Cần coi trọng bằng nghề hơn bằng đại học
Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò thanh niên công nhân trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” diễn ra chiều 12/5 tại TPHCM, phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đặt vấn đề chúng ta khuyến khích học nghề nhưng khi tuyển dụng lại đặt nặng tấm bằng đại học.
Từ chuyến thực tế cùng đoàn cán bộ sang Vương quốc Anh học tập kinh nghiệm mới đây, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận những mặt hạn chế của ta so với bạn trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, thời đại mà sức lao động con người bị công nghệ rô-bốt, kỹ thuật công nghệ “cạnh tranh”.
Phó Chủ tịch UBND TP nêu lên một bất cập, là thực tế chúng ta cũng đã khuyến khích con em đi học nghề, nhưng khi tuyển dụng thì lại đặt nặng tấm bằng đại học.
Cũng theo bà Thu nhiều nước công nghiệp tiên tiến đã chuyển hướng xem trọng bằng nghề hơn bằng đại học, khuyến khích học nghề, và sau khi vào doanh nghiệp rồi sẽ được đi học, bổ túc bằng đại học ngành nghề.
“TPHCM đang xem xét áp dụng mô hình này, và trước mắt chúng tôi đề nghị một sự thay đổi, quan tâm từ chính Bộ LĐ-TB&XH chứ không phải từ một tỉnh, thành nào khác”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nói.
Là người từng đoạt các giải thưởng lớn tại các hội thi tay nghề quốc gia và ASEAN, sinh viên Tuấn Anh (trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương) cho biết điểm chung của lao động trẻ nước ta là hạn chế về khả năng ngoại ngữ.
Do đó, lao động trẻ gặp nhiều trở ngại trong việc trao đổi, học tập kỹ năng và tiếp cận công nghệ so với bạn trẻ nước ngoài. “Kỹ năng nghề nghiệp phải được đào tạo kỹ càng hơn, đồng thời nhà trường cũng phải cập nhật nhiều hơn nữa những công nghệ mới, chú trọng bổ sung kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên”, Tuấn Anh nói.
Đánh giá những thực trạng đã qua, PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết có nhiều nguyên nhân tồn tại làm cho nguồn lao động nước nhà chưa thể cất cánh được.
Trong đó, công tác dự báo cung cầu thị trường lao động và sử dụng nhân lực chưa hiệu quả. Mặt khác, cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với cơ cấu sử dụng nguồn nhân lực đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý.
“Quy trình đào tạo phải theo hướng vừa nâng cao trình độ vừa đảm bảo hội nhập được, đào tạo phải gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chú trọng rèn luyện kỹ năng thao tác trực tiếp trên máy móc. Điều đó phần nào giúp cho lực lượng lao động của ta có thể ung dung hòa nhập vào thị trường lao động nước ngoài”, ông Cao Văn Sâm kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư, đề nghị giữa nhà trường, nhà doanh nghiệp và tổ chức Đoàn thanh niên cần có nhiều hoạt động gắn kết hơn nữa. Riêng các bạn trẻ cần phải thay đổi tư duy, định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm. Đừng nghĩ cứ vào nhà nước thì mới phát triển.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho hay từ những trăn trở, đề xuất từ chính buổi tọa đàm sẽ được Ban Bí thư xem xét làm căn cứ tiếp tục đề xuất các bộ ngành hữu quan tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn để đội ngũ thanh niên công nhân phát huy vai trò và góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nền kinh tế đất nước.
“Tạo thêm cơ chế, chính sách cho cán bộ Đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa và quan tâm hơn nữa đối với cán bộ Đoàn khu vực ngoài Nhà nước. Tổ chức Đoàn cũng phải điều chỉnh lại các phong trào sao cho phù hợp với tình hình hiện nay, cần thiết đưa phong trào xuống được tận cấp Đoàn cơ sở, chi Đoàn bộ phận - những nơi trực tiếp sản xuất” Anh Lê Quang Bình, Bí thư Đoàn khối Bộ Xây dựng |
Tại Nghệ An, cử nhân tốt nghiệp ĐH loại ưu ra trường lại phải giấu bằng đi học nghề, hoặc để đó làm... kỷ niệm...