Cái tát không thể làm trò ngoan

Sự kiện: Giáo dục

Công an Quảng Bình vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi “Hành hạ người khác” liên quan đến việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi, giáo viên Trường THCS Duy Ninh) bắt bạn học tát một học trò 231 cái.

Đây không phải là chuyện lần đầu học sinh bị thầy cô bạo hành, xúc phạm tại lớp học. Đã có những học trò bị thầy cô bắt quỳ gối suốt cả tiết học, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, bị đánh chảy máu miệng, bầm tím người, gãy răng cửa… Tất các trường hợp đó đều bị xã hội lên án, nhiều thầy cô bị chuyển trường, bị đình chỉ công việc, bị pháp luật xử lý...

Trường học là nơi dạy học trò cả kiến thức và đạo lý làm người. Những cái xấu sẽ luôn được nhắc nhở, dạy dỗ, xử lý, nhưng cũng không có nghĩa là thầy cô được phép xúc phạm nhân phẩm và xâm hại thân thể của học trò. Bạo hành trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ hoặc nguy hại hơn, khiến trẻ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Các nhà giáo dục cho rằng, riêng học tập cũng đã là một chuỗi thử thách nặng nề. Do đó, nếu bị đánh đập, chửi bới, nhiếc móc, chắc chắn trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tinh thần, không thích đến trường, không thích đi học. Chỉ một cái tát của cô giáo đôi khi cũng là một vết thương khó phai mờ trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ trở nên tự ti. Cá biệt có trường hợp còn làm thay đổi cả tính cách của một con người. Một tác hại cũng không thể không nhắc tới, đó là việc bạo hành, làm nhục có thể khiến trẻ trở nên lì lợm, ngang bướng, và không còn coi chuyện vi phạm lỗi là quan trọng. Trẻ cũng trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác. Càng bị trách phạt, trẻ càng có nguy cơ rối loạn hành vi nhiều hơn. Những hành vi bạo hành như thế sẽ đem lại hệ lụy tâm lý rất lớn đối với học sinh, khiến các em bị sụp đổ niềm tin vào những người đang dạy dỗ mình.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết rất đau lòng với sự việc này. Các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và bản thân các em học sinh cũng đều rất đau lòng. Đánh học trò, bắt học trò đánh bạn mình, cô giáo đã nhận cái sai nhưng đằng sau cái sai đó, là sự méo mó trong đạo đức nghề nghiệp của người thầy giáo. Đã đến lúc, ngành Giáo dục cần chấn chỉnh lại hành vi ứng xử của một bộ phận những người đứng trên bục giảng, xử lý kiên quyết để thầy cô luôn là tấm gương sáng, để khôi phục lại hình ảnh, đạo đức và vị thế của người thầy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN