Ồn ào "nhạc nhảm" nhìn từ MV của Lê Dương Bảo Lâm: Thị hiếu âm nhạc có đang chạm đáy?

Sự kiện: Lê Dương Bảo Lâm

Thời gian qua nhiều MV ca nhạc có nội dung phản cảm, ca từ sáo rỗng. Chỉ bằng vài câu hát theo xu hướng hiện tại đã giúp các “nhà sáng tạo” đem về số lượt tương tác khổng lồ.

Nhạc nhảm và MV phản cảm là chuyện không mới trong làng nhạc. Nhưng dù khán giả đã lên tiếng chỉ trích, một số ca sĩ vẫn chọn hướng đi này để gây chú ý và hút được nhiều view. Đơn cử như bài hát Oải cả chưởng mới vừa phát hành của diễn viên Lê Dương Bảo Lâm. 

Ồn ào "nhạc nhảm" nhìn từ MV của Lê Dương Bảo Lâm: Thị hiếu âm nhạc có đang chạm đáy? - 1

Bài hát mới của Lê Dương Bảo Lâm gây tranh cãi.

Lời bài hát của anh cũng gồm những ca từ được cho là “sáo rỗng” như: “Anh em rớt miếng, có Lâm Lâm Lâm Lâm lại Lâm lụm. Nhưng Lâm rớt răng, mọi người cười còn Lâm lại Lâm bụm. Đúng là oải cả chưởng”, “Miệng thì ú a ú ớ tôi sụm nụ rồi trời ơi”...

Khi mới ra mắt, ca khúc từng đứng #5 trong danh mục thịnh hành. Hiện tại, bài hát sở hữu hơn 2,8 triệu lượt xem.

Bên cạnh những phản ứng tích cực, nhiều người cũng cho rằng bài hát này “vô nghĩa” và thiếu tính nghệ thuật. Một số diễn đàn âm nhạc xếp ca khúc vào danh sách “nhạc rác”, “nhạc nhảm”.

Ồn ào "nhạc nhảm" nhìn từ MV của Lê Dương Bảo Lâm: Thị hiếu âm nhạc có đang chạm đáy? - 2

Ca khúc Sashimi của Chi Pu từng bị VTV gọi là “nhạc rác”.

Cách đây không lâu, chương trình “Góc Nhìn Văn Hóa” của VTV1 đã đưa ra chủ đề “Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả”. Bản tin phản ánh về việc thời gian qua nhiều ca sĩ Việt đã đăng tải MV ca nhạc có nội dung phản cảm, ca từ sáo rỗng. Chỉ bằng vài câu hát theo xu hướng hiện tại đã giúp các “nhà sáng tạo” đem về số lượt tương tác khổng lồ. Bản tin nhận định, những nội dung này gây tác động xấu đến nhận thức người xem, đặc biệt là trẻ em.

Chương trình gọi tên MV Sashimi của Chi Pu, Lái máy bay của Bình Gold, Ghệ yêu dấu của em ơi của tlinh...

Phần lớn ý kiến đều phản đối những nội dung ca khúc. Nhưng kỳ lạ là các video này thường có lượt xem cao, bài ít nhất có 6 triệu lượt xem, nhiều thì lên tới 24 triệu. Thậm chí, nhiều bài còn lọt top thịnh hành của các trang nhạc trực tuyến”, bản tin đưa ra nhận xét.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo (Thượng tá quân đội, công tác tại Đoàn nghệ thuật Tăng thiết giáp, tác giả bài hát Dòng máu Việt Nam) về vấn đề trên:

Ồn ào "nhạc nhảm" nhìn từ MV của Lê Dương Bảo Lâm: Thị hiếu âm nhạc có đang chạm đáy? - 3

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (trái) và nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo.

Những ngày qua, MV “Oải cả chưởng” của Lê Dương Bảo Lâm gây tranh cãi vì lời hát vô nghĩa. Khi có một nhà báo lên tiếng phê phán ca khúc, một số lượng fan của nghệ sĩ đã liên tục “tấn công” trang cá nhân của người này. Anh nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này? Có phải vì khán giả quá "bao che" nghệ sĩ nên một bộ phận nghệ sĩ ỷ lại, cho ra đời nhiều sản phẩm không chất lượng?

- Nguyễn Ngọc Long: Theo tôi, tác phẩm này tồn tại vì có những người thích nó. Những sản phẩm chúng ta tạm gọi là không chất lượng, không đến từ việc khán giả bao che mà đến từ tư duy của người nghệ sĩ làm ra sản phẩm đó. Họ thực hiện để đáp ứng thị hiếu của một nhóm khán giả nào đó. Đơn giản, họ làm ra tác phẩm không ai thích hay chỉ với mục đích muốn khán giả không “ném đá” mình thôi thì tác phẩm đó không thể tồn tại được.

Mặt khác, bạn phóng viên có quyền phê phán bài hát của Lê Dương Bảo Lâm, thì các bạn fan cũng cho rằng họ có quyền phê phán bài viết của người phóng viên đó. Mình phê phán một người nào thì cũng phải trong tâm thế mình nhận lại lời phê phán của người khác.

Hiện nay, nhiều bài nhạc nhảm hay có ca từ thô thiển, dung tục nhưng lại xuất hiện công khai và phổ biến trên các nền tảng TikTok, YouTube. Anh có nghĩ rằng thị hiếu âm nhạc đang chạm đáy?

- Nguyễn Ngọc Long: Tôi không nghĩ như vậy. Bởi từ xưa tới nay luôn tồn tại những bài nhạc như vậy, chỉ là các nền tảng mạng hiện nay làm cho mọi thứ dễ tiếp cận với mọi người hơn, khiến chúng ta có cảm giác: “Những bài nhạc nhảm ngày càng xâm chiếm thị trường, phủ sóng khắp xã hội”.

Chúng ta không thể dựa vào điều này để đánh giá thị hiếu đang chạm đáy. Trong quá khứ, những nhân vật mà chúng ta gọi là hiện tượng mạng như Lệ Rơi, Quân Kun, Bà Tưng... với những trò lố, gây sốc đều “sớm nở tối tàn”, không hoạt động bền được. Thế nên những bài nhạc gọi là “nhảm” này sẽ tồn tại đến đâu? Nếu nó chỉ có đời sống rất ngắn thì không thể nói là thị hiếu xuống dốc được. Có một bộ phận khán giả tìm đến chỉ với mục đích đơn thuần là giải trí, đỡ suy nghĩ.

- Trịnh Xuân Hảo: Theo tôi, việc sáng tác hiện nay khá tự do. Các bài “nhạc nhảm”, “nhạc tục” đang phủ sóng và phát triển rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Tôi cho rằng điều đó có thể mang đến những giá trị tinh thần không tốt, làm cho lớp trẻ trở nên lệch lạc về nhận thức. Tôi nghĩ các nhà quản lý cần lên tiếng, theo dõi sát sao hơn về kiểm duyệt, về tất cả các ca khúc chế lời hay đặt lời riêng. Đôi khi những người làm âm nhạc như tôi cũng phải trăn trở để tác phẩm của mình luôn mang một ý nghĩa nào đó.

Mỗi tác phẩm đều có một giá trị văn hóa tinh thần tượng trưng cho mỗi người ca sĩ. Không có sai hay đúng, chỉ có thích và không thích thôi nên không thể nói thị hiếu âm nhạc chạm đáy. Tôi cho rằng Oải Cả Chưởng là một sản phẩm âm nhạc hơi dễ dãi, mang tính giải trí phục vụ cho một nhóm nhỏ người trẻ. Lao động trí tuệ của những người làm ra sản phẩm đều đáng trân trọng nhưng tôi nghĩ nên có định hướng về những bài hát khơi gợi tình yêu đất nước, tình yêu con người có tinh thần tích cực, mang giá trị nhân văn cao hơn.

Theo anh, khán giả Việt nên ứng xử như thế nào với những ca khúc như thế này?

- Nguyễn Ngọc Long: Thật ra, tôi nghĩ cần phải có một qui định rõ ràng rằng: Thế nào là rác? Thế nào là nhảm? Nếu như pháp luật có những qui định như vậy, tôi tin rằng các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc rốt ráo. Còn hiện tại, pháp luật không qui định, chỉ có qui định về những bài nhạc tục tĩu, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến quyền – lợi ích của Nhà nước, của tập thể hay của cá nhân nào đó. Các bài này đều đã bị xử lý nhanh chóng.

Còn lại đó là câu chuyện của thị trường, truyền thông báo chí và dư luận. Nếu như bài hát quá đáng đến mức làm cho người ta khó chịu, không được lòng số đông, mọi người sẽ lên án và tẩy chay. Còn nếu nó chỉ dừng lại ở cái mức “tôi thích nhưng bạn không thích”, thì đó là câu chuyện “tôi nghe nhưng bạn không nghe”.

Tôi cho rằng những bài không có giá trị chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu. Và chúng ta chỉ đơn giản không nghe nó là được.

Để xử lý “nhạc rác”, công tác hậu kiểm của các kênh đăng tải và cơ quan chức năng, quản lý nghệ thuật cần như thế nào?

- Nguyễn Ngọc Long: Nếu ở cấp độ cao hơn, vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc. Còn nếu nó không vi phạm pháp luật nhưng cơ quan quản lý thấy rằng điều đó là không nên thì phải nhanh chóng hoàn thiện những hành lang pháp lý để chế tài xử lý. Chúng ta không thể nào xử lý một cách cảm tính được.

- Trịnh Xuân Hảo: Tôi nghĩ, nếu có sự kiểm duyệt gắt gao hơn trên các nền tảng mạng xã hội thì tốt hơn. Có một số nền tảng giới trẻ tham gia nhiều nhưng đang thiếu kiểm duyệt. Các cơ quan chức năng, quản lý nghệ thuật phải có những biện pháp cứng rắn hơn để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có quan điểm làm nghề đúng đắn.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình trạng ”báo động” của ca sĩ Việt khi hát live khiến khán giả ngán ngẩm

Chuyện hát live của ca sĩ thời nay không còn là "hiển nhiên phải hay" mà phải cần "cố gắng khắc phục".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vi Đinh ([Tên nguồn])
Lê Dương Bảo Lâm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN