Chấn động 9,3 tỷ đồng mua BXH nhạc xứ Hàn
Showbiz Kpop mới đây khiến dư luận chấn động trước một tài liệu tiết lộ việc các công ty quản lý ca sĩ ở Hàn Quốc phải bỏ hàng trăm triệu won để mua bảng xếp hạng âm nhạc cho “gà” nhà.
Gần đây truyền thông Hàn Quốc đã tiếp nhận một tài liệu mang tên "Kế hoạch đối phó hiện tượng càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc" do một công ty phát hành nhạc có quy mô vào loại lớn ở Hàn Quốc soạn thảo. Đây được coi như một tài liệu phân tích chi tiết và cụ thể nhất từ trước đến nay về những mánh khóe, sự gian dối của các công ty quản lý ca sĩ, ngôi sao ca nhạc trong việc giúp ca khúc của “gà” nhà tăng thứ hạng ở những vị trí Top Ten tại các bảng xếp hạng uy tín.
Sau khi có trong tay tập tài liệu trên, đơn vị truyền thông ở Hàn Quốc đã cho công bố rộng rãi với công chúng. Sự việc trên đồng thời được coi như vấn nạn “càn quét bảng âm nhạc” lần đầu xuất hiện ở đất nước này.
Bảng xếp hạng của trang nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng Melon. (Ảnh mang tính minh họa)
Dựa theo thông tin từ tài liệu này, truyền thông Hàn Quốc đã phát hiện tên tuổi cụ thể của các công ty chuyên gia trong việc “chiếm”, “càn quét” thứ hạng tại các bảng xếp hạng âm nhạc. Ngoài ra trong tài liệu này còn ghi chú cụ thể mức phí cụ thể là bao nhiêu để một ca khúc mới có mặt trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, hàng loạt các ca khúc nửa đầu năm 2013 bỗng trở nên nổi tiếng cũng bị nghi ngờ là “mua” bảng xếp hạng.
5,8 - 9,3 tỷ đồng để lọt vào bảng xếp hạng
Năm 2012, hiện tượng càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc trên mạng ở Hàn Quốc từng trở thành chủ đề thu hút dư luận. Tuy nhiên, với tài liệu bị rò rỉ lần này đã trở thành một cú sốc làm chấn động sân khấu cũng như công chúng Hàn Quốc. Tài liệu này đồng thời giúp công chúng Hàn Quốc có một cái nhìn cụ thể hơn, chi tiết hơn về góc khuất phía sau thứ hạng cao vùn vụt của những ca khúc mới tại các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của Hàn Quốc.
Theo ghi chép từ tài liệu trên cho biết, hiện tại ở Hàn Quốc có từ 3 – 5 công ty chuyên kinh doanh “đánh chiếm”, “càn quét” các bảng xếp hạng âm nhạc”. Về mức giá, để có một ca khúc xuất hiện tại bảng xếp hạng của một trang nghe trực tuyến lớn nhất của Hàn Quốc, số tiền mà’ ca sĩ muốn ca khúc của mình lọt vào bảng phải bỏ ra 500 triệu won (9,3 tỷ đồng).
Với số tiền này, đảm bảo ca khúc của ca sĩ sẽ trở thành bài hát “hot” khi lọt vào Top 20, đồng thời giữ ở vị trí này trong từ 4 – 5 ngày. Còn đối với những ca sĩ đã thành danh, mức phí để ca khúc của họ xuất hiện trong bảng xếp hạng sẽ thấp hơn so với ca khúc mới của đồng nghiệp tân binh, cụ thể là khoảng 300 triệu won (5,8 tỷ đồng).
Các bước và mánh khóe “càn quét”
Sau khi các công ty “càn quét” bảng xếp hạng âm nhạc nhận được tiền, người của những công ty này sẽ sử dụng đến một loạt các cách thức để tiến hành “soán ngôi” ở bảng xếp hạng âm nhạc. Những vật dụng cần đến bao gồm thẻ mở tài khoản, thẻ thanh toán.
Sau đó sẽ tiến hành lập hàng loạt các ID trên trang web có bảng xếp hạng âm nhạc mà ca sĩ yêu cầu. Đồng thời nạp tiền trực tuyến vào những ID tải nghe ca khúc được yêu cầu. Bước tiếp theo là lựa thời gian vào sáng sớm, thời điểm có ít người nghe online, đồng thời ấn liên tiếp vào ca khúc được yêu cầu để giúp tăng thứ hạng cho ca khúc.
Ảnh mang tính minh họa bảng xếp hạng của trang nghe nhạc trực tuyến Mnet
Tất cả các bước trên đều do một chương trình/phần mềm chuyên dụng thực hiện tự động. Trung bình, để nghe trọn vẹn một ca khúc sẽ cần đến khoảng 3 phút. Như vậy theo lẽ thường, mỗi một ID có thể thực hiện nghe được nhiều nhất là 480 lần. Tuy nhiên, khi đã có sự can thiệp bằng những thủ đoạn, mánh khóe đặc biệt từ các “chuyên gia” hack, mỗi ID trong một ngày sẽ dễ dàng thực hiện số lần nghe một ca khúc sẽ lên đến hàng chục ngàn lần/lượt.
Áp dụng vào thực tế nửa đầu năm nay, showbiz nhạc Hàn Quốc đã chứng kiến không ít các nhóm nhạc và ca sĩ mới càn quét tại các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín và danh tiếng. Đầu tiên có thể kể đến một nhóm nhạc thần tượng A, để ý kỹ sẽ thấy ca khúc của nhóm nhạc này chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng vị trí lên từ vị trí 160 đến vị trí 28. Trong khi ca khúc mới của một nhóm nhạc khác chỉ trong vài ngày đã thăng hạng từ vị trí 260 lên thứ 30.
Ngoài ra, trong mùa hè 2013 đã xuất hiện một ca sĩ có ca khúc gây bất ngờ khi có mặt ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng âm nhạc, đồng thời thứ hạng mà ca sĩ này có được cũng khiến dư luận tỏ ra nghi ngờ. Trên một trang web nghe nhạc trực tuyến, bài hát mới của ca sĩ trên lập tức gây chú ý và khiến nhiều người nghi ngờ, đặc biệt khi có một ID mở nghe ca khúc mới này vượt quá 3000 lần.
B.Dolls, nhóm nhạc mới lập năm 2013 (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Theo tiết lộ của một người trong showbiz Kpop tiết lộ, phần lớn hiện tượng càn quét các bảng xếp hạng ca khúc đều do chủ trương của các công ty quản lý ca sĩ thực hiện. Hơn nữa, lý do các công ty quản lý này cố tình vi phạm luật pháp khi thực hiện những mánh khóe, thủ đoạn ranh mãnh trên là bởi, môi trường cạnh tranh của nền âm nhạc Hàn Quốc ngày nay quá khốc liệt.
Nếu một ca khúc mới, trong một thời gian ngắn không thể có mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc có uy tín, điều này cũng đồng nghĩa với việc ca khúc đó sẽ đối mặt với việc sớm bị đào thải, rơi vào quên lãng và hoàn toàn biến mất một cách lặng lẽ, không kèn không trống.
Có cầu ắt có cung
Thêm vào đó, trong thời gian gần đây khi các chương trình ca nhạc của những đài truyền hình lớn, có uy tín ở Hàn Quốc đều đồng loạt ra quy định theo kiểu, những ca sĩ được phép biểu diễn trước hết phải có ca khúc lọt vào những bảng xếp hạng ca khúc nhất định nào đó theo tiêu chuẩn của mỗi đài. Như vậy ca sĩ này mới đủ tư cách được phép xuất hiện trong chương trình của các nhà đài.
Theo quy định của những đài truyền hình lớn, thứ hạng thấp nhất mà ca khúc của một ca sĩ cần phải đạt được là vị trí 50 trở lên. Do đó, tất cả các công ty quản lý, những lò đào tạo ca sĩ, ngôi sao ca nhạc, nhóm nhạc đều áp dụng và thực hiện mọi thủ đoạn để giúp ca khúc của gà nhà có được thứ hạng theo yêu cầu của các đài truyền hình.
Chính những điều kiện trên đã dẫn đến việc xuất hiện những công ty chuyên nghiệp trong việc giúp tăng thứ hạng vị trí ca khúc trong các bảng xếp hạng âm nhạc, xếp hạng ca khúc cho các gương mặt ca sĩ, nhóm nhạc mới. Điều này cũng không có gì khó lý giải, có cầu ắt sẽ có cung.
Từ quy định của các đài truyền hình dẫn đến việc gia tăng nhu cầu có ca khúc lọt bảng xếp hạng (Ảnh mang tính minh họa)
Một mặt khác, những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của các trang web nghe nhạc trực tuyến cũng giúp mang lại lợi ích về kinh tế vô cùng lớn cho các công ty môi giới chuyên nghiệp về giúp tăng thứ hạng các ca khúc. Mỗi lần giúp một ca khúc nào đó có thứ hạng nhất định, họ sẽ đút túi từ 5,8 – 9,3 tỷ đồng. Còn theo một người hoạt động trong lĩnh vực báo chí của Hàn Quốc cho biết, những bảng xếp hạng âm nhạc của Hàn Quốc năm 2012 đều nhờ có tiền để mua thứ hạng, mua bảng xếp hạng chứ không phải do người hâm mộ bình chọn.
Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2013 khi hầu hết các trang nghe nhạc trực tuyến ở Hoàn Quốc đều tiến hành thay đổi phương thức tổng kết bình chọn, đó là nhờ vào những lần nhấp chuột. Như vậy vẫn tồn tại cách thức để giúp gia tăng cơn bão càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc ở Hàn Quốc.
Chưa thể giải quyết triệt để
Vậy làm thế nào để đối phó với hiện tượng “càn quét” các bảng xếp hạng âm nhạc? Theo người quản lý một công ty phát hành album ở Hàn Quốc cho biết, để chống lại tình trạng này, có thể gọi là nạn mua thứ hạng âm nhạc, không thể chỉ dựa vào một hay hai công ty, mà phải cần đến sự liên kết giữa các công ty thu âm và các công ty phát hành băng đĩa.
Ngoài ra cũng nên nêu tên, chỉ đích danh những công ty nhúng tay can thiệp vào việc ăn gian xếp hạng. Hơn nữa cũng nên tiết lộ, vạch tận mặt chân tướng, danh tính của người đứng đầu công ty quản lý, lò đào tạo ca sĩ, ngôi sao ca nhạc mới chính là những người ủy thác cho các công ty môi giới để mua thứ hạng. Đồng thời truy cứu trách nhiệm trước pháp luật những đối tượng gian dối này.
Dù sao phương án trên vẫn chưa phải là tối ưu, bởi chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó chính là môi trường cạnh tranh quá tàn khốc của thị trường âm nhạc nước này. Những quy định ngặt nghèo của các nhà đài vô hình chung lại đề cao những bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến mà không ai biết liệu cách thức hoạt động của trang mạng đó có thực sự ổn hay không?
Liệu có đảm bảo tính công bằng, hoặc trang mạng có bị hack hay không? Âm nhạc được yêu thích và nhận được sự cổ vũ và đón nhận từ chính khán giả, chỉ có những ca sĩ tài năng mới khiến khán giả nghe và cảm, cũng như bầu chọn cho ca khúc của ca sĩ. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại cho phép nghe và bình chọn trực tuyến cần đòi hỏi có hệ thống quản lý mạng thực sự hiệu quả và tiên tiến mới giúp ngăn chặn được tình trạng trên.