5 điều cần làm khi phạm sai lầm trong công việc

Thứ Bảy, ngày 28/02/2015 13:54 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Phạm lỗi trong công việc là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Thừa nhận thiếu sót và cố gắng tập trung vào các biện pháp giải quyết giúp người lao động khắc phục lỗi lầm đã gây ra

Trong quá trình làm việc, người lao động đôi lúc sẽ mắc phải những sai lầm không mong muốn. Tùy vào từng trường hợp, hậu quả của sai sót sẽ có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nếu không có phương pháp xử lý phù hợp, những sai phạm đó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn.

5 điều cần ghi nhớ sau đây có thể giúp bạn khắc phục được lỗi lầm và hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến uy tín bản thân trong công việc.

1. Thừa nhận sai sót

Khi phát hiện ra sai sót, bạn cần nhanh chóng thông báo với cấp trên về vấn đề này. Ngoại trừ các trường hợp đơn giản khác như sai sót xảy ra không gây ảnh hưởng đến người khác, cá nhân người lao động dễ dàng chỉnh sửa lỗi lầm thì bạn không nhất thiết phải báo cáo với người quản lý. Tuyệt đối không nên cố gắng che giấu sai lầm của chính mình. Hành động này sẽ khiến uy tín của bạn bị suy giảm một khi sự việc được phát hiện. Dũng cảm đối mặt với lỗi lầm là biểu hiện của một nhân viên chuyên nghiệp.

5 điều cần làm khi phạm sai lầm trong công việc - 1

Báo cáo sai sót với cấp trên. Ảnh minh họa.

2. Có kế hoạch sửa lỗi

Bạn nên cố gắng đưa ra giải pháp để khắc phục sai lầm của mình trước khi để người khác nhận ra. Khả năng còn hạn chế, bạn không thể tự mình giải quyết sai phạm một cách nhanh chóng, hãy báo cáo với cấp trên bất kỳ lúc nào. Điều bạn cần làm là cho người quản lý biết rằng bạn vẫn đang cố gắng khắc phục lỗi lầm của mình dựa trên một số giải pháp thiết thực.

Một khi bạn đã hiểu mình cần làm gì, hãy trình bày phương án giải quyết thật rõ ràng. Thêm vài một vài đề xuất tích cực để khắc phục sự cố có thể giúp giảm thiểu hậu quả do sai sót mang lại. Đây là lúc kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn có cơ hội thể hiện và rèn luyện.

3. Không đổ lỗi cho ai khác

Làm việc trong một tổ chức, mỗi thành viên đều có một vai trò riêng. Khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, muốn chối bỏ trách nhiệm hay không chấp nhận được lỗi lầm, con người sẽ có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Để tránh dẫn đến tình trạng không có sự phân định rõ ràng trong trách nhiệm của từng cá nhân, khi bắt tay vào công việc bạn và đồng nghiệp cần xác định rõ ràng giới hạn làm việc và phạm phi phụ trách. Hãy cho cấp trên biết về sự cam kết này. Lỗi lầm xảy đến, mọi người trong nhóm có thể dựa vào sự thỏa thuận để quy kết trách nhiệm. Học cách chịu trách nhiệm với sai lầm của chính mình sẽ giúp bạn trở nên tiến bộ hơn.

4. Dừng việc trách móc

Bạn đã dũng cảm thừa nhận sai sót của chính mình nhưng vẫn cứ mãi tự vấn, trách móc chính mình vì đã để sai sót xảy ra. Điều này sẽ không giúp ích gì cho quá trình làm việc kế tiếp, thậm chí càng khiến người khác để ý nhiều hơn vào sai sót của bạn. Lỗi lầm đã xảy ra không thể nào thay đổi. Việc bạn cần làm là tập trung vào hành động để sửa lỗi và khắc phục. Nhà quản lý muốn nhìn thấy kết quả của việc sửa sai hơn là cứ phải lưu ý đến sai sót do nhân viên mình mắc phải.

5. Chủ động khắc phục

Một khi đã gây ra lỗi lầm, bạn cần chấp nhận rằng chính mình phải tự  bỏ ra thời gian, tiền bạc, công sức để bù đắp vào thiếu sót đã tạo ra. Bạn sẵn sàng để làm thêm giờ, trả tiền cho các chi phí phát sinh hay thực hiện tất cả những hoạt động khác... Nhà quản lý, đồng nghiệp và bạn bè chỉ có thể hỗ trợ bạn một phần nào đó. Bạn là nhân tố chính để thực hiện các giải pháp khắc phục. Tinh thần làm việc có trách nhiệm được thể hiện thông qua nỗ  lực khắc phục của cá nhân  cho sự cố này. Tất cả các sai phạm trong công việc sẽ cho bạn nhiều bài học, giúp bạn trở nên mạnh mẽ và biết cách xử lý linh hoạt hơn khi xảy ra những tình huống không mong muốn.

Chia sẻ
Theo Khánh Di (TimViecNhanh/About.com)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN