Có một thời ta đã sống (11): Xem phim "con lợn"

9h sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, mời các bạn đón xem loạt blog vui dài kỳ về cuộc sống sinh viên xưa.

Sinh viên ở KTX BKHN buổi tối có thể thưởng thức môn nghệ thuật thứ bảy ở nhiều nơi với nhiều loại hình xem công khai và xem lậu. Loại công khai có thể xem ngay ở hội trường nhà văn hóa sinh viên B9. Ở đó có một chiếc tivi khá to chuyên phục vụ các chương trình thời sự và phim ảnh.

Có những bộ phim truyền hình dài tập thời đó khá hay, ví như: “Khát Vọng”, “Thủy Hử” của điện ảnh Trung Quốc, “Người Giàu Cũng Khóc”, “Đơn giản, tôi là Maria” của Mexico… Đối tượng xem vốn là những người thực sự yêu phim, sinh viên nam nữ ngồi xen kẽ nên ai cũng cố tỏ ra mình là người có văn hóa không phải dạng vừa, vừa xem vừa phê bình điện ảnh như đúng rồi.

Có một lần khi cả hội trường trai gái đang im phăng phắc theo dõi một bộ phim truyền hình dài tập thì bất ngờ ở cửa xuất hiện một chú sinh viên diện áo ba lỗ dệt kim Đông Xuân và một chiếc quần đùi Thái 2 màu (loại quần đùi “thần thánh” một thời), chú ta hết sức hồn nhiên cất giọng gọi:

- Tùng “cửng” ơi!
- Ơi, tao đây – Một chú ngồi hàng ghế đầu quay lại giơ tay ra hiệu cũng hồn nhiên không kém.
- Bạn gái mày đến chơi! – Chú đứng ngoài thông báo.
- Ừ, tao về đây!

Rồi chú chàng đứng dậy rẽ ghế chạy ra trong những tràng cười sặc sụa của các nam sinh viên và tiếng cười tủm tỉm đỏ bừng mặt mũi của các nữ sinh. Tất nhiên chú sinh viên có tên Tùng “cửng” kia chắc phải mấy hôm sau mới hiểu nguyên nhân tiếng cười đó. Công nhận chú chàng này được bạn bè ở phòng đặt cho một cái nick thể hiện một động từ rất “dị” chỉ có ở những thằng con trai mới lớn, trẻ trâu hết chỗ nói. Đã thế, thằng bạn vàng lại còn hồn nhiên réo tên chú giữa cả trăm trí thức trẻ rường cột nước nhà đang thưởng thức văn hóa, thực là “nhã” hết mức.

Những loại phim đã được cơ quan văn hóa cấp phép phê duyệt thì chúng tôi xem trên tivi ở nhà văn hóa KTX, còn những loại phim lậu theo mô-típ: Lời thoại ngắn, chủ yếu là tiếng kêu, vài ba diễn viên, hành động lặp đi lặp lại… thì cũng có thể xem khá dễ dàng ở xung quanh KTX. Đầu tiên có thể nói tới là quán Thịnh ở chếch ngay bên trái cổng KTX một đoạn. Thịnh trạc ngoài 30, người nhỏ con, tóc dài, mặt rỗ nhằng nhịt, nom khá dữ tướng. Thịnh có vợ tên Hoa nên cánh sinh viên thường gọi là “Hoa Thịnh Đốn”. Nhà Thịnh bán cơm bụi nhưng kiêm cả nhà truyền bá văn hóa Âu Mỹ cho sinh viên. Thịnh có rất nhiều băng video đủ thể loại. Cứ chú sinh viên nào vào ăn cơm tối là Thịnh lại nhấm nháy:

- 9h các chú  ra anh nhé, hôm nay có “những bông hoa nhỏ” mới bỏng giãy luôn!

Mặc dù cách tiếp thị của Thịnh là đến tận… tai người tiêu dùng, giá vé xem phim cũng khá hấp dẫn, tuy nhiên cánh sinh viên KTX vẫn không thích “rạp xi-nê” Hoa Thịnh Đốn này lắm bởi băng hình của Thịnh độ nét thấp, phim thì chẳng có nội dung gì, thêm nữa “rạp” phim này lại quá gần cổng KTX trong khi mồm Thịnh lại bô lô ba la như cái loa phường, cứ làm như là phim của hắn được cấp phép không bằng.

Một “rạp” khác băng qua đường Giải Phóng sang khu Kim Liên (đường Xã Đàn bây giờ), “rạp” này cực bé, mỗi buổi chiếu chỉ phục vụ được dăm bảy người bởi nó chỉ là nhà riêng của một cặp vợ chồng trạc ngoài 40, ban ngày bán quần áo cũ, ban đêm mới kinh doanh “văn hóa”. Muốn đến xem ở rạp này phải có sự bảo lãnh của người quen, mà tiêu chí “người quen” cũng không khó gì, cứ sau 1 bữa xem là thành quen. Một điều khá dị ở rạp này là cả hai vợ chồng chủ nhà ngồi xem luôn cùng các chú sinh viên, may mà mụ vợ chủ quán cũng bị xếp vào loại “không đến nỗi xinh” nên không có rắc rối nào phát sinh.

Được nhiều sinh viên KTX lựa chọn hơn cả là nhà Bát Giác – Trung Tâm Văn Hóa BK, phim ở đây có nội dung. Người xem có một kinh nghiệm để đoán biết được đêm đó nhà Bát Giác sẽ chiếu phim thể loại nào căn cứ vào tên phim hoặc dòng chú thích “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” trên bảng tin.

Xem phim ở đây xong nhiều chú ra về bỗng dưng không đứng thẳng nổi, có chú còn lom khom giả bộ tìm chìa khóa đánh rơi. Một số chú khác mặc dù mùa hè nóng nực nhưng vẫn thò hai tay vào túi quần đi lại rất thiếu tự nhiên, cực kỳ hài hước. Sau khi chúng tôi ra trường được vài năm thì vào một ngày, nhà Bát Giác này đã bị công an ập vào bắt quả tang, vụ việc được truyền thông khắp cả nước, báo chí thi nhau giật tít: “Nhà văn hóa phản văn hóa” cứ gọi là hót hòn họt chỉ sau vụ Yến Vi ngày đó một chút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cử Tạ ([Tên nguồn])
Có một thời ta đã sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN