Thêm "ông lớn" nhảy vào thị trường thanh toán không chạm bằng mã QR

Sự kiện: Chuyển đổi số

Người dùng có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng hóa và dịch vụ từ điện thoại di động bằng cách quét mã QR Mastercard.

SmartPay và Mastercard tuyên bố mở rộng quan hệ đối tác chiến lược nhằm triển khai dịch vụ thanh toán số bằng mã QR Mastercard tại Việt Nam. Hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) thông qua việc tăng cường khả năng tiếp nhận thanh toán số của họ. Mục tiêu là trang bị khả năng chấp nhận mã QR Mastercard cho hơn 600.000 địa điểm thuộc mạng lưới nhà bán hàng đã đăng ký của SmartPay trên toàn quốc.

QR Mastercard đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

QR Mastercard đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

Tại Việt Nam, MSME chiếm trên 93% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy vậy, MSME vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn do thiếu cơ sở hạ tầng, cụ thể là thiết bị đầu cuối ở điểm bán (POS) và các công nghệ chấp nhận thanh toán kỹ thuật số khác. Điều này đang cản trở MSME bắt kịp tốc độ chuyển đổi số quốc gia. 

Theo số liệu thống kê từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 3 năm 2023, thanh toán bằng mã QR tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị. Trong khi đó, thanh toán qua POS cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với mức tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị.

Việc triển khai mã QR Mastercard tại Việt Nam sẽ cho phép các MSME đem đến trải nghiệm thanh toán thuận tiện, an toàn và liền mạch, phục vụ tốt hơn phong cách sống ưu tiên kỹ thuật số đang ngày càng phát triển của người tiêu dùng.

Qua đó, họ có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng hóa và dịch vụ từ điện thoại di động bằng cách quét mã QR Mastercard hoặc nhập thủ công tên giao dịch riêng của các tiểu thương chấp nhận thanh toán mã QR Mastercard.

Phương thức thanh toán này kết hợp sự thuận tiện của tiền mặt và độ bảo mật của thanh toán bằng thẻ mà không cần thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ. Luồng tiền giữa người bán và người mua sẽ được luân chuyển trong thời gian thực mà không phải đầu tư vào thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ.

Trong khuôn khổ quan hệ đối tác này, bên cạnh mã QR Mastercard, SmartPay cũng sẽ triển khai các giải pháp chấp nhận thanh toán hàng đầu khác của Mastercard như SoftPOS - một giải pháp chấp nhận thanh toán đơn giản, chi phí thấp, cho phép các MSME sử dụng điện thoại thông minh thành thiết bị đầu cuối tại điểm bán có khả năng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. Việc thanh toán được thực hiện bằng thẻ vật lý mà không cần đến phần cứng thiết bị đầu cuối truyền thống.

Visa và SAP cũng vừa công bố thiết lập mối quan hệ hợp tác để đơn giản hóa giao dịch thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), cho các doanh nghiệp quy mô từ nhỏ đến lớn, cơ quan chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận dựa trên Nền tảng Công nghệ Kinh doanh (SAP BTP)

Giải pháp tài chính này sẽ bắt đầu được cung cấp cho các khách hàng của SAP tại Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và sẽ sớm triển khai tại các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nền tảng Công nghệ Kinh doanh (SAP BTP) là một nền tảng đổi mới được tối ưu hóa cho các ứng dụng lưu trữ đám mây, kết hợp khả năng phát triển và tự động hóa ứng dụng, dữ liệu và phân tích, tích hợp và trí tuệ nhân tạo (AI) vào một môi trường thống nhất. Thông qua sự hợp tác này, Visa và SAP sẽ giúp thu hẹp khoảng cách vốn lưu động trong chuỗi cung ứng.

Trong bộ Giải pháp Thương mại & Chuyển tiền, thông qua SAP BTP, Visa sẽ giúp điều hướng khoản thanh toán thương mại tới tất cả các nhà cung cấp, cho dù họ có chấp nhận thanh toán bằng thẻ hay không. Giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp là chủ thẻ Visa thực hiện thanh toán một cách liền mạch và tận dụng được các lợi ích dành cho chủ thẻ, dù ở trong hay ngoài nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh toán không tiền mặt: Quét QR code tăng mạnh tại Việt Nam

Tính đến hết tháng 3/2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh nhất tại Việt Nam với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Phạm ([Tên nguồn])
Chuyển đổi số Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN