Ðừng bắt ông Miura đội khăn đống, mặc áo dài
Sau khi nghe ông Miura nói về văn hóa ở Việt Nam, bóng đá Việt Nam cùng con người Việt Nam trên truyền hình Nhật, không ít chuyên gia ví von rằng đến khi nào ông thầy người Nhật này đội khăn đống, mặc áo dài thì mới làm việc được.
Lần đầu bóng đá Việt Nam có thầy ngoại là năm 1995 và HLV đầu tiên khi ấy là Tavares (Brazil). Ông này sang Việt Nam tròm trèm một tháng là xin về nước vì “chịu không nổi” với cách làm bóng đá theo kiểu “muốn được việc phải từ từ”.
Sang đến thời ông Weigang, vị HLV người Đức này quan niệm “Muốn được việc phải quái”. Bằng chứng là hồi đó để được việc có lúc ông này phải “lừa” cả ông tổng thư ký để có cái khách sạn năm sao cho cầu thủ ở để thấy mình được trân trọng hay có cái xe to như cái nhà đưa đến sân bóng…
Sang đời ông Riedl, vị HLV người Áo có thành tích chiếc giày đồng châu Âu lúc còn là cầu thủ lại thay đổi nhịp bóng chuyên nghiệp của mình bằng cách “Vận dụng tính nghiệp dư theo suy nghĩ chuyên nghiệp”.
Rõ nhất là ông nói bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc và cuối cùng thì ông cũng bám cái nóc đấy để làm HLV trưởng suốt từ 1998 đến 2003 với hai lần gián đoạn.
HLV Miura vẫn đối mặt với hàng tá công việc cùng tuyển Việt Nam
Với thực tế trên, không ít người băn khoăn là ông Miura sẽ trụ được bao lâu sau những phát ngôn khá mạnh trên đài truyền hình Nhật. Nhưng có ai nghĩ rằng bây giờ thì bóng đá Việt Nam phải “chiều” ông Miura chứ không phải ông này sẽ đội khăn đống, mặc áo dài để làm bóng đá Việt Nam.
“Chiều” vì đằng sau ông Miura là cả LĐBĐ Nhật, là cả những tập đoàn lớn của Nhật và cả miếng bánh mà nếu thiếu nó thì bóng đá Việt Nam sẽ “gãy gánh giữa đường”.
Nói bóng đá Việt Nam học bóng đá Nhật cũng đúng, mà nói người Nhật thông qua bóng đá để phủ sóng nhiều mặt hàng khác cũng như phát triển thương mại ở Việt Nam cũng không sai.