Báo kết quả học tập của sinh viên về phụ huynh, điều nên làm?

Sự kiện: Giáo dục

- Mới đây, ĐH Công nghệ TP HCM nhắn tin kết quả học tập của sinh viên tới phụ huynh gây nhiều tranh luận trái chiều. Tuy nhiên đa số ý kiến đồng tình với cách làm này để sinh viên có ý thức hơn trong học tập, rèn luyện.

Hàng năm, có nhiều sinh viên bị cảnh báo học tập, đình chỉ học song không phải gia đình nào cũng biết. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Q.Anh)

Hàng năm, có nhiều sinh viên bị cảnh báo học tập, đình chỉ học song không phải gia đình nào cũng biết. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Q.Anh)

Bỗng dưng bị… "mắng oan"

Hàng năm, không ít người tỏ ra ngán ngẩm trước thông tin một trường đại học nào đó có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên thuộc diện bị cảnh cáo, đình chỉ, thậm chí là buộc thôi học. Mới đây, ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech) đã tổ chức nhắn tin thông báo kết quả học tập của sinh viên cho phụ huynh. Điều đáng nói, ngoài việc nhắn kết quả học tập như học sinh phổ thông, điểm của sinh viên mà phụ huynh nhận được cũng rất "lạ", bởi hầu hết đều có mức 2, 3 điểm. Đây quả thực là tin "sốc" đối với phụ huynh. Trên diễn đàn của nhà trường, nhiều sinh viên liên tục đăng tải câu chuyện của mình khi bị phụ huynh la mắng với kết quả học tập được cho là rất thấp.

Theo giải thích từ phía nhà trường, trước đây trường thông báo điểm của sinh viên qua ứng dụng e-Hutech. Tuy nhiên ứng dụng trên điện thoại gây khó khăn cho không ít phụ huynh. Vì vậy, nhà trường gửi điểm của sinh viên qua tin nhắn sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Việc thông báo kết quả học tập của sinh viên nhằm mục đích giúp phụ huynh kịp thời nắm được tình hình học tập của con em mình, từ đó đồng hành cùng con trong chặng đường học đại học. Điểm số của sinh viên được tính về hệ số 4 nên nhiều phụ huynh nghĩ rằng đây là mức điểm thấp. Hiện nhà trường đã có thông báo giải thích về cách tính điểm này. Dự kiến, trường sẽ tiếp tục thông báo kết quả vào cuối mỗi học kỳ.

Sau việc thông báo điểm của ĐH Công nghệ TP HCM, nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội đã đưa ra. Một số ý kiến cho rằng sinh viên lớn rồi, nên tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập. Tuy nhiên, ý kiến khác lại ủng hộ cách làm này. "Với sinh viên nghiêm túc, việc báo điểm tới phụ huynh cũng không vấn đề gì. Chỉ những bạn hay bỏ học, bị cấm thi, hay thi không đạt mới lo phụ huynh biết. Thực tế, đã có nhiều bạn bỏ học cả năm, nhưng phụ huynh ở xa không hề hay biết. Nên nếu có kết nối giữa nhà trường và phụ huynh cũng là điều tốt", Mỹ Hạnh, sinh viên ĐH Phương Đông chia sẻ.

Có con đang học đại học, phụ huynh Nguyễn Văn Nam (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi thường xuyên hỏi con về chuyện học tập như một sự chia sẻ, động viên con. Môn nào tốt thì phát huy, môn nào chưa tốt cần cố gắng hơn nữa. Nên việc nhận được thông báo tình học tập của con tại trường đại học cũng là điều cần thiết, các trường nên có kênh trao đổi riêng. Ví dụ, nhà trường có thể công khai điểm số trên website nhà trường, gửi email hoặc tin nhắn đều được. Nếu nhận được thông báo như vậy tôi hết sức ủng hộ. Giáo dục sinh viên cũng cần sự chung tay giữa gia đình và nhà trường".

Nhiều sinh viên còn mải chơi, bị đuổi học

Chỉ ra một thực tế hiện nay có nhiều sinh viên sau khi trúng tuyển vào đại học có tâm lý xả hơi, mải chơi không lo đến việc học, PGS.TS Trần Văn Tớp (Hiệu phó Trường ĐH Bách Khoa) cho biết, thời gian học phổ thông có sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô, nhiều học sinh rất ngoan và chăm học. Đến lúc vào đại học, tự lập là chủ yếu, nhất là những em xa gia đình rất dễ mất phương hướng và nảy sinh tâm lý mải chơi sau 12 năm học phổ thông. Trong khi đó, kiến thức ở đại học là rất khác, đòi hỏi sinh viên phải thật nỗ lực mới theo kịp chương trình. Mải chơi, xả hơi đó là thực tế buồn của một bộ phận sinh viên hiện nay.

Tuy ĐH Bách Khoa chưa thực hiện nhắn tin báo điểm cho phụ huynh, song theo PGS.TS Trần Văn Tớp: "Hàng năm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng có một lượng nhất định sinh viên bị đình chỉ học tập, có những sinh viên "tốt nghiệp sớm" (bị đuổi học). Mặc dù, nhà trường luôn có các hình thức nhắc nhở sinh viên thông qua các hoạt động đoàn, câu lạc bộ… Ngoài ra, có thêm đội ngũ cố vấn học tập, cán bộ quản lý lớp, giảng viên tư vấn cho sinh viên. Thực tế, có rất nhiều em vào đại học nhưng không tốt nghiệp được. Việc này rất buồn cho bản thân sinh viên và gia đình".

Ủng hộ những cách quản lý chặt sinh viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Hiện nay, có một bộ phận sinh viên mải chơi, sống buông thả, kết quả học tập kém. Do đó, nhà trường cần phải làm nghiêm, quản lý chặt chẽ đối với sinh viên, có các hình thức kỷ luật với các sinh viên vi phạm như: Bỏ học, sa đà vào tệ nạn… Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh giáo dục, lôi cuốn học tập với các em, làm sao để các em cảm thấy học tập là con đường để hoàn thiện bản thân, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, các trường cũng cần giữ các kênh liên lạc với phụ huynh trong giáo dục sinh viên".

Hàng năm, câu chuyện một trường đại học có hàng trăm sinh viên có tên trong danh sách cảnh cáo, đình chỉ học tập, thậm chí buộc thôi học khiến nhiều người ngán ngẩm về ý thức học tập. Sống xa gia đình, chịu sự tác động của mặt trái xã hội như sống buông thả, nghiện game, vướng vào tệ nạn xã hội… không ít sinh viên bị đuổi học hàng năm trời, thậm chí mấy năm nhưng gia đình không hề hay biết hàng tháng vẫn chu cấp tiền đầy đủ. Bởi vậy, cách làm của Trường ĐH Công nghệ TP HCM có phần rất "lạ", song điều này hoàn toàn bình thường vì mục đích để sinh viên nghiêm túc hơn trong học tập.

Theo ĐH Công nghệ TP.HCM, kết quả học tập mà nhà trường gửi cho phụ huynh vừa qua là kết quả học kỳ 2 năm học 2018 - 2019 của các sinh viên, do tính theo thang điểm 4 nên mới có nhiều sinh viên được cho là điểm thấp theo cách hiểu của phụ huynh. Trường cũng đã thông báo cách tính điểm, quy đổi điểm và xếp loại trên các kênh thông tin của nhà trường. Các mức điểm như sau: Từ 3,60 -> 4,00: Xuất sắc; Từ 3,20 -> 3,59: Giỏi; Từ 2,50 -> 3,19: Khá; Từ 2,00 -> 2,49: Trung bình. Những bạn dưới 2.0 là thuộc diện "không an toàn" vì chưa đạt điểm cần thiết để xét tốt nghiệp.

Tại sao nhiều quốc gia vẫn thi trắc nghiệm trên giấy?

Trong khi Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng hình thức thi THPT Quốc gia trên máy tính, tại nhiều quốc gia giáo dục phát triển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN