Dân tộc nào ăn Tết cổ truyền sớm nhất ở nước ta?

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Người dân tộc này ăn Tết cổ truyền vào đầu tháng 12 âm lịch (trước Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng). Tết năm mới của người Mông không cố định vào một ngày cụ thể, mà là khoảng ngày do Hội đồng già làng trưởng bản ấn định

1

Dân tộc nào ăn Tết cổ truyền sớm nhất nước ta?

Người S’Tiêng

Người Dao

Người Mông

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Thông thường, Người Mông ăn Tết cổ truyền vào đầu tháng 12 âm lịch (trước Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng). Tết năm mới của người Mông không cố định vào một ngày cụ thể, mà là khoảng ngày do Hội đồng già làng trưởng bản ấn định, trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong khoảng thời gian đó.

2

Trong số 54 dân tộc anh em của người Việt, đồng bào người Mông có dân số đông thứ mấy?

Thứ hai

Thứ ba

Thứ tư

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Trong số 54 dân tộc anh em của người Việt, đồng bào người Mông có dân số đông thứ 2, chỉ sau người Kinh. Cùng với các dân tộc còn lại, người Mông đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo, đa dạng. Có dịp du lịch Tây Bắc hay một số vùng thuộc Bắc Trung Bộ, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những bản làng người Mông thật xinh đẹp, bình yên. Đồng bào người Mông chia thành nhiều nhóm như Mông Trắng, Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Hoa, Mông Xanh, Mông Mán và Na Mẻo. Mỗi nhóm người Mông lại có sự khác biệt về ngôn ngữ và trang phục. Thông thường, người Mông Đen sẽ mặc váy có nhiều màu đen, còn người Mông Trắng chủ yếu mặc váy có màu trắng.

3

Tết cổ truyền của người Mông thường kéo dài mấy ngày?

3-5 ngày

5-7 ngày

7-10 ngày

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Tết cổ truyền của người Mông kéo dài 3-5 ngày với các đồ lễ như: lợn, gà, bánh dày, hương, giấy dó. Lợn thường được các gia đình nuôi từ đầu năm, đến Tết mới thịt. Gà, đặc biệt là gà trống, là vật dâng cúng chính trong các nghi lễ ngày Tết của người Mông. Người Mông quan niệm và tin rằng con gà là giống vật thiêng, có khả năng trừ ma và sai khiến được cả hồn người, trâu, bò, lợn, hồn thóc lúa. Bánh dày (tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất) được làm từ gạo nếp nương, không bị pha tạp, dùng để cúng, ăn trong Tết và làm quà biếu. Hương thắp được đồng bào làm từ loại cây rừng có tên là lộng xeng. Giấy dó được làm từ cây giang bánh tẻ, dùng để trang trí nhà cửa, làm tiền âm phủ đốt trong nghi lễ. Trong những ngày Tết, người Mông thường đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao. Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày Tết còn là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.

4

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc này có tên gọi là gì?

Xíp xí

Nào Pê Chầu

Chôl Chnăm Thmây

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Tết của người Mông có tên gọi Nào Pê Chầu, có nghĩa là "Ăn Tết ngày 30". Vì theo quan niệm của người Mông thì 30 Tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Để chuẩn bị, từ ngày 25 tháng Chạp (theo cách tính lịch của người Mông), người dân mổ những con lợn to để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất. Từ ngày 27 đến ngày 29 Tết, tại nhà thầy Mo, người Mông làm lễ "thả âm binh" (ua nênh tro khua) về ăn Tết với gia đình hoặc đi rong chơi ngày Tết. Chiều 30 Tết, người Mông dọn dẹp xung quanh nhà để sẵn sàng đón Tết. Sau đó là lễ quét bồ hóng. Chủ nhà lấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc vào 3 cành tre nhỏ, còn lá xanh tạo thành một cái chổi. Sau đó họ quét nhà, bắt đầu từ cột chính đến buồng ngủ của các thành viên trong gia đình, rồi đến gian bếp, cửa phụ, ra gian bàn thờ xử ca, qua cửa chính rồi vứt rác ra vườn với mong muốn vứt bỏ những gì không tốt trong năm cũ.

5

Phong tục thờ bát nước lã và lễ hội nhảy lửa của người dân tộc nào?

Pà Thẻn

Mông

Dao

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Điểm độc đáo trong bàn thờ của người Pà Thẻn là luôn xuất hiện một bát nước lã luôn đầy được đậy kín để thờ cúng trong năm. Nếu nước vơi đi thì phải đợi đến tháng 6 chủ gia đình mới mở bát và chế thêm nước cho đong đầy. Đêm giao thừa tất cả các cửa trong nhà đều được đóng kín và bịt hết lỗ thoáng rồi chủ nhà sẽ dùng nước trong bát đó để lau chùi sạch sẽ và thay lượt nước khác để đón chào năm mới. Mọi hành động trên đều diễn ra bí mật nếu trót bị lọt ra ngoài thì cả nhà sẽ gặp xui xẻo, vận hạn trong năm tới.

6

Trong ngày Tết của người Hà Nhì dâng cúng tổ tiên, lễ vật bắt buộc các gia đình phải có là gì?

Thịt trâu

Thịt lợn

Thịt gà

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Khi mổ lợn ăn Tết lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

7

Người dân tộc nào ở nước ta với phong tục bắt chồng?

Cil

Cơ Ho

Chu Ru

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Nếu như các dân tộc vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tục “bắt chồng”. Vui trong tiết xuân tràn trề nhựa sống, say trong ché rượu cần ấm nồng tình lứa đôi, các chàng trai cô gái có tình ý với nhau sẽ ra dấu để nàng chuẩn bị “bắt chàng” về chung nhà. Người dân tộc Churu theo chế độ một vợ một chồng, người đàn ông thường sống với gia đình nhà vợ, con cái đều theo họ mẹ. Bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba, mùa bắt chồng của các thiếu nữ dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm là một ngày lễ truyền thống quan trọng của nhiều nước đồng văn. Ngày lễ này được tổ chức ở nhiều quốc gia và mỗi nơi đều có những phong tục, truyền thống riêng với mục đích mang lại may mắn cho năm tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN