Sống chung với mẹ chồng: Tại anh, tại ả, tại cả 3 bên!
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” dù chỉ mới lên sóng những tập đầu tiên nhưng bộ phim đã tạo nên cơn sốt dư luận với cùng nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Mẹ chồng "quái chiêu"
Những xung đột của gia đình bà Phương trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” xuất phát từ tính cách của mỗi nhân vật và các mối quan hệ trong gia đình. Bởi vốn dĩ hôn nhân không phải chuyện của riêng hai người.
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang "gây bão"
Khi hai người yêu nhau và nghĩ tới chuyện về sống cùng một nhà cần phải được sự chấp thuận từ hai bên gia đình. Ngay cả khi đã thành vợ, thành chồng thì cuộc sống cũng có rất nhiều vấn đề khó khăn. Trong số đó, rắc rối từ bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ gây ra là nguyên nhân khá phổ biến.
Cùng với mạch chuyện ngày càng trở nên hấp dẫn, thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của bà Phương (Lan Hương) và Vân (Bảo Thanh) mâu thuẫn càng tăng cao.. Nhưng nguyên nhân những xung đột không chỉ đến từ hai người phụ nữ trong gia đình mà còn phải kể đến “lỗi” của hai người đàn ông làm chồng, làm bố.
Bà Phương là người phụ nữ gia đình hết lòng tần tảo vì chồng con, nhưng lại có tính cách độc đoán, bảo thủ và ích kỉ. Ngay ở tập đầu nhưng bà Phương - mẹ của Thanh đã bắt đầu bộc lộ tính cách kỹ tính, thông qua từng hành vi soi xét, bắt bẻ con dâu tương lai.
Với kinh nghiệm của mình, bà toan tính từng đường đi nước bước và can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của con. Từ việc tổ chức đám cưới cho đến cuộc sống sinh hoạt vợ chồng đều bị bà Phương “kèm cặp” từng bước. Ngay trong đêm tân hôn của Vân và Thanh, bà Phương đã xông vào tận phòng của hai người, chỉ thẳng vào mũi con dâu mới về: “Sao cô dám cưỡi lên người con trai tôi?”.
Bà cho rằng “Vợ cũng chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về đây. Không lấy đứa này lấy đứa khác. Nhưng mẹ chỉ có một”. Bà Phương như một đại diện cho số đông suy nghĩ của các bà mẹ chồng từ trước tới nay. Xuất phát từ tình yêu, sự quan tâm không đặt đúng chỗ, bà Phương đã đưa đôi vợ chồng trẻ vào nhiều tình huống éo le, khiến không khí gia đình luôn nặng nề, căng thẳng.
Một cảnh trong phim "Sống chung với mẹ chồng"
Con dâu “đỏng đảnh” khó chiều!
Được cha mẹ, người yêu nuông chiều Vân có phần vụng về, đỏng đảnh. Với tư cách là cô con dâu tương lai đến dự sinh nhật me chồng, nhưng Vân chỉ biết “dán mắt” vào chiếc điện thoại. Khi mẹ Thanh vẫn đang bận bịu nấu nướng trong bếp, cô lại cùng người yêu “trốn” lên phòng riêng của Thanh. Và bị mẹ Thanh "bắt tại trận" cảnh hai người đang “gần gũi”.
Chưa dừng lại ở đó, khi mọi người trong nhà quây quần nói chuyện thì Vân lại trốn ra ngoài "tám" chuyện với bạn, điều đó khiến cho mẹ Thanh thấy không hài lòng về cô con dâu tương lai này. Kể cả đến khi mẹ Thanh mua bộ chăn ga giảm giá 70% về làm quà cưới, không những không có một lời cảm ơn, Vân còn có những biểu hiện thái độ không tốt ra mặt.
Đành rằng những hành động của bà Phương là quá đáng, nhưng với vị trí một người con dâu mới về nhà chồng, Vân không thể tỏ thái độ không bằng lòng, giận dỗi trước mặt người lớn như vậy.
Với việc là một thành viên mới trong gia đình, lẽ ra Vân cần phải làm quen với lối sinh hoạt mới từ nhà chồng đúng như câu “nhập gia tùy tục” nhưng Vân thấy làm khó chịu với những điều khuyên nhủ từ mẹ chồng. Nếu Vân thấu hiểu và gần gũi hơn với mẹ chồng hơn, thì mối quan hệ với mẹ chồng đã không có những lúc “căng thẳng” đến như vậy.
Cặp đôi Vân và Thanh trong phim
"Chiếc cầu nối" bất thành
Có thể nói, những mâu thuẫn giữa bà Phương và Vân đều khởi nguồn từ anh con trai - là nhân vật Thanh. Thanh là một người đàn ông có ngoại hình sáng, khéo ăn nói được lòng nhiều người, nhưng cách anh chàng này ứng xử trong các hình huống giữa mẹ và vợ tương đối vụng về.
Đứng giữa hai người phụ nữ mà mình yêu thương, không khỏi khó xử cho Thanh nhưng nếu Thanh xử lý khéo hơn những khúc mắc giữa bà Phương và Vân thì sẽ êm đẹp. Ngay khi dẫn Vân về ra mắt bố mẹ, Thanh đã kéo Vân lên phòng riêng làm cô nàng bị mẹ chồng tương lai chê bai là “dễ dãi”.
Luôn dùng những lời nói tốt đẹp để làm giảm căng thẳng, đụng độ từ hai bên nhưng đây không hẳn là cách giải quyết tốt nhất. Rồi khi xảy ra xung đột, Thanh chỉ chăm chăm một mực bảo vệ Vân mà bác bỏ hoàn toàn ý kiến của mẹ. Điều đó chỉ càng làm bà Phương không hài lòng về Vân hơn.
Làm thế nào để vừa là người con trai hiếu thảo, người chồng đúng mực luôn là bài toán khó cho những đấng mày râu. Nhưng với vai trò là chiếc cầu nối giữa hai phụ nữ, những người đàn ông trong gia đình cần thấu hiểu suy nghĩ, những vất vả của họ. Người đàn ông cần phải tìm ra tiếng nói chung, giúp hai người phụ nữ mà họ yêu thương có được sự hòa thuận, cảm thông lẫn nhau, để gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc.
Mặc dù trong xã hội hiện đại, mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu cũng không còn "gay cấn" như xưa, nhưng không thể phủ nhận những con sóng ngầm vẫn lăn tăn dưới đáy, gờn gợn đe dọa mối quan hệ vốn đã dễ bị lung lay này. Vậy nên, hãy học cách để chấp thuận.
Dù sao, là người đi trước, mẹ chồng cũng chỉ muốn những điều tốt nhất cho các con của mình. Trước là vì con trai, và sau cũng là vì con dâu. Bởi sau cùng, cả hai rồi cũng về chung một nhà, cũng đều là con của bà cả. Nếu con dâu là một cô gái biết nghe lời mẹ chồng, biết cảm thông cho tình yêu thương vô bờ bến của bà dành cho con trai – cũng là chồng mình, thì sẽ thấy mọi chuyện giản đơn và dễ xử hơn nhiều.
"Từ xưa đến nay, mẹ vào phòng con có bao giờ phải gõ cửa đâu", bà mẹ chồng chống chế với con trai.