lên cấp 3 mỗi tuần anh cho chúng 300.000 đồng tiêu vặt (nếu có phát sinh mà anh thấy hợp lý thì cho thêm). Thế nhưng cháu cứ than không đủ tiêu xài.

Bà Neale cho rằng trước hết hãy tìm hiểu lý do trẻ liên tiếp xài lẹm vào khoản tiền mà ba mẹ cho là đủ. Nếu trẻ phải móc tiền tiết kiệm để xài thì nên điều chỉnh lại khoản tiền chi tiêu trong tuần của trẻ. Trẻ sẽ phấn khích với khoản tiền mới tăng lên. Với những trẻ  12-17 tuổi, cha mẹ nên đóng vai trò ngân hàng. Dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại tiền tiết kiệm của trẻ. Mỗi khi trẻ muốn rút tiền tiết kiệm để làm gì đó, trẻ sẽ hỏi đến ý kiến của ba mẹ và thảo luận trước khi lấy tiền.

Nếu khi trao đổi mà thấy trẻ không nên tiêu tiền vào việc đó, ba mẹ hãy đặt hạn một tuần để trì hoãn. Nhưng nếu sau đó trẻ không quên thì làm gì? Hãy lên phương án “khấu trừ lương”, ba mẹ giữ lại một số tiền cố định mỗi tuần trích trong tổng số tiền tiêu vặt của trẻ. Một tháng sau, hãy cho trẻ thấy đã tích cóp được bao nhiêu và nhấn mạnh nhiều tháng sau đó số tiền sẽ tăng lên nhiều. Thông thường, viễn cảnh về một lưng vốn dồi dào sẽ biến trẻ thành một người tiết kiệm tích cực.

Không nên khuyến khích, cho tiền mỗi khi con học giỏi

Cha mẹ nên giao những việc vặt cho con làm nếu trẻ muốn kiếm thêm nhiều tiền tiêu vặt. Nếu trẻ nhỏ có thể là đống báo cũ, vật dụng không còn xài nữa cho trẻ bán ve chai khi tổng vệ sinh nhà. Trẻ lớn hơn có thể giúp việc thường kỳ và quy mô hơn như rửa xe, dọn dẹp nhà cửa.

Hãy lập một danh sách những việc làm không cấp bách mà bạn cần giải quyết với khoản tiền “thêm giờ” trẻ sẽ nhận được và dán danh sách đó lên tủ lạnh. Và khi con bạn hỏi xin một đôi giày tốt, hay tiền đi chơi với chúng bạn, bạn hãy nhắc nhở trẻ về danh sách công việc đó. Các bậc cha mẹ cũng cần nhớ, không nên khuyến khích và cho, thưởng tiền cho con ngoan, học giỏi đạt điểm cao. Tiền cho trẻ chỉ được trả trên hiệu quả công việc hoàn thành tốt chứ không cho tiền trẻ có hành vi tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Nguyễn (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN