Biến tướng dạy thêm, học thêm, Bài 3: Vòng xoáy cấm, quản, buông

Bộ GD&ĐT đã có quy định về dạy thêm, học thêm nhưng các vụ việc vi phạm chưa được xử lý, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, dạy thêm là biến tướng của lạm thu.

“Tự nguyện trong bắt buộc”

Năm học 2023-2024, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có 16 trường tiểu học liên kết với đơn vị bên ngoài vào trường tổ chức dạy iSmart (học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh). Có người muốn xin cho con thôi học thì bị mời lên gặp hiệu trưởng. Từ đây, họ sẽ được hiệu trưởng làm công tác tư tưởng rằng: trong phiếu đăng ký, phụ huynh đã cam kết học 5 năm, nếu không học sẽ phải chuyển học sinh sang lớp khác... Có trường xếp lịch môn tự chọn này ngay trong tiết chính khóa, triệt tiêu ý định của phụ huynh xin cho con thôi học môn này.

Học sinh kiểm tra đầu vào để xếp lớp theo trình độ ở một trung tâm ảnh: Quỳnh Anh

Học sinh kiểm tra đầu vào để xếp lớp theo trình độ ở một trung tâm ảnh: Quỳnh Anh

Phụ huynh N.V.C., có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP Buôn Ma Thuột, đã phản ánh đến báo Tiền Phong vì “chịu đời không thấu” với chương trình học “tự nguyện trong bắt buộc” này. Một tháng phụ huynh phải đóng 400.000 đồng để đổi lấy 8 tiết học (mỗi tuần 2 tiết, mỗi tiết 30 phút)...

Anh C rất muốn xin cho con nghỉ học nhưng nhà trường lại chen vào thời khóa biểu chính khóa. Anh kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc, đưa chương trình học tự chọn trở về đúng ý nghĩa của nó là “được chọn” và các tiết học phải xếp vào cuối các môn học chính khóa như quy định của Bộ GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột vừa “tuýt còi” hàng loạt trường tiểu học khi cấp thẩm quyền chưa cho phép đã tự ý triển khai các CLB trong trường, ví dụ, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (phường Tân An) triển khai CLB Toán, CLB Tiếng Việt... khiến nhiều phụ huynh bất bình. Chị Đ.T.N, có con đang theo học tại ngôi trường này, cho biết, CLB là học năng khiếu, học kỹ năng. Tuy nhiên, nhà trường lại cho dạy các môn chính khóa (Toán, Tiếng Việt), thì khác nào biến tướng dạy thêm, học thêm. Thực tế, các CLB Tiếng Việt, Toán ở Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đều do giáo viên đảm nhận. Chưa kể, mức phí cho các tiết CLB rất cao (200.000 đồng/tháng), nhưng chất lượng không như kỳ vọng.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đã giao các phòng chuyên môn kiểm tra toàn diện việc triển khai dạy chương trình iSmart, xem các trường có triển khai đúng tinh thần tự nguyện, đúng quy định không, có tạo áp lực đối với học sinh, phụ huynh không... Nếu phát hiện vi phạm, Sở sẽ chấn chỉnh ngay và sai thì hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm.

Ông Khoa nói rằng, nếu học sinh, phụ huynh thấy không phù hợp thì không học nữa. Nhà trường phải có trách nhiệm bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia học. Không được vì bất cứ lý do gì ràng buộc để học sinh phải học. Đặc biệt, không có chuyện các em không tham gia học sẽ bị sắp xếp lại lớp, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh...

Thời khóa biểu lớp 4 của một trường tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột đã xếp học iSmart vào tiết 4 ảnh: Huỳnh Thủy

Thời khóa biểu lớp 4 của một trường tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột đã xếp học iSmart vào tiết 4 ảnh: Huỳnh Thủy

Liên quan đến các vấn đề trên, PV Tiền Phong đã phản ánh đến bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Bà cho hay, sẽ giao bộ phận chuyên môn tổng hợp nội dung sau đó yêu cầu Sở GD&ĐT báo cáo. Từ đó, UBND tỉnh sẽ có hướng chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên.

Khó quản

Để quản lý về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 17 năm 2012 quy định, nguyên tắc dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm...

“Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”, Thông tư 17 nêu rõ.

Nhưng thực tế diễn ra lại rất khác. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội), thừa nhận, ở bậc tiểu học đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; việc dạy thêm, học thêm bị cấm, nhưng vẫn có ý kiến của phụ huynh về việc giáo viên dạy học sinh ở ngoài nhà trường, thậm chí có lời nói, thái độ ép buộc học sinh. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh buổi chiều không có thời gian đón con sớm, nhờ cô, gửi cô nên có thể một số rất ít giáo viên dạy học sinh theo từng nhóm nhỏ. “Việc này, hằng năm Phòng GD&ĐT đã quán triệt tất cả các trường nếu để xảy ra sự việc hiệu trưởng, giáo viên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Phòng GD&ĐT cùng đoàn kiểm tra liên ngành hằng năm có thực hiện thanh, kiểm tra tuy nhiên đến nay chưa phát hiện trường hợp giáo viên bậc tiểu học dạy chui”, ông Hậu nói.

Chị Lê Thị Thanh D., có con năm nay là học sinh lớp 10, Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, ngoài học trên lớp, giáo viên vẫn thông báo lịch học thêm ở trung tâm do chính cô đứng lớp để học sinh đăng ký. Thực tế, lớp có đến 90% học sinh đăng ký học thêm cô ở trung tâm, nhưng con chị không đăng ký.

“Tôi có suy nghĩ, đã học thêm con sẽ tìm trung tâm phù hợp túi tiền, gần nhà và có hiệu quả mới học. Từ khi con đi học lớp 1 đến nay, tôi không có nhu cầu làm đẹp học bạ nên không cho học thêm với giáo viên chủ nhiệm. Cũng chính vì thế, năm con học lớp 3, 4 bị giáo viên chủ nhiệm “đì”. Cô thường xuyên gọi điện “doạ” học yếu làm sao lên được lớp và giục giã mẹ phải cho con học thêm nếu không sẽ có nguy cơ ở lại lớp”, chị D. kể.

Mới đây, nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng bức xúc khi một số trường tiểu học chèn môn học xã hội hóa vào giờ chính khóa, khiến những học sinh không có nhu cầu học phải mệt mỏi ngồi đợi bạn học xong mới được học các môn chính. Trước phản ánh của phụ huynh và báo chí, các trường đã tạm dừng chương trình xã hội hóa Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu các trường đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm sinh lý học sinh khi triển khai môn xã hội hóa.

Các trường chỉ được phép triển khai khi xây dựng kế hoạch đầy đủ theo hướng dẫn của Sở và được Phòng GD&ĐT phê duyệt. Sở nhìn nhận, việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cũng như dạy kỹ năng sống là những môn học tự nguyện, do học sinh và phụ huynh đăng ký. Do không phải học sinh nào cũng có nhu cầu nên chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn trong thời khóa biểu chính khóa. Đồng thời nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia.

Trong buổi nói chuyện với các doanh nghiệp ngành GD&ĐT ngày 6/10, ông Dương Bửu Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD & ĐT TPHCM, nói rằng, thủ tục cấp giấy phép dạy thêm, học thêm đã không thuộc phạm vi quản lý của Sở từ tháng 11/2019, theo quyết định của UBND TPHCM. Từ đó đến nay, Sở GD&ĐT TPHCM không cấp giấy phép dạy thêm, học thêm cho các trung tâm. Tuy nhiên, Thanh tra Sở GD&ĐT vẫn phối hợp với các địa phương kiểm tra hoạt động của các trung tâm dạy thêm, học thêm đã có giấy phép tại các quận, huyện.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, dạy thêm học thêm, nghĩa là giáo viên dạy lại chương trình đã học trên lớp hoặc dạy nâng cao thêm. Về cơ sở pháp lý, không có kế hoạch dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay vẫn còn tồn tại ở TPHCM. “Theo quy định, các trung tâm dạy thêm, học thêm không được dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học. Tuy vậy, hiện nay các trung tâm gia sư vẫn làm việc này”, ông Hiếu nói.

Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, tháng 3/2023, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD&ĐT tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Qua đó, cơ quan quản lý kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. (Nhàn Lê - Nguyễn Dũng)

Nguồn: [Link nguồn]

Biến tướng dạy thêm, học thêm, Bài 2: 'Chiêu' lách luật

Mặc dù Bộ GD&ĐT quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường, giáo viên vẫn “đủ chiêu” lách luật. Học sinh học thêm kín lịch đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Thủy - Hà Linh - Thanh Trần ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN