Bộ bảo không cần, phụ huynh vẫn… chạy đua!

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, sớm thì ngay sau Tết Nguyên đán, muộn thì đầu hè, là các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lại nháo nhác tìm chỗ cho con đi học, bất chấp việc các chuyên gia lẫn lãnh đạo ngành giáo dục luôn khẳng định, nhấn mạnh rằng học trước là "phản khoa học"...

Mới đây, Bộ GDĐT lại phải tổ chức hẳn một cuộc họp báo để đưa ra quan điểm cũng như giải pháp trước tình trạng phụ huynh đang rầm rập cho con đi học các lớp chuẩn bị vào lớp 1. Mặc dù thông tin chính thống đã khẳng định là không cần đi học trước, nhưng những cảnh báo này được các phụ huynh tiếp nhận với thái độ “nghe cho biết”, chứ không phụ huynh nào chỉ vì Bộ nói không cần là dừng không cho con tiếp tục theo học “tiền lớp 1”. 

Anh Hà Minh Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng: “Bộ GDĐT toàn kêu gọi, sẽ nọ sẽ kia, trong khi thực tế chắc gì đã tốt đẹp như Bộ muốn. Tôi có một cháu năm nay lên lớp 3 rồi nên tôi biết, khi học lớp 1 ngoài giờ học trên lớp thì về nhà các con vẫn phải rèn chữ, làm toán nâng cao, học hết kỳ 1 phải đọc thông viết thạo để cô còn đọc chính tả. Đến đứa em này tôi vẫn phải cho học trước để… giảm tải cho cháu khi vào năm học chính thức. Nếu không, đến lúc đi học thật mới bắt đầu thì sẽ căng thẳng cho cả con lẫn bố mẹ”.

Chị Mai Hương, có con gái là “cựu học sinh” trường tiểu học Chu Văn An, kể lại câu chuyện “ly kỳ” mà chị từng chứng kiến: Ngày đưa con gái đến lớp 1, chị kinh ngạc khi thấy cô giáo hỏi có em nào đọc được tấm bảng viết “5 điều Bác Hồ dạy”. Và chị bàng hoàng hơn khi quá nửa số học sinh trong lớp giơ tay. Sau đó là chuỗi ngày chị “đánh vật” với cô con gái để có thể theo kịp các bạn: “Thế nên bây giờ ai hỏi kinh nghiệm chuẩn bị cho con vào lớp 1, thì chắc chắn là mình khuyên nên cho con ít ra biết đủ mặt chữ, mặt số”.

Không vì “nghe Bộ” mà cho con dừng tập luyện để vào lớp 1, chị Hải Hà (Ba Đình, Hà Nội) có mục tiêu để cả mẹ và con cùng phấn đấu: Cho con thi vào trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. “Thi vào trường đấy căng thẳng lắm. Mình biết bây giờ cho con đi học là hơi muộn rồi nhưng phải cố gắng thôi. Không học thì làm sao mà thi nổi”.  

Ở góc độ chuyên môn hơn và cũng là “người trong cuộc”, cô Nguyễn Thị Phương Khanh - GV trường tiểu học Phú Thạnh - TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc gì cũng có hai mặt của vấn đề. Nếu biết “điểm dừng” đúng thì sẽ phát huy được tác dụng, còn đi quá sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Cụ thể, để chuẩn bị cho con trẻ tự tin bước vào lớp một và theo chung nhịp của đa số bạn bè cùng lứa thì phụ huynh cũng có thể cho bé làm quen trước với mặt chữ và con số. Có nghĩa là phụ huynh có thể tự dạy cho con trẻ thông qua những trò chơi với trẻ chứ không nhất thiết phải đến lớp học thêm. Qua đó, tập cho bé quen dần với 29 chữ cái. Và về số học thì bé có thể tập đếm đến  20, hơn chút nữa là bé có thể biết số nào lớn hơn số nào… Với lượng “kiến thức” như vậy là trẻ đã có thể vững bước vào lớp một. Kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, tôi cho rằng những bé được “trang bị” như thế sẽ rất hứng thú khi vào lớp một bắt đầu được “rèn lại” một chút về chữ cái và tập ghép từ, đánh vần… Nếu bé được cho đi học sớm trước những gì trong nội dung chương trình lớp một thì khi vào học chính thức, bé sẽ rất dễ nản. Như vậy, “vô hình trung” bố mẹ đã làm “thui chột” tính sáng tạo, khả năng khám phá của trẻ... Từ đó, trẻ sẽ  lười học và dẫn đến tình trạng học thua sút so với bạn bè - cô Phương Khanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những trường hợp “trớ trêu” - “Đừng nói là cô giáo sẽ không chê bai trên lớp khi con chậm hơn các bạn nhé. Ngay lớp học thêm mà đã thế cơ mà. Hôm trước, con mình đi học thêm về cứ buồn mãi. Hỏi tại sao thì con kể hôm nay học chữ O, cô xem con viết rồi bảo “viết chữ như cục đá”. Đấy, không cho con võ vẽ biết trước một tí, đến khi đi học khéo con lại xấu hổ với bạn bè” - Chị Hà Anh bức xúc. Hay một phụ huynh khác có con năm nay dự kiến sẽ vào trường tiểu học thì cho rằng nếu như năm trước Bộ đã “cấm tiệt” học thêm ở tiểu học rồi thì năm nay đối với việc kiểm tra, kiểm soát vấn đề học trước - dạy trước chương trình lớp 1 cũng chỉ là một “hình thái” của vấn đề và xem ra chưa thật sự phát huy hiệu quả trong chuỗi quản lý của ngành…

Đề xuất hướng ra cho “vấn nạn” này, một vị phụ huynh kiến nghị: Trước khi chính thức bước vào năm học mới, nhà trường và các giáo viên lớp 1 nên có một buổi gặp gỡ với phụ huynh, học sinh. Trong cuộc gặp mặt này phía nhà trường, giáo viên cần khẳng định, cam đoan với phụ huynh rằng các con không cần biết chữ trước khi vào lớp một. Như thế thì có thể năm nay phụ huynh còn e ngại. Nhưng nếu Bộ vẫn “kiên định” với hướng đi này thì chắc chắn năm sau, năm sau nữa, phụ huynh sẽ yên tâm mà không bắt con cái phải chịu áp lực quá sớm” - Anh Minh sơn đề nghị.

Hay một giải pháp “tình huống” có thể thực hiện ngay, đó là: Tất cả các sở GDĐT tỉnh thành đều thiết lập và duy trì thật hiệu quả một đường dây nóng để phụ huynh có thể gọi đến phản ánh về những hành động, lời nói gây áp lực cho trẻ của giáo viên. Và địa phương cần nghiêm khắc xử lý những sai phạm dạng này. Nếu được như vậy, giáo viên sẽ cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, không gây tổn thương cho trẻ - Chị Hà Anh đề xuất.

Kết quả khảo sát của một cổng điện tử, về  việc nên hay không nên cho trẻ đi học trước khi vào lớp một, qua hơn 300 ý kiến đã cho kết quả:

* Không nên -  vì sẽ làm trẻ chủ quan và ngày càng “đuối” khi đi học chính thức 12,91%  * Nên - vì sợ không theo kịp bạn đồng lứa: 38,74% * Nên nhưng ở mức vừa phải -  Chỉ cho trẻ quen với sách vở, chữ số chứ không ép  học 45,36% *  Các ý kiến khác: xấp xỉ 3%

T.Uyên (tổng hợp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Anh - Thể Uyên (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN