4 kiểu bắt nạt mà mọi trẻ em đều gặp phải trong quãng đời đi học
Dưới đây là các mẹo đối phó với 4 loại bắt nạt phổ biến trong quãng đời đi học
Bị bắt nạt ở trường học là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Vậy phải làm thế nào để trường học thực sự là nơi an toàn cho các em? Dưới đây là các mẹo đối phó với 4 loại bắt nạt phổ biến.
1. Bắt nạt bằng lời nói
Đây là hình thức sử dụng những lời nói mang tính tàn nhẫn, xúc phạm, đe dọa hay thiếu tôn trọng, thường nhắm vào ngoại hình, tôn giáo, sắc tộc, khuynh hướng tình dục hay khiếm khuyết trên cơ thể. Ví dụ khi một đứa trẻ nói với người bạn khác rằng: "Bạn thực sự rất béo và mẹ của bạn cũng vậy", đứa trẻ ấy đã có hành vi bắt nạt bằng lời nói.
Dấu hiệu nhận biết trong trường hợp này là những đứa trẻ nạn nhân thường ủ rũ, muốn thay đổi môi trường học tập. Cách tốt nhất bố mẹ nên làm là khuyến khích sự tự tin, độc lập ở trẻ và sẵn sàng hành động khi cần. Hãy dạy cho con cách dùng những cụm từ để đối phó với người bắt nạt, chẳng hạn "Điều đó không hay đâu", "Hãy để tôi một mình"...
Bắt nạt bằng lời nói cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị bắt nạt ở trường học
2. Bắt nạt về thể chất
Một đứa trẻ bị bắt tụt quần giữa sân chơi trong giờ ăn trưa là một ví dụ cho hình thức này. Nhìn chung, kiểu bắt nạt về thể chất có liên quan tới sự hăm dọa, tới một hành động cụ thể như đánh, đá, xô đẩy, chạm hay có những tác động không mong muốn và không thích hợp tới thân thể.
Thông thường, những đứa trẻ bị bắt nạt dưới hình thức này sẽ không dám nói với cha mẹ. Vì vậy, hãy theo dõi các dấu hiệu như những vết cắt, vết trầy xước, bầm tím không rõ nguyên nhân, quần áo bị mất hoặc hư hỏng, con thường xuyên bị đau đầu hay đau bụng...
Nếu bạn nghi ngờ con bị bạo lực thể chất, hãy trò chuyện với con một cách bình thường, cởi mở, hỏi chúng những gì xảy ra ở trường, trong giờ ăn trưa, giờ giải lao hoặc trên đường về nhà. Đừng liên lạc với phụ huynh của trẻ bắt nạt để giải quyết vấn đề một mình. Nếu con tiếp tục bị tổn thương về mặt thể chất và bạn cần hỗ trợ thêm ngoài trường học, hãy liên hệ với cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục kịp thời.
3. Bắt nạt liên quan đến các mối quan hệ
Con bạn có thể bị ai đó cố ý ngăn cản tham gia vào một nhóm, tẩy chay, không cho chơi trò chơi, thể thao, hoạt động xã hội, ăn trưa cùng...
Nếu rơi vào trường hợp này, con thường có những thay đổi về mặt cảm xúc, tâm trạng, rút lui khỏi nhóm nào đó, trở nên đơn độc hơn bình thường.
Để giúp con, bạn nên tạo thói quen nói chuyện với chúng mỗi tối. Hãy giúp con tìm thấy những thứ khiến chúng hạnh phúc, chỉ ra những phẩm chất tích cực và giúp con biết rằng vẫn có những người luôn yêu thương và quan tâm chúng. Bên cạnh đó, bạn nên tập trung phát triển tài năng và sở thích của con để con xây dựng các mối quan hệ bên ngoài trường học.
4. Bắt nạt online
Con bị bắt nạt trên mạng, bị đe dọa bằng cách truyền bá những từ ngữ, lời nói dối, sai sự thật thông qua email, tin nhắn văn bản và các bài đăng trên mạng xã hội. Để nhận biết con có bị bắt nạt theo hình thức này không, bạn nên để ý xem con có dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hay các tin nhắn hơn, nhưng sau đó thường buồn và lo lắng không.
Các thông điệp mang tính đe dọa, bắt nạt lan truyền dưới dạng ẩn danh và rất nhanh chóng dẫn đến việc con có thể bị tổn thương. Vì vậy, trước tiên hãy thiết lập các quy tắc về an toàn trên Internet cho cả gia đình với những điểm lưu ý về giới hạn thời gian thích hợp cho từng độ tuổi. Bạn cũng nên tìm hiểu các trang web, ứng dụng, thiết bị kỹ thuật số trước khi cho con sử dụng.
Hãy cho trẻ biết nếu gặp phải những đe dọa, không nên trả lời hoặc chuyển tiếp tin nhắn, email, bài đăng đó. Thay vào đó, trẻ nên thông báo để bạn có thể in ra những bài viết vi phạm với thời gian rõ ràng. Bạn nên báo cáo những đe dọa con gặp phải với trường học và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Nếu tiếp tục bị đe dọa, hãy liên hệ với cơ quan chức năng.