Kinh hoàng hủ tục treo người chết trên đỉnh Tà Xi Láng

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Trẻ con bị bệnh, hay chậm nói, chậm đi, quấy khóc sẽ được thầy cúng làm lễ “bắc cầu” để chữa trị mà không cần đi khám bác sĩ. Người chết được treo lên giữa nhà và chôn cất không cần quan tài.

Với họ, làm như vậy người còn sống mới được “yên ổn”, làm ăn phát đạt. Nhiều đời nay người Mông trên Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) vẫn giữ những phong tục lạc hậu ấy. Dù đã được cán bộ địa phương tuyên truyền, thậm chí đưa ra mức phạt tiền nhưng chưa thể xóa bỏ được triệt để.

Làm lễ để chữa bệnh

Để lên được đỉnh Tà Xi Láng vào mùa mưa không hề đơn giản. Kinh nghiệm, kỹ năng đổ đèo là chưa đủ mà cần có một chút can đảm. Từ thị trấn Văn Trấn đến đó chỉ khoảng 20km nhưng chúng tôi cũng phải đi ngót 3 tiếng đồng hồ.

Đúng như lời cảnh báo của người bản địa: “Nếu không chắc tay lái, chỉ cần sai một ly là đi xuống vực”. Hàng chục con dốc dựng đứng, hàng trăm khúc cua tay áo rồi cả một đoạn đường dài trơn trượt chúng tôi mới mục sở thị được vùng đất đẹp nhưng cũng nhiều nghi lễ hủ tục chưa được xóa bỏ. Đi đã nhiều nơi, biết nhiều hủ tục nhưng cái cách mà người Tà Xi Láng chữa bệnh khiến chúng tôi không khỏi giật mình.

Những chiếc "cầu" trước cổng nhà anh Pha.

Những chiếc "cầu" trước cổng nhà anh Pha.

Ngôi nhà của anh Vàng A Pha nằm chênh vênh giữa lừng chừng đồi, bao quanh là những vạt ngô và sắn xanh ngút ngát. Mới ngoài 20 tuổi nhưng cái vẻ hom hem khiến Pha không khác gì một ông già ngoài 60. Anh bảo, ở đây vất vả lắm, làm từ sáng đến tối may ra mới đủ ăn.

Mấy ngày nay anh không đi rừng kiếm củi, đi suối bắt cá được là vì nhà có con nhỏ bị ốm. Ngồi tựa lưng vào tảng đá lớn, anh bảo: “Ở đây đứa trẻ lớn lên đều bị con ma nó làm cho có bệnh. Nếu nhà nào không làm lễ “đi qua cầu” sẽ bị con ma nó bắt, làm cho ốm đau. Hầu hết đứa trẻ nào ở đây cũng phải một lần làm lễ “đi qua cầu” để được khỏe mạnh đấy”.

Chúng tôi gặng hỏi anh Pha: “Nếu làm lễ mà vẫn không khỏi thì sao?”. Anh Pha trả lời luôn: “Không khỏi là vì con ma nó không buông tha rồi… phải mời thầy mo cao tay hơn, hoặc lễ lớn hơn mới được…”.

Như để chứng minh “thuật bắt ma” để khỏi bệnh, anh Pha đưa chúng tôi xem hai chiếc cầu được treo trang nghiêm trên cổng nhà mình. Gọi là cầu nhưng thực chúng chỉ là ba tấm gỗ được ghép vào nhau như như một chiếc ghế, hai bên treo hai chiếc que nhỏ khoảng hơn một mét.

Chúng được gắn vào nhau bằng 1 sợi dây dù nhỏ, gắn trên đầu của mỗi chiếc que là lông gà và một tấm bùa. Ở đó có chữ viết loằng ngoằng rất khó đọc, có lẽ ý nghĩa là gì chỉ có các vị thầy cúng ở đây mới biết.

Để kiệu được thầy cúng về nhà chữa bệnh cho con không phải chuyện dễ dàng, họ phải đi từ sáng sớm lên tận đỉnh núi cao rồi đặt lịch hẹn. Đến nhà thầy không phải đi tay không mà phải mang sính lễ.

“Khi đặt được lịch rồi, thầy xuống nhà và bắt mạch cho con tôi. Sau khi bắt, thầy phán “Nó không biết đi đâu, nó khóc nhiều và không biết ăn đâu, nó bị con ma bắt rồi, phải làm lễ cúng bắc cầu cho nó ngay mới khỏi bệnh” – anh Pha kể lại.

Chủ nhà phải chuẩn bị lễ khá tốn kém cho buổi “bắt ma” của thầy cúng. Họ chuẩn bị gạo, xôi, thịt lợn, rượu, sau đó thầy cầm chiếc sừng trâu đưa đi đưa lại, đọc thần chú bằng tiếng Mông.

Anh Sửu kể về những phong tục lâu đời của người Mông ở Tà Xi Láng.

Anh Sửu kể về những phong tục lâu đời của người Mông ở Tà Xi Láng.

Đang trong lúc thầy đọc thần chú, bố mẹ sẽ dắt con đi qua đi lại cái cầu đó được làm sẵn vài ba vòng. Chỉ có vậy, sau vài ba tháng cháu bé sẽ khỏi bệnh, có thể ăn uống và đi lại bình thường. Làm lễ xong, gia chủ còn phải chuẩn bị phần lễ hậu tạ cũng khá cầu kỳ cho thầy.

Lễ tạ thầy thường có 2 con gà, một con để mời thầy ăn, một con để thầy mang về cộng thêm 2 trăm nghìn đồng. Đặc biệt, nếu thầy nào hút thuốc phiện thì phải thêm 5 phân thuốc gói gém cho thầy mang về. “Làm lễ là khá tốn kém với chúng tôi, nhiều người trong bản còn không có tiền để làm. Nhưng vì con cái họ phải đi vay tiền để mua sính lễ, nợ nần ngập đầu ấy chứ” – anh Pha lắc đầu nói.

Cứ như thế, ở Tà Xi Láng tục nhờ thầy “bắt ma” đã trở thành phong tục mà tất cả đều làm và tin vào điều đó. Chúng tôi lại tiếp tục men theo con đường đất đỏ để đến nhà anh Giàng Anh Sửu, người cũng vừa mời thầy về chữa bệnh cho con. Giữ vẻ mặt lạnh lùng, Sửu hỏi chúng tôi bằng  tiếng Kinh lơ lớ: “Có việc gì thế? Đi du lịch à?”. Sau vài ba câu chuyện giữa chúng tôi không còn khoảng cách, anh rỉ rả kể về bản mình về những phong tục tập quán như thể đã quen từ lâu lắm.

Anh bảo: “Tục nhờ thầy “bắt ma”, trừ tà có từ xa xưa rồi, nếu gia đình nào không làm thì sẽ gặp nhiều tai họa. Các thầy có sức mạnh lắm đó, được trên trời phái xuống để giúp bà con. Con nhà tôi được thầy làm cho nên đã khỏi bệnh, giờ khỏe mạnh bình thường rồi. Nếu bị con ma nó bắt thì phải làm sớm, càng sớm càng tốt đấy. Ai mà ốm đau hay đứa trẻ bị ma nó bắt, nó quấy thì mời thầy đến cúng cho.

Nghe những người nơi đây kể mới thấy được quyền lực của các thầy cúng là rất lớn. Chỉ có thầy mới làm được những phép thuật trừ tà ma, đuổi bệnh tật cho mọi người. Điều đặc biệt hơn, các gia đình ở Tà Xi Láng không có bát hương để thờ mà chỉ có thầy cúng mới có. Bát hương này dùng để cúng người sống và chữa bệnh chứ không phải để thờ cúng tổ tiên.

Khi người mắc bệnh, thầy cúng sẽ đứng trước bát hương và hỏi bệnh này là bệnh gì? Có phải ma làm hay không? Cái vía ở được hay không ở? Sau những câu hỏi đó, thầy sẽ lấy ra một cây kéo cắt ngang tờ giấy đã được viết chữ của người Mông, nếu khỏi thì không phải đi bác sĩ.

Em Vàng A Phán là người hiếm hoi ở bản phản đối cách chữa bệnh của thầy cúng. Phán chia sẻ: “Em ra thị xã làm mấy năm nay rồi, ở đó người ta chữa bệnh toàn đến bệnh viện cả. Em nghĩ đúng là có bệnh tật gì thì phải đi gặp bác sĩ, uống thuốc mới khỏi được chứ. Như ở bản này, nhiều người chết vì bệnh tật lắm, mời thầy đến cúng nhưng cũng nhiều người có khỏi bệnh được đâu, bệnh còn nặng hơn ấy”.

Treo người chết lên để người sống được… bình an?!

Càng tìm hiểu về những hủ tục ở Tá Xi Láng, chúng tôi càng thấy lạnh sống lưng. Đa số người Mông ở đây vẫn còn giữ cách nghĩ: Nếu người thân chết mà bỏ vào quan tài là trái với tục lệ, sau khi chôn cất, tổ tiên sẽ gây phiền hà cho người còn sống, người còn sống khổ sở, bệnh tật và làm ăn lụi bại.

Vì những suy nghĩ đó, khi có người thân qua đời, các gia đình ở đây vẫn giữ phong tục cũ là đặt người đã mất lên cáng hay để vào một tấm ván treo lên sát vách ở giữa nhà.

Trước kia, với những gia đình giàu có, họ treo người chết trên vách nhà cả tuần, còn những gia đình khó khăn thì chỉ dăm ba ngày. Tuy nhiên, dù gia đình khó khăn hay khá giả thì họ đều phải mổ đến năm, sáu con trâu, bò, lợn và hàng chục hũ rượu. Họ ăn uống linh đình, xuyên cả ngày, tùy vào điều kiện hoàn cảnh mà ăn uống vài ngày hoặc cả một tuần.

Nói về tục lệ này, ông Hờ Súa Páo (một già làng, cũng là thầy cúng) cho hay: “Trước đây, có nhà treo người chết trên vách nhà cả tuần. Mùi hôi thối bốc ra kinh lắm, chân tay người chết rụng cả ra, bọ bò lúc nhúc, nhìn vào thật khủng khiếp, vậy mà họ vẫn ăn uống bình thường được.

Đã gọi là phong tục thì khó bỏ được lắm. Nhà nào có người chết mà không tổ chức như vậy thì sẽ không được gặp tổ tiên, con cháu không bình an đâu…”.

Bát hương này chỉ để cúng người sống.

Bát hương này chỉ để cúng người sống.

Không như người Kinh, đồng bào Mông ở Tà Xi Láng an táng người chết rất đặc biệt. Thi thể được treo lên cao bằng bàn thờ và đặt vị trí chính giữa nhà, họ không cúng bái, không khóc than, con cháu, họ hàng tập trung đông đủ để mổ trâu, mổ bò ăn và uống rượu nhiều ngày.

Người chết được chôn không có quan tài, không chôn thẳng xuống đất. Có bao nhiêu người thì tham gia khiêng, họ không chôn ở ao hồ hay vùng đất trũng mà chôn ở xung quanh nhà, không cúng bái hay làm giỗ. Bởi theo họ, người đã chết thì linh hồn đã được siêu thoát, không phải cúng bái gì thêm.

Vài năm gần đây, cán bộ địa phương đã nhiều lần đến từng hộ gia đình, kêu gọi, tuyên truyền xóa bỏ phong tục lạc hậu. Thậm chí chính quyền địa phương còn ra mức phạt tiền nếu gia đình nào không mang chôn cất. Chính vì thế, hiện nay người dân cũng đã dần thay đổi suy nghĩ. Thay vì treo người chết cả tuần thì chỉ treo một hai ngày, trâu bò cũng chỉ mổ một hoặc hai con.

Một cán bộ địa phương cho hay: “Đó là phong tục truyền thống của đồng bào Mông, nó đã ăn sâu đến từng bản, từng gia đình, từng con người nên rất khó xóa bỏ dứt điểm. Chúng tôi thống nhất là tuyên truyền dần dần, để bà con hiểu ra”.

Nguồn: [Link nguồn]

“Choáng” với những phong tục kỳ lạ của các nước trên thế giới

Việc chạm vào đầu và tóc của người khác ở Thái Lan là điều tối kỵ vì nó bị coi là xúc phạm người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Anh ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN