3 chị em Raglai mồ côi nuôi nhau

Sự kiện: Ninh Thuận

Đôi mắt của ba chị em Tiên buồn đến nao lòng vì phận mồ côi đã hẩm hiu, còn gánh thêm bệnh tật.

Cô giáo Võ Thị Hiền (Trường Tiểu học Ninh Quý, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đưa khách đến thăm học trò của cô là em Mang Thị Tiên, dân tộc Raglai, ở thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Cô xúc động nói: “Học trò cũng nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng cảnh nhà bé Tiên ngặt nghèo ngoài sức tưởng tượng. Nếu không có sự chia sẻ, không biết các em sẽ sống thế nào”.

Mang Thị Tiên là con út trong gia đình, năm nay em học lớp 4B. Em có gương mặt rất sáng sủa và em cũng là đứa trẻ duy nhất trong gia đình không phát bệnh. Những căn bệnh quái ác đã dồn đẩy gia đình em vào bước đường cùng.

Chị lớn của Tiên là Mang Thị Huệ (sinh năm 1996) bị bệnh câm điếc bẩm sinh, không ai dám mướn đi làm. Chị kế Tiên là Mang Văn Ngọc (sinh năm 1999) bị bệnh bướu cổ hay gây đau sốt nhưng cô gái này là trụ cột trong nhà với trách nhiệm đi làm mướn nuôi chị nuôi em.

3 chị em Raglai mồ côi nuôi nhau - 1

Em Mang Thị Tiên, chị gái Mang Thị Ngọc (phải) và chị gái Mang Thị Huệ (trái) trước căn nhà do Nhà nước cấp. Ảnh: SƠN NGỌC

Căn bệnh bướu cổ của chị gái Tiên có lẽ bị di truyền từ mẹ. Cách đây tám tháng, mẹ của em qua đời vì bệnh bướu cổ ác tính. Cha của em đã mất từ năm 2012 cũng vì bệnh tật hiểm nghèo. May mà mấy chị em còn có căn nhà cấp bốn do Nhà nước hỗ trợ xây tặng theo Chương trình 134 của Chính phủ.

Ngọc mới đi phơi bánh tráng về. Ngồi ở hiên nhà, Ngọc buồn bã nói: “Em đi phơi bánh tráng được 100.000 đồng/ngày. Hôm nào bướu gây đau thì em ở nhà. Em sợ mình ra đi theo mẹ thì không có ai nuôi chị nuôi em”…

Nỗi lo sợ của Ngọc cũng là nỗi lo của họ hàng các em và người trong làng. Nhưng cũng không ai giúp được vì họ đều rất nghèo. Dì ruột của các em cho biết: “Cháu Ngọc bị bệnh nhưng vẫn lo đi làm mướn để có tiền mua gạo. Hôm nào có đoàn từ thiện đến cho gạo thì mấy chị em đỡ khổ hơn chút”.

Ngọc đi làm thuê, dành dụm, dè sẻn mua được một chiếc xe đạp cho Tiên đi học. Tiên học khá giỏi và có thành tích trong thể dục thể thao. Các thầy cô ở trường thường xuyên hỏi han, động viên, tặng sách vở và quần áo cho Tiên. Nhưng các thầy cô vẫn lo lắng, sợ rằng khi cái khó vượt quá ngưỡng, học trò của mình không vượt nổi. Tiên lí nhí nói với cô giáo: “Em muốn được đi học, sau này có việc làm nuôi hai chị”.

Mong được tiếp sức!

Nhà báo Sơn Ngọc (PV báo Ninh Thuận) là người đầu tiên tìm hiểu, viết về hoàn cảnh của chị em Tiên trên báo địa phương, đã không cầm được nước mắt khi biết có thêm nhiều người tiếp sức hỗ trợ các em. Anh cho biết: “Khi gặp chị em Tiên, lòng tôi trĩu nặng. Giờ thì tôi cảm thấy nhẹ nhõm được một chút. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người hỗ trợ cho các em. Hoàn cảnh của mấy em quả thực rất ngặt nghèo”.

Hoàn cảnh của ba chị em Mang Thị Tiên đã được một nhà báo của báo Pháp Luật TP.HCM đăng thông tin trên trang cá nhân của mình. Sau đó, một số nhà hảo tâm đã liên hệ với báo Pháp Luật TP.HCM đề nghị giúp đỡ ba chị em Tiên. Một cô giáo đã hỗ trợ 5 triệu đồng để ba chị em Tiên ăn tết. Một doanh nghiệp cho biết sẽ hỗ trợ cặp bò để chị em Tiên nuôi làm vốn. Một mạnh thường quân bày tỏ sẽ hỗ trợ chi phí điều trị bệnh bướu cổ cho Mang Thị Ngọc. Một số nhà hảo tâm khác hỗ trợ tiền mặt…

Bạn đọc giúp đỡ Mang Thị Tiên xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp em Mang Thị Tiên”).

___________________________

Lúc nào có đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà cho người nghèo thì ban quản lý thôn đưa danh sách gia đình cháu Tiên vào diện ưu tiên. Hoàn cảnh khó khăn như nhà cháu Tiên là rất đặc biệt. Tôi mong nhất là có nhà hảo tâm giúp cháu Ngọc chữa bệnh và giúp cháu Tiên đi học.

Ông NGUYỄN VĂN BÌNH, Trưởng ban quản lý thôn Ninh Quý 2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG MINH (Pháp luật TP.HCM)
Ninh Thuận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN