“Bộ GD-ĐT sẽ sửa cách đánh giá học sinh bằng nhận xét”
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đối với Thông tư 30, đánh giá năng học sinh bằng nhận xét, Bộ đã rút kinh nghiệm và tính toán làm sao cho phù hợp. Tới đây Bộ sẽ khắc phục và sửa”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi Họp báo
Tại buổi họp báo khai giảng năm học mới 2016 - 2017 ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đối với Thông tư 30, đánh giá năng học sinh bằng nhận xét, Bộ đã rút kinh nghiệm và tính toán làm sao cho phù hợp. Tới đây Bộ sẽ khắc phục và sửa.
Chẳng hạn, hiện nay theo thông tư 30 các thầy cô phải ghi chép nhiều, bây giờ điều chỉnh, có thể sử dụng các công cụ máy tính.
Với đánh giá học sinh, mặc dù cũng có hạn chế về khách quan, chủ quan. Thầy cô, phụ huynh cũng chưa biết như thế nào để đánh giá để học sinh tiến bộ nay thông tư sửa đổi sang thang A, B, C là mức lượng hoá.
Ví dụ: Mức A, học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục… qua các mức đó, phụ huynh sẽ thấy được sự tiến bộ của trẻ.
Ông Nhạ cho biết, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới giáo viên, Bộ xác định nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục là trọng tâm.
Theo ông Nhạ, phần lớn các thầy cô tâm huyết với ngành nhưng trong thời buổi, “hoàn cảnh” này tâm huyết chưa đủ mà phải có kiến thức đủ tốt để đáp ứng được các quy chuẩn, để dạy theo phương pháp tiếp cận mới.
Đối với mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đây là một mô hình mới cần có sự đổi mới, phù hợp.
“Bộ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức. Mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề là nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm trong thời gian qua.
Trong giáo dục tất cả mọi thứ phải thận trọng. Những cụm từ như “nhồi nhét", "chuột bạch”, “thí nghiệm”... rất xa rời giáo dục; khi sử dụng trong giáo dục phải hết sức thận trọng, chúng ta có thể sử dụng những từ khác phù hợp hơn. Những phản ánh ấy không đúng tinh thần của đổi mới, gây cú sốc cho những người làm đổi mới” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.