Myanmar miền đất Vàng

Sự kiện: Du lịch Châu Á

Myanmar nổi tiếng là "miền đất vàng" và du khách sẽ dễ dàng hiểu được tại sao khi bay tới các thành phố như Mandalay và Yangon. Từ trên bầu trời nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy những bảo tháp, chùa chiền lấp lánh ánh vàng nằm rải rác trên khắp các vùng nông thôn và thậm chí giữa những con phố náo nhiệt nơi thành phố.

Trên khắp đất nước Myanmar có đến hàng ngàn ngôi chùa mà hầu hết nơi nào cũng được tô điểm bằng vàng. Con sông Irrawaddy chảy qua vùng trung tâm của "miền đất vàng". Bờ sông là nơi tập trung những gì tinh túy nhất của Myanmar - những ngôi chùa lớn trên đồi, đám mây gió mùa trôi bên trên rừng núi rậm rạp, và vùng đồng bằng ngập lũ với các căn nhà dựng trên cọc chênh vênh trên mặt nước.

Vàng có ý nghĩa quan trọng đối với người Myanmar do bởi kim loại này được cho là đại diện cho mặt trời.

Vàng có ý nghĩa quan trọng đối với người Myanmar do bởi kim loại này được cho là đại diện cho mặt trời.

Theo Diễn đàn Kinh doanh Mandalay - được tổ chức bởi Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC), Bộ Thương mại, chính quyền Vùng Mandalay và Ủy ban Đầu tư vùng Mandalay (MRIC), có hơn 700 ngôi chùa vàng nằm trên các ngọn đồi bao quanh Mandalay mà ta có thể từ sông nhìn vào.

Quanh thành phố Bagan, xuôi xuống theo dòng sông, còn có 2.200 ngôi đền, chùa nữa nằm rải rác. Thời kỳ đỉnh cao (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII), Vương quốc Pagan (nay được biết đến với tên Bagan) là nơi có hơn 10.000 ngôi đền. Đó là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Myanmar, mặc dù tôn giáo này có nguồn gốc từ hơn 2.000 năm trước đó.

Hầu hết người dân Myanmar đều mơ ước được một lần hành hương tới Shwedagon, ngôi chùa nghìn năm tuổi trên đỉnh đồi Singuttara, Yangon. Là biểu tượng vàng của đất nước Myanmar, Shwedagon có tuổi đời hơn 2.500 năm. Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm và tâm linh nhất của người dân Myanmar.

Thân và ngọn tháp dát vàng ròng. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn tháp được dát hơn 8.600 lá vàng, còn nửa trên là hơn 13.000 lá vàng. Trong khi đỉnh tháp cũng được gắn hàng nghìn viên kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và lục lạc vàng. Theo ước tính, ngôi chùa được dát tổng khối lượng vàng tới 90 tấn. Trong chùa có nhiều gian thờ các pho tượng Phật dát vàng lớn.

Ở Myanmar còn có Hòn đá vàng Golden Rock (nổi tiếng về sự chênh vênh) nằm cách Yangon hơn 200km luôn hấp dẫn du khách khi đến xứ sở này bởi sự "kỳ lạ" của hòn đá được dát bằng vàng nằm ở độ cao 1.100 mét. Tảng đá có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch dù chỉ tiếp xúc với ngọn núi vẻn vẹn 78cm vuông.

Người Myanmar giải thích sự bền vững này là nhờ thần Tawadeintha đã dùng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi. Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá và nằm cách Golden Rock khoảng 300 mét để giữ hòn đá không rơi.

Vàng lá được cắt thành những miếng nhỏ và tiếp tục được đập mỏng thêm ra.

Vàng lá được cắt thành những miếng nhỏ và tiếp tục được đập mỏng thêm ra.

Đối với người Myanmar, việc quỳ lạy và ôm hôn Golden Rock sẽ giúp họ trở nên giàu có, thịnh vượng. Với du khách quốc tế, việc tận mắt chiêm ngưỡng một hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo trên đỉnh núi là điều thú vị có một không hai. Trong bóng chiều tà, Golden Rock càng trở nên lung linh và huyền ảo.

Theo Dự án Tìm hiểu văn hóa, tôn giáo thuộc Trường Divinity Harvard, gần 90% dân số Myanmar theo đạo Phật. Người dân Myanmar lễ Phật bằng cách trang trí các ngôi đền, chùa trên khắp cả nước bằng vàng.

Sithu Htun, hướng dẫn viên địa phương từ Yangon, giải thích: "Vàng là thứ rất quý báu ở Myanmar, bởi chúng tôi có thể tìm thấy chúng ở rất nhiều dòng sông. Vàng là một phần của đất nước chúng tôi, rất dễ tìm thấy và đó là lý do tại sao chúng tôi dâng cúng vàng lên Đức Phật".

Nhưng vàng không chỉ được dùng trong các đền chùa; sự gắn bó với vàng ở Myanmar còn sâu sắc tới mức kim loại cũng tìm thấy ở nhiều thứ khác, từ thuốc dân tộc truyền thống cho tới kem dưỡng da mặt, và thậm chí có lúc người ta còn rắc vàng vào thức ăn hay thức uống. Trong những dịp đặc biệt, vàng lá có thể được trộn vào cơm, đậu. Và người ta cũng thả vàng lá vào các loại đồ uống có cồn địa phương rồi lắc lên để uống. Htun cho biết: "Chúng tôi dùng chuối và vàng lá để đắp mặt nạ dưỡng da".

Nguồn cung cấp vàng chủ yếu là từ các khu mỏ gần Mandalay và vàng cốm từ đáy các dòng sông ở Irrawaddy và Chindwin, nơi dân địa phương vẫn tiếp tục đãi vàng theo cách thủ công bất chấp công nghệ mới giúp cải thiện tiến trình nhanh chóng hơn nhiều.

Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm và tâm linh nhất của người dân Myanmar.

Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm và tâm linh nhất của người dân Myanmar.

Thủy ngân được dùng để tách vàng ra khỏi cát khai thác từ đáy sông, nhưng thủy ngân gây ô nhiễm khiến ảnh hưởng tới sản lượng cá trên sông cũng như sức khỏe của những người đãi vàng. Ngoài ra, Thời báo Myanmar thường xuyên đưa tin hoạt động đãi vàng bất hợp pháp gây ra một số những tổn hại khác. Tuy nhiên,  hiện đang có một số dự án cộng đồng tập trung tuyên truyền về bảo vệ môi trường và con người.

Ở miền Trung Mandalay, có một khu vực được gọi là "khu làm quỳ vàng", tức nơi những người đàn ông cả ngày chỉ quai đập vàng thành những tấm lá mỏng tang - được gọi là "quỳ vàng" - trong nhiệt độ nóng bức trên 30 độ C của mùa hè với độ ẩm không khí lên tới 70%.

Họ dùng búa nặng khoảng 3,2kg đập mỏng các lớp vàng đặt xen giữa các lớp giấy tre đặt trên phiến đá lớn. Vàng lá sau đó được cắt thành những miếng nhỏ và tiếp tục được đập mỏng thêm ra - tổng cộng qua 3 lần, mà lần cuối cùng được những người đàn ông lực lưỡng đập liên tục trong suốt 5 tiếng đồng hồ.

Htun giải thích: "Hầu hết các hiệu bán vàng lá mịn là doanh nghiệp gia đình. Đàn ông thì đập vàng cho mỏng thành quỳ vàng, còn phụ nữ thì cắt thành những tấm vuông để bán". Sau khi được cắt thành từng miếng vuông, quỳ vàng được xếp giữa các lớp màng giấy tre, đem bán làm đồ cúng Phật.

Sau khi hạ cánh xuống mặt đất Myanmar, du khách không thể đi đâu quá xa mà không bắt gặp một ngôi chùa có dát vàng.

Sau khi hạ cánh xuống mặt đất Myanmar, du khách không thể đi đâu quá xa mà không bắt gặp một ngôi chùa có dát vàng.

Phụ nữ cũng lấy quỳ vàng dán lên các bức tượng Phật, tượng thú như voi, được chạm trổ từ gỗ đã được phết lớp sơn dầu màu đen. Vàng không chỉ được dán lên các đền chùa hay các bức tượng gỗ. Htun nói: "Đôi khi chúng tôi dán quỳ vàng lên chuối và dừa, rồi làm lễ cúng các linh hồn".

Người Myanmar thậm chí còn dán quỳ vàng lên chính thân thể mình bằng cách bôi một lớp nhựa cây được gọi là thanakha lên mặt làm lớp kem chống nắng - mà có khi họ còn dán theo mẫu nào đó để làm hình trang trí rồi sau đó dán lớp vàng lá lên để làn da trông sáng rỡ. Trước kia và cho đến ngày nay, vàng cũng được dùng như một dạng tiền tại Myanmar. Cửa hàng vàng có ở mọi góc phố Myanmar, kể cả tại những thị trấn nhỏ nhất để phục vụ cho mọi người.

Nguồn: [Link nguồn]

11 địa điểm đẹp nhất ở ”vùng đất Phật”

Vẻ đẹp đa dạng của Myanmar đã khiến nhiều du khách từng đến nơi đây phải sững sờ. Từ đỉnh núi phủ tuyết trắng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Thuần ([Tên nguồn])
Du lịch Châu Á Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN