Bí quyết để đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi vào lớp 10

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Để đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi vào lớp 10, học sinh cần phải có kỹ năng làm bài, phân tích đề...

Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong hai ngày 6 và 7-6. Thí sinh sẽ dự thi ba môn bắt buộc Văn, Toán và Ngoại ngữ. Nếu thí sinh dự thi thêm hệ chuyên và tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên và tích hợp.

Giai đoạn chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10, đối với môn Văn, các giáo viên nhiều kinh nghiệm đã chia sẻ bí quyết giúp học sinh tự tin làm bài và đạt điểm cao.

Phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 ký kiểm dò nguyện vọng thi vào lớp 10. Ảnh: THANH TRANG

Phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 ký kiểm dò nguyện vọng thi vào lớp 10. Ảnh: THANH TRANG

Cụ thể, cô Trương Nguyễn Hoàng Anh, Tổ trưởng tổ ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) cho biết cấu trúc đề thi môn ngữ Văn gồm ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Phần đọc hiểu: Cố gắng lấy điểm từng câu

Phần đọc hiểu gồm bốn câu hỏi, các em cố gắng lấy điểm từng câu. Câu thứ nhất phát hiện chi tiết từ văn bản đã có sẵn trong ngữ liệu của đề. Các em phải trích dẫn đầy đủ, chính xác, rõ ràng. Câu thứ hai hỏi về tiếng Việt, học sinh phải đọc kỹ đề, xem câu hỏi có mấy yêu cầu, khi trình bày nên thực hiện thao tác gạch đầu dòng để dễ nhìn.

Theo cô Anh, trong phần đọc hiểu luôn có câu hỏi về viết đoạn văn. Học sinh (HS) nên viết đoạn theo bố cục có mở, thân và kết. Các em nên viết cô đọng, rõ ý, đi vào trọng tâm. Đến phần tư duy, để lấy điểm, các em không nên dàn trải, tránh trả lời dài.

Phần nghị luận xã hội: Thân bài phải có yếu tố giải thích

Muốn làm tốt phần nghị luận xã hội phải nắm kỹ năng làm bài. Bố cục của bài văn nghị luận xã hội cũng gồm ba phần mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó, mở bài phải giới thiệu được vấn đề nghị luận; thân bài phải có yếu tố giải thích. Đa số HS đều quên việc giải thích trong khi đó văn nghị luận thiếu giải thích sẽ “lạc” qua kiểu bài khác.

Trong quá trình làm bài, một điểm quan trọng HS cần nhớ là nên ngắt đoạn để người chấm dễ theo dõi. Tuy nhiên, thực tế ở phần thân bài, các em thường viết đoạn dài, không ngắt thành từng đoạn nhỏ nên bố cục không đẹp, khó lấy lòng người chấm.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nghị luận văn học: Chú ý bố cục

Đối với nghị luận văn học thường gồm hai đề, HS cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện và đặc biệt phải nắm vững kỹ năng viết bài nghị luận.

“Một tác phẩm văn học hay nhờ vào nghệ thuật. Tuy nhiên, HS khi phân tích đa phần đều quên yếu tố nghệ thuật nên diễn xuôi, rất khó đạt điểm cao” – cô Anh nói.

Cô Anh lưu ý khi làm bài HS cần phải chú ý bố cục vì có tính điểm: “Tôi thường dặn các em, khi thi nếu gần hết thời gian, cố gắng tóm lược phần thân để qua phần kết. Như vậy, dù không trọn vẹn nhưng các em vẫn có điểm của bố cục còn hơn cố viết nhưng lại mất đi điểm của phần kết bài” – cô Anh nói thêm.

Theo cô Anh, điều quan trọng nhất đối với môn Văn là kỹ năng làm bài, phân tích đề. Bởi nó chính là chìa khóa giúp các em bóc tách được hết tất cả đề bài, từ đó đi vào giải quyết từng phần.

HS thường bị mất điểm môn Văn do chữ viết ẩu, không chịu ngắt đoạn trong khi làm văn, diễn xuôi quá nhiều, phân tích thơ không trích để làm dẫn chứng.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh cho hay đối với môn Văn, các em thường có tâm lý học theo văn mẫu nhưng rất khó vì kiến thức rộng. Có nhiều em cho rằng văn không cần học vì có thể "chém gió”. Tuy nhiên khi các em phân tích thơ nếu không nắm được nghệ thuật chỉ diễn xuôi rất khó có điểm. Do đó “chém gió” cũng phải có cơ sở khoa học, phải có kiến thức nền tảng.

Với môn Văn, để làm tốt, HS phải nắm kiến thức cơ bản, nắm chủ đề, nắm vững phương pháp và có kỹ năng đọc hiểu vấn đề. Phần đọc hiểu của môn Văn rất dễ lấy điểm nếu đọc kỹ ngữ liệu, xem kỹ câu hỏi và nắm rõ cách làm từng dạng. Phần nghị luận xã hội phải làm đúng tiến trình các bước.

Bí quyết để đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi vào lớp 10 - 3

Một giờ học văn của cô trò Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh. Ảnh: NQ

“Riêng phần nghị luận văn học, tôi luôn khuyên học trò không nên làm đề 2. Đề 2 nhìn qua sẽ thấy dễ vì không cần học bài, tuy nhiên đề 2 phần lý luận văn học khá nhiều, chỉ dành cho HS khá, giỏi” - bà Minh nói và cho biết đối với môn Văn, các em cần phân bố thời gian hợp lý. Cụ thể, phần đọc hiểu dành 15-20 phút, phần nghị luận xã hội dành 30 phút, thời gian còn lại là dành cho nghị luận văn học.

Tránh học tủ, học vẹt, đoán đề

Nội dung kiến thức trong đề thi vào lớp 10 năm 2024 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở khối lớp 9.

Cấu trúc đề thi vào lớp 10 từng môn đã được Sở GD&ĐT công bố từ sớm để các trường THCS và giáo viên có hướng giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh. Do đó, đề có thể ra vào bất cứ phần nội dung kiến thức nào mà các em đã học, đặc biệt là kiến thức khối lớp 9. Việc học tủ, học vẹt sẽ khiến các em gặp khó khi làm bài thi vào lớp 10.

Ở môn ngữ Văn, trong quá trình ôn tập, nhiều em thường dùng phương pháp loại trừ các tác phẩm đã ra trong đề thi những năm trước đó để đỡ mất nhiều thời gian ôn tập. Tuy nhiên, việc một tác phẩm đã ra các năm trước không có nghĩa là không được đề cập đến trong năm nay.

Đồng thời, môn ngữ Văn thường đòi hỏi liên hệ với các tác phẩm khác có chung chủ đề, do đó việc học theo phương pháp loại trừ sẽ khiến các em có thể thiếu tư liệu để bài viết phong phú.

Để làm bài thi vào lớp 10 đạt điểm cao không thể nhờ vào may rủi từ việc học tủ, học lệch mà trong quá trình ôn tập các em phải có chiến lược ôn tập hiệu quả và nghiêm túc ở từng môn thi.

Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, điểm số môn Toán sẽ nhân đôi. Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội chia sẻ bí kíp, khoảng thời gian ngắn còn lại, học sinh lập kế hoạch ôn tập từng ngày, dành nhiều thời gian luyện đề và có tâm lý vững vàng khi vào phòng thi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN QUYÊN ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN