Tiết lộ những bí mật trong “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”
Cùng bật mí những điều chưa biết về bom tấn Tết 2016 "Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh".
Vì sao Sa Tăng có màu da xanh nước biển?
Nhiều khán giả khi xem bộ phim đều thắc mắc vì sao nhân vật Sa hòa thượng có nước da xanh khá giống nhân vật Ryze (The Rogue Mage) trong game trực tuyến Liên minh anh hùng. Liệu có phải chuyên gia tạo hình đã nhầm lẫn hay không?
Thực tế, theo nguyên tác của Ngô Thừa Ân miêu tả, ngoại hình của Sa Tăng “mặt màu chàm không lục không lam”. Chính sự khó khăn trong hiệu ứng hóa trang khiến nhiều phiên bản không thể tạo hình như nguyên tác, vì vậy trong bộ phim mới lần này đã cố gắng gần nhất.
Ngoài ra, nguyên tác còn miêu tả chi tiết như chuỗi vòng cổ 9 đầu lâu, thế nhưng đoàn phim đã cố ý lược bớt chi tiết này vì có phần kinh dị.
Nhân vật quốc vương Vân Hải Tây quốc
Nhân vật hư cấu mới mẻ này do nam ca sĩ kiêm diễn viên Phí Tường thể hiện. Dù vậy đoàn phim đã tham khảo từ nguyên tác để sáng tạo ra Quốc vương nước Vân Hải Tây cho phim.
Theo đó, sau khi Tôn Ngộ Không ba lần đánh Hoàng Bào quái và có hồi nhắc đến Bảo Tượng quốc, nơi thầy trò Đường Tăng đối mặt gã yêu quái đáng gờm trên. Như vậy, hình tượng quốc vương nước Vân Hải Tây được tham khảo từ nhân vật quốc vương Bảo Tượng quốc.
Trong khi phân cảnh Vân Hải Tây quốc vương nhốt con mình vào lồng, được tham khảo từ hình tượng vị quốc vương si tình kinh điển trong Tây Du Ký – quốc vương Khâu Tử quốc quốc ở hồi thứ 78.
Trương Thiên Ái bỏ lỡ vai yêu nữ
Một điều đáng tiếc cho đoàn phim khi nữ diễn viên Trương Thiên Ái trong bộ phim truyền hình mạng đình đám cuối năm 2015 – Thái tử phi thăng chức ký ban đầu được “chấm” cho một trong ba yêu nữ khét tiếng dưới trướng của Bạch Cốt Tinh, gồm Xà tinh, Nhím tinh và Yêu tinh Dơi.
Theo đó “nàng Trương Bồng Bồng” được giao đóng vai Xà tinh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do vì vậy khán giả đã không có cơ hội được tái ngộ Trương Thiên Ái trên màn ảnh rộng lần này.
Bạch Cốt Tinh thời nhỏ bị cắt
Ban đầu, sao nhí sinh năm 2009 của bom tấn truyền hình Mỵ Nguyệt truyện là Lưu Sở Di được giao thủ vai Bạch Cốt Tinh thời nhỏ. Thế nhưng, sau khi bộ phim được công chiếu, khán giả không hề thấy bất kỳ hình ảnh nào liên quan đến ngôi sao của Mỵ Nguyệt truyện.
Được biết, vai diễn Bạch Cốt Tinh thời nhỏ đã bị cắt, nội dung phân cảnh liên quan đến nhân vật này cũng như lý do cắt vẫn chưa được đoàn phim tiết lộ.
Vì sao sau Đại náo Thiên cung là Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh?
Nguyên tác Tây Du Ký có rất nhiều câu chuyện trong hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Phía nhà sản xuất sau khi thành công điển tích Đại náo Thiên cung đã lựa chọn tái hiện cảnh giao đấu giữa Tôn Ngộ Không với một loài yêu tinh khét tiếng trong câu chuyện Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh.
Được biết, trong tiểu thuyết Tây Du Ký, hai chương nổi tiếng và kinh điển nhất gồm Đại náo Thiên cung và Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Theo đó, chương sau thuộc hồi thứ 27 trong nguyên tác, bối cảnh là khi 4 thầy trò lần đầu đối mặt với yêu tinh trong hành trình thỉnh kinh.
Phía nhà sản xuất nhận định ý nghĩa của hai phần phim được chọn để tái hiện trên màn ảnh là bởi, phần trước là khi mỗi nhân vật tản mát một nơi, trong khi phần sau họ đã trở thành một đoàn người cùng chung chí hướng.
Vì sao Bạch Cốt Tinh ghét nhất khi bị gọi là “Yêu nghiệt”?
Đây chính là lý do khiến Bạch Cốt Tinh vô cùng tức giận. Trong phim có cảnh yêu nữ này hóa thân bà lão và kẻ về kiếp trước của ả: Ả vốn sở hữu dung mạo xinh đẹp nên bị gọi là yêu nghiệt và bị hại cho đến chết.
Chính vì vậy, ả căm hận con người đến xương tủy và không muốn làm người, muốn ăn thịt Đường Tăng để mãi được ở chốn yêu giới.
Vì sao cảnh giao đấu cuối Bạch Cốt Tinh không có chân?
Trong lời bộc bạch của Bạch Cốt Tinh về kiếp trước có nói, ả vốn bị người đời coi là yêu tinh nên bị cắt mất chân và treo lên vách đá, cơ thể quanh năm bị đại bàng rỉa ăn, cuối cùng oan hồn tản mát tụ thành Bạch Cốt Tinh. Do vậy, trong phim hình ảnh nhân vật này khi hiện nguyên hình đã không còn phần phía dưới cơ thể.
Tôn Ngộ Không phút cuối mới gọi Đường Tăng là sư phụ
Ngay từ đầu Ngộ Không vốn ngang ngược, hống hách và chỉ gọi Đường Tăng là Tiểu hòa thượng. Chỉ đến những cảnh cuối Tôn Ngộ Không mới nhận ra con người thật của Đường Tăng và khiến hắn cảm động, cất tiếng gọi chân thành: “Sư phụ”.
Củng Lợi hóa thân Bạch Cốt Tinh từ 18 – 81 tuổi
Thiếu nữ tuổi 18.
Bà cụ tuổi 81.
Hoa đán Củng Lợi lần đầu tiên thể hiện vai diễn có khoảng cách tuổi tác quá lớn như nhân vật Bạch Cốt Tinh. Trong phim xuất hiện hình ảnh bà lão ngồi trong nhà gỗ, đó chính là tạo hình của Củng Lợi. Được biết, mỗi ngày ngôi sao Cao lương đỏ đều dậy vào lúc 4h sáng và trải qua thời gian hóa trang 8 tiếng đồng hồ để các chuyên gia hóa trang “hô biến” thành bà lão.
Củng Lợi hài lòng hơn khi cô ra ngoài tự bắt xe buýt và xuống 7 – 8 trạm dừng nhưng không có bất kỳ ai nhận ra nữ diễn viên.
Quan Âm bồ tát “chuẩn man”
Vai diễn này tiếp tục được giao cho nữ diễn viên kiêm ca sĩ Hồng Kông Trần Tuệ Lâm. Sau 5 năm kể từ bộ phim Đại náo thiên cung, người đẹp vẫn giữ được thần thái và nhan sắc như xưa. Chỉ có điều ở bộ phim mới lần này có cảnh tư thế ngồi của Quan Âm bồ tát khá giống với hình ảnh Sơn đại vương, co chân ngồi trên một chiếc ghế dài khá nam tính.
Tạo hình này được đoàn phim tham khảo từ các bức họa Quan Âm Thủy Nguyệt ở khu vực Tây vực.
Vì sao Đường Tăng có 2 áo cà sa?
Trong nguyên tác có miêu tả Đường Tăng sở hữu 2 bộ áo cà sa, trong đó một bộ là cà sa thêu chỉ vàng, là bảo vật được Phật tổ Như Lai tặng cho người thỉnh kinh.
Trong Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, đội ngũ thiết kế mỹ thuật đã tuân t heo nguyên tác để tạo nên bộ trang phục kỳ diệu này dù Đường Tăng không hề biết áo cà sa này có phép thuật mà luôn trân trọng, chỉ mang ra mặc mỗi dịp trọng đại (buổi yến tiệc ở nước Vân Hải Tây. Bình thường vị thánh tăng này chỉ mặc áo cà sa vải bình thường.
Nhân vật Kim Thiền Tử
Trong nguyên tác và nhiều dị bản về nhân vật Đường Tăng có miêu tả, nhân vậy này chính là đệ tử thứ hai dưới chướng của Phật tổ Như Lai, tên Kim Thiền Tử. Trong bộ phim lần này cũng cụ thể hóa tình tiết này trên màn ảnh.
Ở phân đoạn cuối phim, khi Tôn Ngộ Không vung gậy đánh Đường Tăng, từ cơ thể của người hóa thành mình vàng, hồn phách liền hóa thành Kim Thiền Tử.
Giáp chiến của đại thánh
Trước khi trận đánh của bốn thầy trò Đường Tăng với Bạch Cốt Tinh, Trư Bát Giới có đến Hoa Quả sơn mời Tôn Ngộ Không cứu nạn, lão Trư nhìn thấy bộ giáp chiến của Tề Thiên đại thánh và sau đó được Ngộ Không khoác lên người tham gia trận đánh.
Được biết, bộ trang phục này được thiết kế trước khi phần phim đầu Đại náo thiên cung công chiếu khoảng 2 năm. Sau đó được khoác lên người ma-nơ-canh đặt tại văn phòng của Hãng phim Tinh Hạo. Chỉ đến khi phần 2 ra đời mới được sử dụng lại và vẫn tiếp tục khiến khán giả trầm trồ.