ZTE bất ngờ “đóng băng” việc thực hiện dự án đã ký với một nhà mạng Việt Nam
Nguồn tin của ICTnews cho hay ZTE đã dừng dự án mở rộng mạng của một nhà mạng tại Việt Nam sau lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào công ty.
ZTE bất ngờ “đóng băng” không thực hiện tiếp dự án đã ký với một nhà mạng Việt Nam.
Một đối tác tự nhận là nhà thầu phụ của ZTE tại Việt Nam cho ICTnews hay là họ đang bị nợ đọng với số tiền rất lớn bởi ZTE “đóng băng” dự án với một nhà mạng ở Việt Nam. Nguồn tin này cho ICTnews hay hậu quả là mạng này lâm vào cảnh khó khăn. Hiện cho đến thời điểm này ZTE tại Việt Nam không đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan đến vấn đề này.
Trong một diễn biến khác sau khi Chính phủ Trung Quốc tìm kiếm sự thỏa hiệp từ phía Mỹ về lệnh cấm công ty bán thiết bị mạng viễn thông và điện thoại thông minh ZTE, có vẻ như Tổng thống Trump đã bắt đầu "xiêu lòng".
Chủ nhật qua Trump đã đăng lên Twitter dòng nội dung với ý định tạo điều kiện cho ZTE hoạt động trở lại thị trường Mỹ:
"Tổng thống Tập Cận Bình và tôi đang thỏa hiệp cùng nhau để cho phép cho công ty sản xuất lớn ZTE trở lại kinh doanh một cách nhanh chóng. Rất nhiều người tại Trung Quốc đã bị mất việc. Bộ Thương Mại cũng đang được hướng dẫn để hoàn thành các thỏa hiệp này".
Trước đó vì lệnh cấm từ phía Mỹ, ZTE đã buộc phải ngừng lại các hoạt động chính của mình tại nước này. Bao gồm việc ZTE sẽ không được bán các thiết bị viễn thông và di động trong vòng 7 năm tới, cũng như ngừng hợp tác trong chuỗi cung ứng với các gã khổng lồ như Intel, Qualcomm và Google.
Hành động và lời nói của Tổng thống Trump đang ngày càng trở nên đầy khả nghi và khó hiểu. Vậy động thái nào khiến ông quyết định nhanh chóng như vậy?
Vào năm ngoái ZTE đã chi 2,34 tỷ USD để mua lại các thiết bị và phần mềm cho điện thoại và mạng viễn thông từ hơn 200 nhà cung cấp thiết bị của Mỹ. Trong đó có các nhà cung cấp lớn như Qualcomm, Broadcom, Intel, Xilinx, SanDisk và Acacia Communications, cụ thể ZTE đã trả cho mỗi công ty ít nhất là 100 triệu USD.
Không những thế ZTE cũng không được quyền sử dụng hệ điều hành Android và truy cập vào cửa hàng ứng dụng Google Play. Ngay cả khi ZTE có xây dựng cửa hàng ứng dụng riêng của mình cũng không thể giữ lại các ứng dụng do Mỹ tạo ra trên nền tảng của mình.
Ngoài ra công ty sẽ không được quyền truy cập vào các bản phát hành và các bản vá lỗi của Android cho đến khi chúng được phát hành rộng rãi. Hầu hết các điện thoại của ZTE được bán ở Mỹ là thông qua các nhà mạng viễn thông tại các địa phương như Verizon hoặc T-Mobile. Nếu lệnh cấm xảy ra, ZTE cũng mất khả năng truy cập và cập nhật bản vá lỗi đang có trên các điện thoại, không được chạy thử nghiệm trước các bản điều hành - chìa khóa để mở cửa hàng ứng dụng.
Chính điều này sẽ làm cho các đối tác của Google có xu hướng phát triển cửa hàng ứng dụng mới để được tích hợp vào các điện thoại mới nhất của mình.
Lệnh cấm của Mỹ cũng tạo nên hiệu ứng tiêu cực lên các thị trường khác ngoài Mỹ. Cụ thể là cản trở khả năng duy trì và xây dựng mạng mới của ZTE tại các nước như Ấn Độ, Ý hoặc Áo - nơi mà gần một nửa dân số đều sử dụng các thiết bị mạng không dây.