Bản quyền ca khúc: Hòa cả làng!

Trùng hợp một cách ngẫu nhiên, hai huấn luyện viên Hồng Nhung và Đàm Vĩnh Hưng đối mặt với vấn đề tác quyền và độc quyền ca khúc khi Giọng hát Việt bắt đầu giai đoạn hai. Điều này thể hiện rằng ca khúc hiện nay vẫn cần được “định danh” một cách rõ ràng.

Dù có nằm trong vòng nghi vấn là scandal để hâm nóng cuộc thi Giọng hát Việt hay không thì câu chuyện tác quyền, độc quyền ca khúc đã đến lúc giải quyết triệt để và nâng cao tính chịu trách nhiệm của các bên khi công bố tác phẩm ra bên ngoài.

Diễn biến hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là phản ánh thực tế việc sử dụng ca khúc hiện nay khá mơ hồ, đặc biệt trong thế giới của các nhạc sĩ trẻ. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mua ca khúc Chút tình từ nhạc sĩ Tuấn Huy, trong khi đó anh không biết được rằng chủ sở hữu ca khúc này lại là người khác. Vậy có không vấn đề tác giả “trung gian” phổ biến ca khúc hiện nay?

Bản quyền ca khúc: Hòa cả làng! - 1

Hồng Nhung và Mr Đàm đồng loạt dính vào vụ bản quyền ca khúc cùng thời gian

Phía Đàm Vĩnh Hưng cho rằng anh sẵn sàng đối mặt với mọi vụ kiện tụng xung quanh ca khúc này, còn nhạc sĩ Tuấn Huy thì viết tâm thư xin lỗi, nhạc sĩ Trường Nhân nhất quyết không bỏ cuộc. Trước kia, khi tác giả không phải là vấn đề lớn có khi công chúng yêu nhạc vẫn không biết được đó là nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay Phạm Duy...

Nay câu chuyện bản quyền, sở hữu trí tuệ được giải quyết một cách nghiêm ngặt thì các nhạc sĩ trẻ cũng mạnh dạn tạo thêm tiếng nói cho chính họ. Có lẽ, làm sáng rõ yếu tố sở hữu ca khúc hiện nay sẽ góp phần giúp cho giới sáng tác có một vị trí mới trong đời sống văn hóa nghệ thuật, không riêng gì lĩnh vực âm nhạc.

Vấn đề sao chép trong thời gian qua cũng được định nghĩa là rất khó xác định, vì vậy việc đăng tác quyền, quyền sở hữu ca khúc sẽ là rất cần thiết để tránh những trường hợp “cầm nhầm” ca khúc người khác. Dù nhạc sĩ Trường Nhân đã có các thủ tục đăng kí hoàn chỉnh cho ca khúc Chút tình, nhưng vẫn xảy ra trường hợp đáng tiếc này.

Hay với ca sĩ Hồng Nhung gặp sự cố với bài hát “Chạy mưa” khi chị chọn trong vòng Đối đầu. Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm cho rằng phía ca sĩ Hồng Nhung đã sai khi cố tình chọn ca khúc độc quyền của anh. Còn ca sĩ Hồng Nhung thì cho rằng trách nhiệm thuộc về Ban tổ chức Giọng hát Việt và Đài truyền hình, vì khi đã được thông qua thì chị mới luyện tập cho thí sinh.

Có một điều ngược đời đang diễn ra trong hoạt động âm nhạc là trước đây hầu như ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng được hát khắp mọi nơi, ở mọi hình thức khác nhau, ca sĩ nổi tiếng có, ca sĩ phòng trà có... nhưng dường như họ cũng không quan tâm mấy đến yếu tố độc quyền tác phẩm.

Nhu cầu phổ biến tác phẩm và có được công chúng là nguyện vọng lớn nhất của tác giả cũng như ca sĩ thể hiện nó. Điều này không đồng nghĩa với việc họ thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ, nhưng rõ ràng, cách “sở hữu” nó nằm trong tính nghệ thuật, đẳng cấp của người nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện nhiều hơn là “định danh” thông thường theo nghĩa hiểu hiện nay.

Độc quyền bài hát nghe có vẻ hợp lý trong thời điểm hiện nay khi ca khúc hay quá ít, ca sĩ phải độc quyền trong một thời gian nhất định để tạo ấn tượng với khán giả. Và đây là cách làm việc không riêng gì với các nghệ sỹ trong nước mà trên thế giới cũng diễn ra tương tự.

Tuy nhiên, nếu không nói là ca sĩ trẻ hiếm có ai tạo được những hit “độc quyền” mà ca sĩ đàn anh đàn chị của họ từng làm được trước đây. Cuộc tranh luận giữa ca sĩ Hồng Nhung và Nguyễn Đình Thanh Tâm trở nên rối rắm khi nhìn vào nhu cầu thực tế là ca khúc mới cần được phổ biến càng nhiều càng tốt. Hơn nữa nếu đó là sáng tác có hơi thở mới, tạo ra những xu hướng nghe nhạc khác lạ thì việc giúp khán giả làm quen với những bài hát như thế là sẽ rất cần thiết.

Bản quyền ca khúc: Hòa cả làng! - 2

Uyên Linh - Thu Minh một thời gian cũng lùm xùm chuyện bản quyền ca khúc Đường cong

Đã có một thời gian, câu chuyện độc quyền và sao chép tác phẩm trở thành scandal gây chú ý của một vài ca sĩ. Đó là trường hợp ca khúc Đường cong của Thu Minh từng được Uyên Linh thể hiện trong Vietnam Idol hay Nơi tình yêu bắt đầu của NS Tiến Minh, Lạc ca khúc độc quyền của Quốc Thiên được Bùi Anh Tuấn “mượn chùa”…

Cũng có một thực tế khá rõ ràng đó là các kịch bản liên quan đến chuyện bản quyền dường như quá giống nhau. Ca sĩ cứ hát, đến khi bị phát hiện mới xin lỗi, thừa nhận và rồi sự việc chìm vào quên lãng. Thật khó để có thể thấy được một vụ việc nào đó có sự vào cuộc quyết liệt hay một hình thức xử phạt đúng luật từ phía cơ quan chức năng. Tâm lý “dĩ hòa vi quý” hay “hòa cả làng” dường như luôn là giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Và khán giả bắt đầu đặt nhiều nghi vấn hơn cho tính xác thực của các vấn đề này. Rõ ràng, hình thức vuốt đuôi, xin lỗi... vẫn thường xảy ra trong các vụ kiện tụng quyền tác giả, tác phẩm tương tự. Không có thái độ nhất quán đã góp phần làm cho quyền sở hữu tác phẩm, ca khúc độc quyền không còn nguyên giá trị ban đầu.

Ở góc độ khán giả đôi khi họ cũng không cần biết bài hát ấy là của ai, ca sĩ nào đang độc quyền và họ chỉ nghe khi thấy nó hay. Nếu các giá trị sáng tạo trong từng tác phẩm cụ thể được nhìn nhận như đóng góp cho sự phát triển chung của đời sống âm nhạc, khi nó mang giá trị lớn hơn là một tác phẩm đơn lẻ thì có thể sức lan tỏa rất lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đánh đồng việc làm rõ quyền sở hữu, hay độc quyền ca khúc hiện nay với nhu cầu phổ biến tác phẩm để bất kì ai cũng có thể sử dụng bài hát của người khác một cách vô tư. Không riêng gì ca sĩ cần thận trọng hơn nữa trong việc tìm hiểu nguồn gốc ca khúc mà các cơ quan quản lý cũng cần có phương thức hỗ trợ tối đa để bảo vệ quyền tác giả, cũng như trách tình trạng vi phạm bài hát độc quyền như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nhật ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN