29,25 điểm vẫn trượt, vì sao?

Sự kiện: Giáo dục

Hôm qua, 31/7, đa số các trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Ghi nhận cho thấy, điểm chuẩn của hầu hết các trường cả top trên lẫn top giữa đều dâng rất cao. Với các trường top trên, liên tục các kỷ lục được thiết lập, nhiều ngành tuyển mức 29-30 điểm mà vẫn vượt chỉ tiêu. Vì sao?

29,25 điểm vẫn trượt, vì sao? - 1

Điểm chuẩn cao nên nhiều thí sinh 29- 30 điểm vẫn rớt đại học ngành y đa khoa và khối trường công an, quân đội.

Học sinh Hà Nội: Chỉ đỗ khi được tuyển thẳng

Hôm qua, sau khi trường ĐH Y Hà Nội công bố điểm trúng tuyển, một  thí sinh của Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của mình với báo chí. Thí sinh này cho biết số điểm của em Toán 9,4,  Hóa 9,75,  Sinh 10 và em ở khu vực 3 không có điểm cộng thì điểm xét tuyển sẽ là 29,25 nhưng điểm chưa làm tròn là 29,15.

Điểm chuẩn ngành Y đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội  là 29,25 kèm theo tiêu chí phụ gồm 4 ưu tiên, trong đó ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2.  “Chính vì tiêu chí phụ này mà em đã thiếu 0,05 điểm để gục ngã trước cánh cổng thiên đường là một điều quá sức chịu đựng với em, nhất là khi em là thí sinh thi lại đại học” – thí sinh này tâm sự.

Nhưng điều thí sinh bức xúc không phải vì điểm cộng cao mà vì trường ĐH Y Hà Nội trong tiêu chí phụ ưu tiên 1 cũng có tính cả điểm cộng. Thí sinh này cho biết thêm đợt đăng ký đầu tiên, em đăng kí vào quân y hệ quân sự. Nhưng vì tình yêu, ước mơ với Y Hà Nội mà em đã cãi cha mẹ bằng được để bỏ nguyện vọng quân y hệ quân sự theo y đa khoa của ĐH Y Hà Nội.

Thực tế, lần đầu tiên, điểm chuẩn trường ĐH Y Hà Nội lên 29,25 điểm. Không những thế, những thí sinh ở cùng mức điểm này còn phải qua bốn tiêu chí phụ: điểm chưa làm tròn, điểm môn Toán, điểm môn Sinh, nguyện vọng ưu tiên. Nhưng vậy, cùng đạt 29,25 điểm nhưng có thí sinh sẽ trượt và có thí sinh sẽ đỗ.

Lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cũng thừa nhận chưa năm nào điểm chuẩn lại cao như năm nay. Nếu không dùng đến tiêu chí phụ thì trường không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, hằng năm, phần lớn những thí sinh trúng tuyển vào trường, nhất là ngành Y đa khoa đều là những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Số thí sinh thuộc khu vực 3 rất ít. Nhưng trường không thể làm khác vì đó là quy chế từ xưa đến nay của Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, khối trường công an, quân đội (hai khối trường được coi là hot nhất hiện nay), điểm trúng tuyển  có ngành lên đến 30,25/30 điểm hoặc 30,5/30 điểm. Tức là thí sinh đạt điểm tuyệt đối nếu ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) sẽ không có cơ hội đỗ vào những ngành này dù có đạt điểm tuyệt đối.

Trong khi đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Hà Nội có duy nhất hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối và đều không thuộc khu vực 3. Chính vì vậy, để có cơ hội học những ngành tuyển tới trên 30 điểm của năm nay, những thí sinh ở khu vực 3 chỉ có một con đường là tuyển thẳng. Đó là đoạt giải quốc gia hoặc giải quốc tế theo đúng môn mà trường yêu cầu.

Điểm chuẩn trường tốp dưới cũng tăng cao

Tại khu vực miền Nam, tăng mạnh nhất có thể kể đến các trường tốp dưới với mức tăng một  số ngành từ 5- 6 điểm. Cụ thể, trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhiều năm qua đa phần lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn thì năm nay điểm nhiều ngành bắt đầu tăng, đặc biệt, ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có điểm chuẩn cao nhất là 21 điểm (tăng hơn năm ngoái tới 6 điểm).

Trường đại học Công nghệ TPHCM cũng có điểm trúng tuyển tăng cao khi ngành Marketing tăng 5,5 điểm so với năm 2016 từ mức 15,5 lên 21 điểm. Tất cả các ngành còn lại đều có mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định (điểm sàn) từ 0,5 – 3 điểm, và hầu hết đều tăng so với điểm chuẩn năm 2016.

Ở tốp tiếp theo là các trường Đại học Mở TPHCM, Tài chính Marketing, Nông Lâm TPHCM, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Ngân hàng TPHCM, Kinh tế- Luật, Giao thông vận tải… đều có mức tăng từ 1- 3 điểm. Mức điểm đa phần tập trung từ 21- 24 điểm.

Cao do cách tuyển kiểu “lọt sàng xuống nia”?

Đánh giá về tuyển sinh năm nay, ông  Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi cho biết, bức tranh năm nay phân thành hai hướng rất rõ rệt. Đó là biên độ khoảng cách giữa các trường top trên và các trường top giữa khá rộng. Các trường top trên điểm năm nay rất cao còn các trường top giữa, điểm chuẩn không biến động nhiều so với năm 2016.

“Nguyên nhân là do cách tuyển sinh năm nay. Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất đã tạo điều kiện cho các thí sinh điểm cao tập trung vào các trường top trên. Chính vì vậy, điểm của họ năm nay rất cao” – ông Tuấn Anh phân tích. Cũng theo ông Tuấn Anh, nếu Bộ quy định có phân biệt nguyện vọng trong xét tuyển của các trường thì bức tranh sẽ khác.

“Ví dụ, nguyện vọng 2 phải hơn nguyện vọng 1 bao nhiêu điểm, nguyện vọng 3 sẽ phải hơn nguyện vọng 2, nguyện vọng 1 số điểm như thế nào. Như thế, biên độ giữa các trường sẽ không rộng như hiện nay. Và thí sinh sẽ thực sự cân nhắc nguyện vọng để xét tuyển. Cách xét tuyển như hiện nay đúng theo kiểu lọt sàng xuống nia” – ông Tuấn Anh cho hay.

Hướng thứ hai là điểm chuẩn trong chính các trường top trên so với năm 2016 cũng tăng lên cao. Điều này phần nào do cách tuyển sinh nhưng cũng phần nào cho thấy mức độ phân hóa của đề thi chưa cao. Chưa có phân định rõ ràng giữa thí sinh khá giỏi và thí sinh giỏi.

Ông Cao Quốc An, trưởng phòng đào tạo ĐH Lâm nghiệp cho   biết điểm thi quốc gia năm nay cao hơn năm trước.  Lọc ảo của năm nay cũng tốt hơn năm trước nên điểm chuẩn chuẩn xác hơn.

“Năm nay, điểm trung bình không quá cao so với năm 2016, điểm sàn cao hơn năm trước 0,5 điểm. Nhưng phổ điểm từ 20 điểm trở lên lại cao vọt, số lượng thí sinh đạt mức điểm này cũng rất đông. Chính vì vậy, điểm chuẩn các trường top trên dâng lên” – ông An chia sẻ.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, trường ĐH FPT cho hay trong số 860 ngàn thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 điểm là 13 em (khối A - Toán Lý Hóa: 3 em, khối B - Toán Hóa Sinh: 10 em, các khối khác không có em nào). Điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên: theo khu vực, theo đối tượng. Điểm ưu tiên từ 0,5 đến 2,5 điểm.

“Lẽ ra các trường phải áp dụng phương thức đã ghi trong quy chế là “Mức chênh lệch điểm trúng tuyển” (điều 7.5, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy ban hành theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017), công bố chuẩn cho điểm chưa cộng ưu tiên, và với thí sinh được ưu tiên thì lấy thấp hơn theo mức chênh lệch,  thì lại “ngộ quá” công bố điểm trúng tuyển là 30,25 và 30,50...Tất nhiên cũng “ngộ quá” khi lấy điểm chuẩn 30 mà vẫn vượt chỉ tiêu” – ông Tùng nói.

Cần giảm và tiến tới xóa bỏ điểm ưu tiên

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM cho rằng, việc nhiều thí sinh 29- 30 điểm vẫn rớt đại học là điều vô lý. Ông Độ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các thí sinh năm nay 29- 30 điểm vẫn rớt đại học vào ngành mình yêu thích như y đa khoa hay khối ngành công an, quân đội.

“Thứ nhất là đề thi năm nay tương đối dễ so với mọi năm, hầu hết các môn đều trắc nghiệm nên dẫn đến nhiều thí sinh điểm cao. Thứ hai là do điểm ưu tiên hiện nay vẫn còn quá lớn, mức điểm này có khi chênh nhau đến 3 điểm.

Thử hình dung 1 thí sinh dự thi được 27 điểm và được cộng 3 điểm ưu tiên so với 1 thí sinh thi được 29 điểm không có điểm ưu tiên thì sẽ như thế nào khi ngành y đa khoa lấy điểm trúng tuyển là 29,25?”, ông Độ phân tích.

Từ đó, ông Độ kiến nghị tăng mức độ câu hỏi khó và cực khó lên nhiều hơn trong đề thi, đồng thời tiến dần đến xóa bỏ điểm ưu tiên hoặc giảm điểm ưu tiên xuống chỉ còn chênh nhau từ 0,5 - 1 điểm chứ không như hiện tại.

Điểm chuẩn đại học 2017 cao kỷ lục, 29,25 điểm vẫn trượt đại học

Mức điểm của thí sinh cao, điểm chuẩn đại học cao khiến thí sinh không khỏi xót xa khi đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN