Ai "nuôi" các cuộc thi hát?
Khán giả có thể vẫn háo hức hoặc chán ngấy, nhưng các chương trình thi hát vẫn diễn ra tấp nập.
Đơn giản, còn nhà tài trợ thì còn tổ chức. Vì đây vẫn là một kênh hiệu quả để bán sản phẩm. Tìm kiếm tài năng chỉ là mục tiêu thứ yếu.
Hiện có 4 cuộc thi hát truyền hình đồng thời lên sóng, trong đó Idol đang đi vào hồi kết, còn Nhân tố Bí ẩn (X-factor) vừa ra mắt số đầu tiên. Mỗi cuộc đều có những định dạng khác biệt để thu hút khán giả. Công thức hát hay + trẻ đẹp đã bắt đầu nhàm chán.
Minh chứng gần đây nhất là Yasuy, hát không hay, ngoại hình không đẹp - vẫn là thần tượng của bao người. Hoàn cảnh xuất thân của thí sinh hóa ra lại đóng vai trò quyết định tỷ lệ bình chọn.
Những giọt nước mắt trở thành thước đo thành công của các cuộc thi hát. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Nhân tố Bí ẩn số phát sóng đầu tiên đã đưa một loạt người có cảnh ngộ khác thường lên sân khấu. Thí sinh càng có chuyện đời éo le sẽ càng được khai thác triệt để. Chẳng hạn sự xuất hiện của Tích Kỳ- chàng rocker 17 tuổi, học lớp 10 bổ túc, với công việc trông xe, muốn đi tìm bố… đã làm khán giả cảm động lắm rồi.
Nhưng chương trình vẫn tiếp tục dấn tới bằng cách đưa bà ngoại của cậu lên sân khấu, gây bất ngờ cho Kỳ. Và cuối cùng cậu cũng đã (phải) khóc tại trận. Hồ Quỳnh Hương hẳn rất nhạy cảm hoặc đã được ê-kip “phím” trước nên mới nhào lên sân khấu ôm Bảo Long- chàng trai tự kỷ ngại tiếp xúc với người lạ, và khẩn khoản đề nghị Long kể câu chuyện của mình.
Mỗi cuộc thi cũng chỉ có một người chiến thắng mà thôi. Và trong khi vị quán quân còn đang loay hoay tìm cách gây dựng sự nghiệp thì công chúng đã lại quay sang theo dõi quá trình tìm vị quán quân tiếp theo. Vì thế mà không ít tài năng vừa được cuộc thi này phát hiện ra đã phải lao vào cuộc khác. Một số tham gia hầu hết các cuộc thi mà vẫn chưa thành tên tuổi.
Một đội ngũ các ca sĩ, nhạc sĩ đã thành danh cũng bị lôi kéo vào công việc giám khảo, dàn dựng, sản xuất chương trình truyền hình thay vì sáng tạo cho những dự án riêng. Trong hoàn cảnh khan hiếm nhân lực, vài chương trình đưa cả những nhân vật không phù hợp lắm vào ghế giám khảo. Chưa nói về độ nổi tiếng hay chuyên môn, mà đơn giản là họ chưa đủ khẩu khí để đưa ra được những nhận xét xác đáng đồng thời lại phải mang tính giải trí.
Nếu định dạng The Voice hấp dẫn ngay từ đầu với vòng Giấu mặt thì X-factor gây chú ý ở việc giám khảo phải bốc thăm để chọn thí sinh. Ở Mỹ, X-factor đã phải tạm thời dừng bước một phần vì không cạnh tranh nổi với The Voice phát sóng cùng lúc. Ở Việt Nam, tình hình làm ăn có phần dễ dàng hơn nhiều. Vì dù là Giọng hát Việt hay Nhân tố Bí ẩn thì cũng do cùng một công ty sản xuất mà thôi.
Ngay sau khi Giọng hát Việt mùa 2 có dấu hiệu nhàm chán chủ yếu do không tìm ra được nhân tố hay ho, nhà tổ chức lập tức chuyển ngay sang Nhân tố Bí ẩn.
Nhà tổ chức biết cách "rẽ hướng" khi Giọng hát Việt mùa 2 có dấu hiệu nhàm chán
Ai cũng biết việc thi thố chỉ là hình thức. Người ta xem các cuộc thi hát truyền hình để tìm kiếm sự giải trí. Nếu chương trình có thứ gì đó khiến người xem phải trầm trồ, phải xúc động rơi nước mắt và háo hức đón xem những thứ tương tự, thì chương trình coi như thành công. Thành công ở đây được đo trước hết bằng lượng người xem và giá bán quảng cáo.
Nhưng khỏe nhất là có nhà tài trợ trọn gói. Nhà tổ chức khi đó chỉ làm thuê cho nhà tài trợ- người đứng ra mua trọn bản quyền chương trình. Mà để gây tín nhiệm với nhà tài trợ, chương trình cũng cần phải có uy tín nhất định về chuyên môn. Sau một mùa thất bát về tài năng, lần này Idol có vẻ quyết tìm ra một vị quán quân đáng đồng tiền bát gạo hơn.
Bắt đầu từ top 6, chương trình đã chịu lỗ để loại những thí sinh làng nhàng nhưng có nhiều fan bằng cách giới hạn thời gian bình chọn từ 1 tuần xuống chỉ còn 15 phút cho mỗi thí sinh. Kết quả có được là đội hình top 4 khá lý tưởng so với mặt bằng thí sinh Idol năm nay.
Không còn các câu chuyện lâm ly hút khách, tốc độ diễn biến quá chậm (2 tuần mới loại được 1 thí sinh) khiến Idol trở nên kém dần về sức hút. Nhưng chương trình đã có cách riêng để tồn tại. Mỗi số phát sóng gần đây đều kèm theo một video ca nhạc của thí sinh. Thực chất đây là các clip quảng cáo cho nhà tài trợ với hình ảnh và logo rất lộ liễu.
Khán giả và bản thân thí sinh bị cuốn theo guồng quay của các cuộc thi, chạy theo những câu chuyện éo le mới, những vị quán quân mới, mà quên mất đời sống nghệ thuật tự nhiên bên ngoài. Nghệ thuật trong các cuộc thi hầu như chỉ là sự lặp lại những khuôn mẫu đã được công nhận.