Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp ngạc nhiên việc đào tạo bác sĩ ở Việt Nam
“Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp tỏ ra khá ngạc nhiên khi tôi cho bà biết thông tin ở Việt Nam đã có các cơ sở tư nhân được cấp phép đào tạo bác sĩ vì cho đến hiện nay tại Pháp chỉ có các trường công lập mới được cho phép thực hiện chức năng này”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học diễn ra vào sáng nay 6/11.
Mong điều chỉnh lại các điều luật
Cho ý kiến vào dự thảo luật này, ĐBQH, PGS.TS, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, giảng viên Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết có 3 loại hình giáo dục đại học hiện nay được công nhận trên thế giới là giáo dục học thuật (academic education), giáo dục nghề nghiệp (voacational education) và giáo dục chuyên nghiệp (professional education).
Loại hình thứ 3 cần đào tạo các học viên sau khi có bằng cử nhân có thể làm những công việc đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp. Chính vì vậy một mình Bộ Giáo dục - Đào tạo không thể xây dựng được hệ thống giáo dục rất đặc thù này. Hệ thống này cần có sự hợp tác của Bộ GD-ĐT và các Bộ khác, các tổ chức nghề nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp. Chính vì vậy cho đến hiện nay chúng ta chưa có loại hình giáo dục chuyên nghiệp, và rất tiếc trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học cũng chưa đề cập đến vấn đề này mặc dù trong rất nhiều hội thảo, hội nghị các chuyên gia của các ngành khoa học đã đề cập đến.
“Tôi đề nghị cần thiết kế 1 chương trong Luật Giáo dục Đại học về giáo dục chuyên nghiệp, chương trình giáo dục chuyên nghiệp với các quy định rất rõ ràng về vai trò của Bộ GD-ĐT và các Bộ, các tổ chức khác có liên quan trong việc đào tạo, sát hạch cũng như cấp bằng cho mô hình đào tạo hết sức quan trọng này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Nếu các nhà soạn Luật thấy việc thêm 1 chương có thể làm mất cấu trúc của bộ Luật thì chí ít tôi cũng mong điều chỉnh lại các điều luật có liên quan đến lĩnh vực này theo hướng có sự phối hợp các Bộ khác mà đơn giản nhất là giao cho Chính phủ quy định trình độ, văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng chuyên sâu đặc thù (khoản 1 điều 6 và khoản 1 điều 38)”, GS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng đề chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực Y khoa. Hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo bác sĩ đa khoa. Theo thống kê năm 2015 thì nước ta đạt tỷ lệ 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ trên 10.000 dân. Đó là tỷ lệ thấp so với nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng không quá thấp so với các nước đang phát triển trong khu vực. Tuy nhiên lại có sự chênh lệch lớn về số lượng và chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Chúng ta cần bác sĩ giỏi hơn là nhiều bác sĩ trình độ kém. Theo dự thảo Luật có trường đại học sẽ xác định theo hướng nghiên cứu hoặc theo hướng ứng dụng nhưng trường đại học y khoa phải bao gồm cả 2 hướng này vì y học là một môn học đặc biệt.
Chính vì vậy tôi rất mong muốn trong dự án Luật Giáo dục Đại học cần bổ sung điều khoản về bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa cần trải qua một kỳ thi tốt nghiệp cả lý thuyết và thực hành với trình độ tương đương trong cả nước (National examination) để đảm bảo chất lượng đầu ra của một ngành liên quan trực tiếp đến mạng sống con người.
Ngay tại Thái Lan là một nước có hệ thống đào tạo nhân viên y tế khá bài bản mà cả nước hiện nay chỉ có 14 trên tổng số 21 cơ sở đào tạo nhân viên y tế được cấp phép, từ năm 2006 đến nay chỉ có thêm 2 trường được cấp phép đào tạo Bác sĩ y khoa. Việc thi bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa được tiến hành từ rất lâu ở Thái Lan, Philipine, thậm chí ngay ở Myanmar một nước có GDP thấp hơn Việt Nam.
Trong buổi ăn trưa cùng bà Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp ngày thứ 7 vừa rồi, bà Bộ trưởng tỏ ra khá ngạc nhiên khi tôi cho bà biết thông tin ở Việt Nam đã có các cơ sở tư nhân được cấp phép đào tạo bác sĩ vì cho đến hiện nay tại Pháp chỉ có các trường công lập mới được cho phép thực hiện chức năng này.
Chính vì vậy rất mong các nhà soạn luận cần đặc biệt chú ý đến hệ thống giáo dục chuyên nghiệp nói chung và hệ thống đào tạo nhân viên y tế nói chung trong thời khắc quan trọng này, bảo đảm hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ổn định được chất lượng cũng như hướng tới sự hội nhập với nền y học thế giới.
Quy định đào tạo bác sĩ còn chung chung và mơ hồ
Đồng tình với quan điểm này, bên hành lang Quốc hội, ghi nhận việc ban soạn thảo đã bổ sung, sữa chữa nhiều nội dung mà đại biểu góp ý, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng bên cạnh đó còn nhiều điểm bất cập.
“Bất cập không phải do ban soạn thảo, thậm chí kể cả như mô hình đào tạo ĐH thuộc về Chính phủ thậm chí cao hơn nữa. Cho nên theo tôi cần phải xem lại việc này thấu đáo, kỹ lưỡng trước lúc mình sửa đổi Luật”, ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.
ĐB Nguyễn Anh Trí
Theo ông Trí, đào tạo Y khoa trong Luật có điều 73 trong đó gần như gom hết vào những quy định chung, đào tạo đặc thù chuyên sâu như vậy thì giao cho Chính phủ quyết định.
“Thứ nhất quy định chung như thế còn hơi chung chung và mơ hồ. Điều thứ 2 tôi lo sợ hơn là sau này ý đó không đi được vào trong thực tế cuộc sống. Vì không biết đến bao giờ Chính phủ mới tập trung họp để triển khai giải quyết vấn đề này mà đó là những vấn đề đang còn tồn tại, tồn động rất lớn ở các trường đại học Y khoa mà dẫn đến vấn đề đào tạo bác sĩ chuyên khoa như hiện nay còn nhiều bất cập”, ông Trí nhấn manh.
Bởi thế, vị đại biểu nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương kiến nghị, cần thống nhất mô hình đào tạo y khoa nói chung ở Việt Nam cho đúng với Quốc tế.
“Tức là như thế này một người muốn học y khoa thì thi vào đại học y khoa và họ học trong 4 năm, tốt nghiệp ra trường gọi là cử nhân y khoa. Sau đó tách thành hai hệ (hệ thứ 1 nếu họ muốn làm bác sĩ điều trị thì họ học theo hệ lâm sàng và họ sẽ học 1 năm nội trú và khoảng 3 năm chuyên khoa. Như vậy tổng cộng họ phải học 8- 9 năm họ ra làm bác sĩ chuyên khoa và họ được làm việc trong bệnh viện. Loại này rất giỏi trong nghề.
Còn hệ thứ 2, học xong 4 năm các cử nhân học thêm 2 năm nữa để lấy bằng thạc sĩ y khoa xong sau đó nếu họ muốn nữa có thể học tiếp 3 năm nữa để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Bằng tiến sĩ, thạc sĩ dùng để giảng dạy còn họ không làm lâm sàng. Hệ này là hệ hàn lâm”, GS Nguyễn Anh Trí nêu.
Cũng theo ông Trí, “hai hệ này có thể chuyển đổi nhưng với điều kiện anh phải học dù anh là bác sĩ chuyên khoa anh muốn giảng dạy thì phải học thêm một số chứng chỉ nữa để nhận được bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Tương tự anh làm giảng dạy nhưng anh muốn làm lâm sàng thì việc đầu tiên anh phải học chuyển đổi”.
Đặc biệt, ông Trí nhấn mạnh “tất cả những quy định này phải đưa vào luật và Chính phủ phải có những quy định rất cụ thể về bằng cấp, về thời gian học thậm chí về tiêu chí tuyển sinh thì mới có thể thực thi được”.
Do đặc thù của nghề cứu, chữa người, sắp tới đây sinh viên y khoa phải học liên tục chín năm mới được cấp bằng...