Tết nên chuẩn bị hạt gì?

Sự kiện: Tết

Tết đến nhà nào cũng có một vài loại hạt nào đó để ăn như hướng dương, hạt dưa, hạt dẻ cười, hạt hạnh nhân, óc chó v.v…

Tuy nhiên ăn thì thích nhưng mỗi lần khách đến dọn nhà phát ốm vì vỏ của các loại hạt này mà lại còn “tốn kém”. Tin Vịt 24H xin tư vấn một mẹo nhỏ để tránh mấy điều bất tiện trên, ví dụ mua hạt dẻ thì nên chọn hạt dẻ khóc (loại hạt mím mồm) chớ mua hạt dẻ cười (loại vỏ làm nứt sẵn), loại hạt dẻ khóc vỏ kín này đảm bảo cả buổi chắc cắn được vài hạt, riêng hạt dưa khi mua về, bắc chảo lên, cho dầu ăn vào, bỏ hạt dưa vào rang, khi khách ăn, có nước miếng vào, bỏ lên miệng cắn, hạt sẽ trượt hết bên này sang bên kia, lúc văng ra xa hoặc kẹt cứng kẽ răng, nhìn người ăn nom hết sức vô duyên, thậm chí có khi còn chui tọt vào mồm. Vậy là khách tự dừng. Chỉ cần vài mẹo nhỏ như vậy, đảm bảo bạn chỉ cần mua nửa ký hạt, ra Tết vẫn còn y nguyên. Chủ nhà vẫn được tiếng thơm thảo, khách được tiếng ăn uống nhã nhặn.

*
* *

Chổi Tết!
Ở Tầng 5 chung cư đền bù K, Hà Đông, Hà Nội có anh Minh Tuấn, tục gọi là Tuấn “kều”, anh cao dễ chừng phải 1m9, cái quần sooc anh mặc phải dài bằng quần dài của khối người. Hàng xóm cùng tầng có việc gì liên quan đến độ cao đều nhờ anh, hễ có anh là cái thang thành thừa, cái ghế đâm ra ế. Những việc như treo tranh ảnh, bàn thờ, lấy quần áo trên dây phơi, làm vệ sinh điều hòa, bắt thạch sùng…v.v… đều được anh làm dễ như ăn kẹo. Được cái anh Tuấn lại khéo tay, dễ tính, hay giúp đỡ mọi người (đặc biệt là các cô gái trẻ) nên ai cũng quý. Tết năm nay anh được cả xóm tín nhiệm nhờ quét mạng nhện trên trần nhà, anh Tuấn nảy ra sáng kiến rất hay và không mất nhiều công sức đó là anh buộc một cây phất trần hoặc chổi lông gà lên đầu rồi đi đi lại lại trong phòng, coi như tập thể dục, vừa đi vừa nói chuyện với hàng xóm rất thoải mái, vậy mà trần nhà sạch bong. Sau vụ đó, anh Tuấn có nick mới: Tuấn “phất trần”. Mọi người còn tếu táo trêu đùa anh bằng dự án cõng các cô gái trẻ qua quãng đường ngập lụt, nếu mùa mưa năm nay Hà Nội bị nạn hồng thủy.

*
* *

Bia Thạch Sanh uống Tết
Vậy còn Bia bọt thì sao? Hẳn nhiên bạn cũng cố mua một thùng. Khách khứa đến bất kể bạn bè thân sơ, họ hàng xa gần, bạn cứ bày ra trước mặt họ những cái cốc to tổ bổ đựng chừng gần 1 lít. Ngày Tết khách khứa đã thăm thú nhiều nơi, ai cũng đã la đà mỗi nhà vài chén rượu, cốc bia, ngất ngây con gà tây, nay nhìn thấy cái cốc to như cái chậu thì kiểu gì cũng xua tay xin kiếu vì hồn xiêu phách lạc. Khi đó bạn chỉ cần đem ấm trà ra là họ cảm ơn cảm ơn gần chết. Với chiêu này bạn được tiếng “thoáng” mà cả Tết chắc chỉ hết 3 lon.

*
* *

Thực phẩm Tết của Trùm Sò
Riêng về thực phẩm bánh kẹo mứt, khô bò, khô ngựa… bạn cứ kiếm vài cái tem “Made in … Tàu” lên, kiếm cái to to một chút, chữ bắt mắt dễ nhìn, đảm bảo bày ra mời, khách khứa sẽ tìm cách chối khéo mà không dám nói rõ nguyên nhân. Cần thiết bày thêm vài bài báo nói về sự độc hại của thực phẩm TQ xung quanh. Đảm bảo khách chỉ tới nhà bạn chúc Tết xuông mà bạn không tốn chút nào.

*
* *

Ngẩu pín kẻ thua trận
Tây Ban Nha nổi tiếng nhờ bóng đá và lễ hội đấu bò tót. Ngoài ra, các quý ông còn rỉ tai nhau món ngẩu pín của chú bò bị chết trong các cuộc đấu bò tót... Có một giai thoại về món ngẩu pín này như sau: Có anh chàng người Mĩ đi du lịch Tây Ban Nha cùng bạn bè, khi vào quán ăn để thể hiện mình rất hiểu tiếng nói và phong tục địa phương, anh chàng dõng dạc: "Chủ quán, cho món ngẩu pín của kẻ thua trận chiều nay". Chủ quán bưng ra một đĩa, bên trên chỉ có tí tẹo thịt. "Sao của “nó” nhỏ thế này? - Anh chàng Mĩ ngạc nhiên".  "Thưa, vì chiều nay kẻ thua trận không phải là bò mà là... đấu sĩ".

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN