4 điều cha mẹ cần làm để đồng hành cùng con trong mùa thi

Theo các chuyên gia, mùa thi là thời điểm cam go nhất của học sinh. Đây là thời điểm mà các em rất cần đến sự quan tâm của bố mẹ. Bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách yêu thương và quan tâm một cách đúng đắn đến những đứa con thân yêu của mình.

4 điều cha mẹ cần làm để đồng hành cùng con trong mùa thi - 1

Ngoài chế độ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng thì cha mẹ cũng cần tạo nên những bữa cơm gia đình vui vẻ để giúp trẻ bớt căng thẳng khi học thi. Ảnh: T.G

Yêu con đến tận xương tủy

Theo các chuyên gia, một vấn đề mà trẻ thường gặp phải do áp lực thi cử đó là tình trạng căng thẳng lo âu dẫn đến stress, trầm cảm. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM trong nhiều tình huống gây nên tình trạng căng thẳng, stress ở các em học sinh cấp 2, cấp 3 thì tình huống thường gặp nhất là trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ hoặc thầy cô, bạn bè chửi mắng, đánh đập, bị bạn từ chối chơi. Ngoài ra tình trạng căng thẳng ở trẻ cũng bị gây ra bởi những nguyên nhân khác như: Không được ăn mặc theo sở thích, thấy sự thay đổi trong cơ thể ở tuổi dậy thì, do thấp hơn các bạn đồng trang lứa, không hợp với thầy cô giáo, quá cân nặng so với bạn, đổi nhà, đổi trường...

Vấn đề áp lực học tập, nhất là áp lực trong mùa thi cử thường dễ gây nên tình trạng lo âu căng thẳng, thậm chí có những trường hợp nặng đã dẫn đến bệnh trầm cảm.

Để trở thành người đồng hành của con trong thời khắc cam go của mùa thi cử thì trước hết các bậc cha mẹ cần phải lưu tâm để ý đến con mình, không nên lơ là. Không nên tạo áp lực cho con nhưng cũng không nên bỏ bê việc học của con. Cho con hiểu, bố mẹ luôn yêu con, bất kể xảy ra chuyện gì. Việc học là trách nhiệm của con nhưng nó cũng là niềm vui hoặc ngược lại là nỗi buồn nếu con không cố gắng hết sức mình.

Nếu thấy con có dấu hiệu của stress hay căng thẳng vì việc học, bố mẹ phải là người buông xả ý muốn con phải trở thành học sinh giỏi như: “Con phải học để thi cho tốt”, “con không học thì sẽ không được học sinh giỏi”…

Theo các chuyên gia, một khi trẻ đã có dấu hiệu bị áp lực rồi thì bố mẹ không nên tạo thêm áp lực cho con. Điều quan trọng lúc này là hãy giúp con bình tâm trở lại. Buông xả hết mọi lo lắng bằng cách hướng dẫn con tập thở, nhận ra được hơi thở và tập theo dõi chúng mỗi ngày, ở mọi lúc mọi nơi. Tăng thời gian chú tâm đến hơi thở từ 1 phút, 5 phút lên 15, 30 phút theo khả năng của con trẻ. Làm được như vậy, trẻ sẽ buông xả được những lo lắng của mình. Đây là một hình thức thiền trong đời sống, rất tốt cho sức khỏe thể chất và tâm trí của con người.

Trước giờ đi ngủ, bố mẹ nên trao cho con những tình cảm yêu thương bằng một món ăn nhẹ mà con yêu thích, mang lại cho con nụ cười để con có một giấc ngủ sâu nhờ sự bình an về nội tâm. Nếu có thể hát một bài hát nhẹ nhàng, một bản nhạc êm ái hoặc tụng một thời kinh nếu gia đình theo thiên chúa giáo hoặc Phật giáo. Cũng có thể cùng con ngồi thiền theo dõi hơi thở. Hoặc đơn giản hơn là cùng con tập thở theo phương pháp của yoga trong vòng 10 - 15 phút. Những phương pháp này sẽ giúp con bạn có được giấc ngủ sâu, rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bốn điều cha mẹ cần làm cho con trong mùa thi cử

1. Hiểu con

Để đồng hành cùng con trong mùa thi cử vất vả, nhọc nhằn, theo các chuyên gia tâm lý, trước hết cha mẹ cần phải thấu hiểu con mình. Bên cạnh việc thấu hiểu nỗi vất vả học hành của con, cha mẹ cần phải biết rõ khả năng học tập của con mình. Tôn trọng khả năng của con và không áp đặt mong ước của mình lên con trẻ.

2. Chăm sóc sức khỏe của con bằng chế độ ăn uống đảm bảo đủ dưỡng chất, hợp khẩu vị để con ăn ngon miệng

Chế độ ăn đảm bảo đủ dưỡng chất, con bạn khỏe mạnh thì tâm trí cũng sẽ trở nên minh mẫn hơn. Ngoài chế độ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng thì cha mẹ cũng cần tạo nên những bữa cơm gia đình vui vẻ. Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra niềm vui, sự tự tin và tinh thần lạc quan tuyệt vời cho bất cứ đứa trẻ nào. Bữa cơm gia đình chính là nơi gắn kết gia đình và tạo nên không khí hạnh phúc đó.

3. Giúp con lên “thời khóa biểu” cho việc ôn luyện

Thường thì trẻ ở đầu cấp THCS, đa số các em còn thiếu kinh nghiệm để lên kế hoạch ôn tập một cách khoa học. Ôn luyện là phải củng cố kiến thức. Bố mẹ nên xem đề cương của con. Phân loại có bao nhiêu dạng bài tập. Từ đó phân chia thời gian và thời lượng bài phải học bằng một thời khóa biểu rõ ràng. Ví dụ, với một đề cương của 9 môn thi được phát trước thời gian thi một tuần , bố mẹ có thể lên thời khóa biểu mỗi ngày con phải hoàn thành được một môn học. Riêng hai ngày nghỉ cuối tuần cần phải hoàn thành 4 môn. Sáng học gì, chiều học gì, tối học gì. Tốt nhất việc làm đề cương nên hoàn thành trước ngày thi. Vì như vậy khi đến kỳ thi, trước mỗi môn thi, học sinh sẽ có thời gian ôn lại bài một lần nữa.

Muốn con có điểm tốt, bố mẹ nên ngồi “ôn bài” cùng con. Với những môn buộc phải học thuộc như: Sử, Địa…, bố mẹ sẽ kiểm tra bài của con bằng cách giữ câu hỏi đề cương và đáp án để đối chiếu xem con đã thực sự thuộc bài chưa.

Việc học thuộc bằng cách học vẹt thường sẽ làm cho trẻ dễ quên hoặc nhầm lẫn. Vì thế, dù là các môn học thuộc, trẻ cũng phải hiểu một cách sâu sắc bài học của mình. Ví dụ, một bài học lịch sử về trận chiến trên sông Bạch Đằng chẳng hạn, bố mẹ nên hỏi con “Quân Nam Hán là quân nào?”, “Quảng Châu” ở đâu? Hoàng Châu ở đâu? Nếu con không biết thì cha mẹ phải giải thích rõ. Nhờ sự giải thích này, con sẽ thực sự hiểu bài. Một khi đã hiểu bài thì việc quên kiến thức thường không xảy ra.

4. Bố trí thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý:

Ngồi với con, tìm ra phương pháp học phù hợp, có hiệu quả: Có đứa thích học sáng sớm. Có đứa khuya học mới vào thì buổi trưa cần khuyến khích con ngủ thêm để đảm bảo sức khỏe. Tiềm năng giờ nào con tiếp thu tốt nhất thì nên tôn trọng con, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để con được học vào giờ đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Khánh (Gia đình & Xã hội)
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN