15 phương pháp dạy trẻ mầm non cha mẹ cần tuân thủ
Theo các chuyên gia giáo dục mầm non, trẻ có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ nếu được dạy dỗ đúng lúc, đúng phương pháp.
Các chuyên gia mầm non hàng đầu tại Mỹ gồm Jennifer Zebooker (Trường mẫu giáo 92nd Street Y Nursery School - New York), Donna Jones (Trung tâm Trẻ em Schneider của Đại học Southern Oregon ở Ashland, Oregon), Kathy Buss (Hiệu trưởng trường Mẫu Giáo Weekday ở Morrisville, Pennsylvania) đã chia sẻ những “công thức bí mật” dưới đây:
1. Kỳ vọng nhiều hơn
Ở trường, các giáo viên thường để trẻ tự rót nước của mình vào bữa ăn nhẹ, tự cất đồ, tự treo áo khoác và thực tế là chúng làm được tất cả điều đó.
2. Không giúp nếu trẻ có thể tự làm
Có thể bạn làm việc này nhanh hơn và dễ dàng hơn nhưng điều đó không giúp con bạn tự giác hơn. “Bất cứ khi nào tôi cố gắng để yêu cầu con mặc quần áo, ngồi trên ghế trong bữa ăn,… tôi sẽ hỏi chúng: “Con có muốn mẹ giúp không hay con có thể tự làm một mình?” và con tôi luôn muốn tự làm những điều đó. “Những lời này giống như ma thuật vậy. Trẻ luôn muốn tự làm điều gì đó cho mình”, Donna Jones cho biết.
Để trẻ tự làm những công việc đơn giản là cách mà các giáo viên mầm non vẫn làm.
3. Đừng làm lại những gì trẻ đã làm
Nếu con của bạn gấp chăn màn, đừng yêu cầu chúng phải phẳng phiu. Nếu con bạn mặc quần áo có các đường sọc và chấm bi, hãy khen phong cách đặc biệt của chúng. “Nếu không thực sự cần thiết, đừng sửa chữa những gì con bạn hoàn thành. Trẻ sẽ chú ý và vô tình bị nản lòng”, Kathy Buss lưu ý.
4. Để trẻ tự giải quyết những vấn đề đơn giản
Nếu bạn thấy con đang cố gắng lắp ráp một món đồ chơi hoặc có thể lấy một cuốn sách ở trên giá, đừng nên vội chạy tới giúp. “Với điều kiện là chúng được an toàn, thì những lúc bạn không vội vàng và cho con một chút thời gian để giải quyết mọi thứ cho bản thân mình, đó là những khoảnh khắc hình thành tính cách,” Zebooker nói. “Thật tự nhiên khi muốn làm cho mọi thứ hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta làm thì trẻ sẽ mất đi cơ hội để trải nghiệm thành công.”
5. Giao việc vặt
Mục đích là giúp trẻ cảm thấy mình là một thành viên quan trọng, qua đó phát triển tự tin và ý thức năng lực của chúng. Một đứa trẻ được giao việc tưới nước cho cây hoặc sấy khô quần áo sẽ tin rằng mình cũng có thể tự mặc quần áo hoặc tự lấy đồ ăn cho mình..
6. Khen ngợi
Khen ngợi là điều rất cần thiết, đặc biệt là nếu trẻ đang trong giai đoạn bất hợp tác. Trẻ em luôn có xu hướng lặp lại các hành vi được chú ý.
Khen ngợi đúng lúc là điều rất cần thiết, khuyến khích trẻ lặp lại hành vi tốt trong những lần sau.
7. Phát triển những thói quen có thể dự đoán
Trẻ hợp tác ở trường bởi vì chúng biết những gì mong đợi chúng. Những đứa trẻ chủ yếu làm theo các thói quen giống nhau ngày này qua ngày khác, do đó, chúng nhanh chóng tìm hiểu những gì chúng có nghĩa vụ phải làm, và sau một thời gian hầu như không cần nhắc nhở nữa.
Xác định một vài thói quen và gán chúng cho trẻ như: phải rửa tay trước khi ăn, không kể chuyện cho đến khi trẻ đã mặc đồ ngủ.
8. Báo trước quá trình chuyển đổi
Nếu con làm ầm ĩ bất cứ khi nào bạn thông báo đến giờ để chuyển việc này sang việc khác như: tắt tivi, dừng chơi để đi ăn, trở về nhà… có nghĩa là bạn đã không cho bé đủ thời gian chuẩn bị thay đổi.
Ở trường, giáo viên sẽ thông báo cho trẻ biết khi nào sự chuyển tiếp sẽ diễn ra. Nếu bạn cần rời khỏi nhà lúc 8h30, hãy thông báo cho con bạn lúc 8:15 rằng bé còn năm phút nữa để chơi, hãy đếm thời gian để trẻ biết khi nào hết thời gian.
9. Sử dụng phần thưởng một cách sáng suốt
Nếu làm việc vì phần thưởng, bé sẽ không tìm hiểu lý do thực sự để làm mọi thứ. Cách tốt nhất là hãy trao phần thưởng cho những nỗ lực nhất định, chẳng hạn như tự đi vệ sinh, nhưng tránh tặng quà cho những công việc phải thực hiện hằng ngày như đánh răng.
10. Đưa ra những lựa chọn đã định sẵn
Ví dụ, nếu bé từ chối ngồi vào bàn ăn, bạn có thể đưa ra lựa chọn hoặc là ngồi vào bàn ăn cơm hoặc không ngồi và không được đi chơi. Lúc đầu, con bạn có thể không lựa chọn đúng nhưng lần sau bé sẽ thấy rằng sự lựa chọn sai lầm không đem lại những bé mong muốn.
11. Không nói “nếu”
Thay vì nói: “Nếu con cất bút màu của con đi, thì chúng ta có thể đi đến công viên”, hãy thử nói rằng: “Khi con cất hết bút màu của con đi rồi, chúng ta sẽ đi đến công viên”. Bé sẽ dễ dàng hợp tác với đề nghị này.
12. Khuyến khích làm việc theo nhóm
Nếu con bạn đang tranh giành một món đồ chơi , hãy tính thời gian trong 5 phút. Hãy nói với con bạn rằng bé sẽ có đồ chơi cho đến khi tiếng chuông trên điện thoại vang lên, và sau đó sẽ đến lượt của bé kia chơi.
13. Hãy để con giải quyết những cuộc cãi vã nhỏ
Thay vì vào cuộc và giải quyết các tranh chấp, cha mẹ hãy đứng lại và để cho chúng tự giải quyết (trừ khi chúng đang đánh nhau). Bạn không nên chọn cách luôn có mặt ở đó để cứu con mình.
Hãy để trẻ tự giải quyết những cuộc cãi vã nhỏ.
14. Yêu cầu trẻ sửa chữa sai lầm
Nếu bạn thấy con mình tô màu trên các bức tường, hãy yêu cầu bé giúp bạn làm sạch nó. Nếu bé phá hỏng tháp hình khối của một bạn cùng chơi, yêu cầu bé giúp xây lại nó. Nếu bé làm bẩn phòng hãy yêu cầu bé quét và dọn dẹp lại khu vực ấy.
15. Kỷ luật đúng lúc
Khi trẻ mắc lỗi, đừng bao giờ giờ nói câu: “Chờ đến khi chúng ta về nhà, mẹ sẽ … ” bởi lúc về tới nhà con bạn đã quên rắc rối rồi. Hãy kỉ luật đúng thời điểm hành vi ấy diễn ra để con có thể hiểu được vấn đề và trưởng thành hơn.
Có những lời khuyên mà bố mẹ tưởng sẽ tốt cho con nhưng trên thực tế lại gây phản tác dụng.